Những ngày này, các làng nghề ở Bình Ðịnh tất bật vào vụ Tết. Năm nay dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hơn các năm trước, song người dân trong tỉnh vẫn nỗ lực, cố gắng duy trì sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng, giá cạnh tranh... để Tết được đầy đủ, vui tươi hơn.
Tại thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn nơi có hơn 200 hộ làm bánh tráng những ngày này, cả thôn nhộn nhịp như đang có hội, người rộn ràng pha bột, người thoăn thoắt tráng bánh, phơi bánh. Khắp mọi chỗ trống trong sân, ngoài vườn, mái hiên đều được tận dụng để trải liếp phơi. Anh Bùi Hiếu Dũng, 48 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Dũng Hà chia sẻ: Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của thị xã, gia đình tôi mua máy tráng bánh tự động được 1 năm nay. Nhờ đó, công suất sản xuất bánh tăng lên thấy rõ, phải thuê thêm 5 -10 người làm mới kịp. Tôi mạnh dạn mua thêm máy móc vì để hỗ trợ cho làng nghề, xã Nhơn Lộc đầu tư gần 2 tỷ đồng sân phơi bánh tráng, có cái sân này việc phơi bánh tiện ghê lắm. Ngày thường gia đình tôi làm khoảng 100 kg gạo thôi nhưng vào tháng Chạp lượng gạo tăng lên 200 kg có ngày hơn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, 57 tuổi, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn đang ủ nếp làm rượu.Ảnh: HẢI YẾN
Năm 2021, các cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn vừa cho ra khá nhiều mẫu mã từ sản phẩm rượu đậu xanh, rượu nếp, rượu gạo. Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu đá cho biết: Sau gần 1 năm hoạt động cầm chừng, các cơ sở ở thôn mới trở lại tất bật sản xuất cho các đơn hàng tết. Đa phần thành viên Hiệp hội đều đầu tư thay đổi bao bì, mẫu mã và bổ sung thêm một số mẫu sản phẩm mới. Từ 2 tuần qua các hộ sản xuất ở đây đều ráo riết làm ngày làm đêm chứ không rề rà, cầm chừng như mấy tháng trước. Niềm vui của người làm bánh tráng thôn Trường Cửu, rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm như được nhân lên gấp đôi khi sản phẩm của làng nghề được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “UBND xã đã tranh thủ các dự án khuyến công để bà con có nhu cầu tiếp cận mua sắm máy móc giúp nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Khi người dân tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện cho sản phẩm được nhiều thị trường biết đến, giúp bà con có đầu ra ổn định và bền vững”. Tương tự TX An Nhơn, những ngày này không khí sản xuất ở các phường Bồng Sơn, Hoài Tân, Hoài Đức, Hoài Hảo… thuộc TX Hoài Nhơn cũng tấp nập hơn hẳn so với ngày thường. Tại gia đình bà Nguyễn Thị Hoài Nam, chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Hoài Nam, các thành viên gia đình đều bận rộn rang mè, đậu, gạo… Năm qua, cơ sở sản xuất cầm chừng vì tiêu thụ sản phẩm quá khó khăn. Nhưng từ tháng Chạp không khí sản xuất ấm lên dần, và đến nay thì phải từ chối một số đơn hàng muộn vì quá cận Tết.
Phơi bún khô ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân.Ảnh: HẢI YẾN
Mè xửng, bánh dừa nướng, bánh tráng dừa, bánh cốm là những loại bánh kẹo đã quen thuộc nhưng nhờ được các cơ sở cải tiến, tạo thêm biến tấu, nâng cấp mẫu mã bao bì nên lượng đơn hàng cũng như trị giá hợp đồng của các cơ sở sản xuất tại Hoài Nhơn càng về cuối năm càng thêm nặng ký. Nhờ đó không khí tết ở đây thêm chút rộn ràng. Ông Nguyễn Duy Nhâm, phường Tam Quan, chủ một cơ sở sản xuất bánh cốm cho biết: Sản phẩm bánh cốm địa phương được thay áo mới với bao bì từng thanh nhỏ, tiện lợi hơn khi sử dụng; thêm nhiều loại hương vị đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Con cháu chúng tôi sau khi học hành bài bản đã trở về cải tạo mọi thứ từ dây chuyền sản xuất đến cách thức quản lý, thị trường sản phẩm; tôi cũng mạnh dạn cho đầu tư máy móc đóng gói, máy ép khuôn; nhờ vậy bao bì mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, đáp ứng các điều kiện vệ sinh
nghiêm ngặt.