Mạnh mẽ, quyết liệt để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống

Thứ bảy - 11/12/2021 09:15

Cần những giải pháp bền vững, căn cơ để phát triển KT-XH, ổn định đời sống người dân là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu HĐND tỉnh khi tham gia phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIII vào ngày 10.12.

 Cần giải pháp mạnh mẽ để gượng dậy, phục hồi

Tham gia thảo luận, phần lớn các đại biểu (ĐB) ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2021 với các chỉ số tăng trưởng khả quan.

 Sáng 10.12, HĐND tỉnh khóa XIII khai mạc kỳ họp thứ 4. Ảnh: N.HÂN

ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) cho rằng, khó khăn từ dịch Covid-19 chính là dịp để đánh giá, rà soát quy trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể ở từng địa phương. “Kết quả thực hiện đến nay cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng. Bên cạnh sự linh hoạt, thích ứng với những khó khăn chưa có tiền lệ, phải kể đến vai trò của sự đồng lòng, đồng thuận của người dân”, ĐB Vũ nói.

ĐB Vũ cũng cho rằng, năm 2022 tới đây dự báo còn rất nhiều khó khăn. Để phục hồi sản xuất cần chính sách giảm, giãn, miễn thuế phù hợp, nhất là với các hộ kinh doanh cá thể. Cùng với đó là nỗ lực tạo việc làm cho lực lượng lao động từ phía Nam về tránh dịch; đổi mới hệ thống quản trị lao động, kết nối hiệu quả cung - cầu lao động.

“Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho hàng trăm DN nhỏ và vừa phải tạm ngưng hoạt động hoặc phải giải thể. Do vậy, để hỗ trợ các DN có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương, đề nghị tỉnh nên quan tâm, có cơ chế, chính sách để hỗ trợ giúp các DN khôi phục, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương”, ĐB Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) đề xuất.

Còn ĐB Lê Thanh Tùng (đơn vị An Nhơn) bày tỏ băn khoăn khi lĩnh vực thương mại - dịch vụ có sự sụt giảm sâu trong năm qua. Để có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2022 phải có giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn nữa, nhất là ổn định tâm lý của các cơ sở thương mại - dịch vụ, tránh tình trạng hoạt động cầm chừng, tỷ lệ người dân tham gia mua bán không cao.

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Hoài Nhơn) bày tỏ sự quan tâm đến 4/19 chỉ tiêu không đạt của năm 2021, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương GRDP và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới. “Chúng ta cần phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan một cách cụ thể, chi tiết. Có vậy mới khắc phục hiệu quả, làm tiền đề cho phát triển KT-XH đạt hiệu quả hơn trong năm 2022 dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn”, ĐB Hương nêu rõ.

Quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở

Về tình hình dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, từ ngày 15.10 đến nay, số ca F0 trên địa bàn tỉnh tăng cao, trong đó số ca ghi nhận trong cộng đồng chiếm tỷ lệ lớn. Song, số ca tử vong thời điểm sau ngày 15.10 đến nay lại thấp hơn thời điểm trước đó, chiếm khoảng 0,05% số ca nhiễm. Điều này cho thấy việc bao phủ vắc xin, đảm bảo thuốc và tăng cường năng lực điều trị tại các cơ sở y tế đã và đang đáp ứng được mục tiêu phòng, chống dịch trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn. “Tuy vậy, chúng ta vẫn phải duy trì việc kiểm soát dịch bệnh, giảm ca bệnh nặng, đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin”, ông Giang cho biết.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 1. Ảnh: NGUYỄN HÂN

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, ĐB Nguyễn Thanh Vũ (đơn vị Tây Sơn), ĐB Phạm Tấn Thành (đơn vị Phù Mỹ) đề nghị lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế có giải pháp để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, đầu tư cơ sở vật chất, con người; nâng cao năng lực của nhân viên y tế trường học.

“Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và kéo dài, đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến vấn đề này và có sự đầu tư hạ tầng, có chính sách đãi ngộ cho lực lượng y tế cơ sở, nhất là hỗ trợ kịp thời cho các nhân viên y tế tham gia Tổ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà”, ĐB Huỳnh Thúy Vân (đơn vị Quy Nhơn) đề xuất.

Hạn chế rừng sản xuất ở vùng có hồ chứa

Tham gia thảo luận, nhiều ĐB đề nghị các ngành chức năng quan tâm nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường để đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, nhất là đối với các địa bàn miền núi. Đơn cử, trên tuyến ĐT 629 (huyện An Lão), khi xảy ra mưa lũ, tình trạng chia cắt, cô lập cục bộ lại xảy ra; tại huyện Hoài Ân cũng có 4 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng, đi lại khó khăn. Theo ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão), để đảm bảo các tuyến giao thông không bị đứt gãy, tỉnh cần sớm có giải pháp cụ thể trong việc khắc phục triệt để những vị trí ngập úng, sạt lở.

Bàn về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ĐB Nguyễn Văn Lê (đơn vị Phù Cát) nhắc đến thiệt hại do lượng mưa lớn dẫn đến sạt lở trên địa bàn các xã Cát Hưng, Cát Thành vừa qua. ĐB Lê đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét hỗ trợ địa phương khắc phục các thiệt hại lớn. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, ngành đã tổng hợp, có báo cáo về Trung ương để có hướng hỗ trợ; khi có kinh phí, ngành sẽ tham mưu tỉnh phân bổ cho địa phương để tiếp tục thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ cho rằng cần rà soát, đánh giá tổng thể các loại rừng, có phương án giảm diện tích rừng trồng. “Bạch đàn với keo có được gọi là rừng hay không? Trong khi chu kỳ khai thác rất ngắn, thảm thực vật ở dưới không sống nổi, không giữ được nước”, ĐB Vũ phân tích.

 ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ bày tỏ lo lắng trước diện tích rừng sản xuất đang lấn át rừng phòng hộ.
Ảnh: VĂN TRANG

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh, điểm đáng chú ý trong đợt mưa lũ vừa qua là các vụ sạt lở nghiêm trọng ở núi Cấm (huyện Phù Cát), đường Nguyễn Tất Thành, QL 1D (TP Quy Nhơn), cùng các điểm sạt lở khác ở An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, An Lão…

“Nguyên nhân chính cũng do con người cả thôi. Trồng keo, bạch đàn, người dân tự ý mở đường chạy thẳng lên đỉnh núi, dễ dẫn đến sạt lở khi có mưa lớn. UBND tỉnh đã giao các cơ quan chức năng tính toán phương án chuyển một phần đất rừng sản xuất sang đất rừng phòng hộ, tạo khu vực tích nước tại các vùng có hồ chứa nước”, ông Long cho biết.

Nhà nước không bảo vệ người “quỵt nợ”

Bên cạnh phát triển KT-XH, nhiều ĐB cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến tình hình ANTT, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Trên thực tế, tín dụng đen và tội phạm ma túy đã và đang len lỏi về các khu vực nông thôn, vùng sâu, miền núi gây lo lắng cho nhân dân. ĐB Đỗ Thị Diệu Hạnh (đơn vị Hoài Ân) nêu thực trạng, năm 2021 Hoài Ân xảy ra 7 vụ án ma túy với các hình thức vừa sử dụng vừa tàng trữ. Đáng nói, tội phạm ma túy không chỉ tập trung ở thanh thiếu niên địa phương mà đang manh nha sự xuất hiện của các đối tượng ở nơi khác đến tụ tập sử dụng và tàng trữ trái phép ma túy. Địa phương đã tăng cường các giải pháp đảm bảo ANTT cụ thể, song về lâu dài tỉnh cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt để ổn định tình hình trên cả tỉnh.

Trong khi đó, ĐB Đinh Drin (đơn vị Vĩnh Thạnh) nêu thực tế là người dân rất lo lắng trước thực trạng cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả qua nhiều nhiệm kỳ.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc CA tỉnh Huỳnh Bảo Nguyên đặt vấn đề: Cần phải xác định rõ thế nào là tội phạm cho vay nặng lãi? “Nặng” đối với bản thân người vay chứ không phải “nặng” nếu đối chiếu theo quy định pháp luật hiện hành. Hơn nữa, người vay nặng lãi đa số dính đến cờ bạc, ma túy, chứ rất ít người bị cùng quẫn trong làm ăn.

Ông Nguyên thông tin thêm, trong 5 vụ bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2021, có đến 4 vụ liên quan đến việc không trả lãi vay đúng hạn. “Phải đánh mạnh vào tội phạm cờ bạc, ma túy thì may ra mới hết tình trạng này. Quan điểm của chúng tôi là không bảo vệ số người hoạt động trái pháp luật dẫn đến nợ nần. Có gan vay thì phải có gan trả, không được đòi hỏi, mong chờ Nhà nước, pháp luật giúp mình khỏi trả nợ, “quỵt nợ””, ông Nguyên thẳng thắn nói.

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây