Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 HÐND tỉnh khóa XIII:
Thứ tư - 28/07/2021 08:06
Trả lời thỏa đáng các vấn đề cử tri quan tâm
Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 3, HÐND tỉnh khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) diễn ra vào sáng 27.7, lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành chức năng đã trả lời, giải trình thỏa đáng các vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, đầu tư công và an sinh xã hội trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Quan tâm toàn diện lĩnh vực nông nghiệp Trước đề nghị về xem xét ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò có điều kiện tái đàn, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ vắc xin và tiền công tiêm phòng vắc xin. Tỷ lệ tiêm phòng dịch đạt 85,7% tổng đàn thuộc diện tiêm. Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát.
Sau khi công bố dịch, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính phối hợp với Sở NN&PTNT liên hệ Trung ương, đề xuất các giải pháp xử lý. Trước mắt, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, sau khi Trung ương ban hành hướng dẫn sẽ triển khai hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định. Thời gian tới, Sở đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bò vay vốn tái đàn với lãi suất 0%. Về việc triển khai hỗ trợ các địa phương, nhất là các địa phương thuần nông, có điều kiện mở rộng mô hình trồng lúa bằng giống ST 25, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho rằng: “Quan điểm của Sở là luôn khuyến khích, ủng hộ các địa phương áp dụng sản xuất giống lúa mới, nhất là giống lúa chất lượng cao như ST 25. Tuy nhiên, giống lúa này mới được sản xuất 1 vụ Đông Xuân và hiện chưa có quyết định lưu hành tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ; cần phải có thời gian để tiếp tục theo dõi, đánh giá cụ thể trước khi mở rộng sản xuất”. Trước đó, giống lúa ST 25 và ST 24 đã được đưa vào sản xuất vụ Đông Xuân tại TX Hoài Nhơn và huyện Tuy Phước với diện tích khoảng 5,5 ha; sản xuất vụ Thu 2021 tại TX An Nhơn với khoảng 20,8 ha. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương chọn các địa điểm, HTX để xây dựng các mô hình sản xuất giống ST 25 với quy mô phù hợp, theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ. Về chính sách đầu tư cho việc nhân giống, các địa phương có thể lồng ghép vào xây dựng Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa theo Quyết định số 38/2019/QĐ-UBND. Ông Trần Văn Phúc cũng giải trình về đề nghị giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp 146 ha đất rừng giữa Trại giam Kim Sơn với người dân xã Bok Tới, huyện Hoài Ân; chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xử lý tình trạng xung điện xiếc máy còn xảy ra trên địa bàn huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn; giải pháp nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; nâng tỷ lệ sử dụng cũng như chất lượng nước sạch nông thôn… Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do dịch bệnh Giải trình tại kỳ họp về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang cho biết tỉnh đang triển khai một số chính sách như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Riêng đối tượng lao động tự do, đã và đang thực hiện chi trả cho 3.818 người với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm là việc chuyển đổi 13 trường mầm non công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính. Giải trình về nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi đã phát sinh nhiều bất cập, tồn tại như quy mô mạng lưới trường, lớp giảm đáng kể; cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường chưa được đầu tư kịp thời, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chịu nhiều áp lực… Phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, ông Tuấn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện xem xét, quyết định mức tự chủ chi thường xuyên cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương. Đầu tư cho các công trình tạo động lực phát triển, cấp bách phòng, chống dịch Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cũng đã giải trình về nhiều vấn đề tại phiên chất vấn. Trao đổi về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh nói: “Tổng nguồn chi đầu tư công trong giai đoạn tới hơn 26.400 tỷ đồng, cộng với nguồn của Trung ương, chúng ta có khoảng 35.669 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi nhiệm kỳ trước để đầu tư cho các công trình tạo động lực phát triển KT-XH cho tỉnh”.
“Yêu cầu đặt ra trong 6 tháng cuối năm là vừa nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo phát triển KT-XH. Sau kỳ họp, trên cơ sở các nghị quyết đã được HÐND tỉnh thông qua, tôi đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực. Chính quyền các cấp cần quyết tâm cao hơn nữa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh“. Chủ tịch HĐND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế chuẩn bị các điều kiện để phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện đã bố trí 500 giường điều trị. Chiều 27.7, đưa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định vào phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, có kế hoạch chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung; trong đó, Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị 400 chỗ, các địa phương chuẩn bị 9.600 chỗ. Đối với các địa phương, cách đây nửa tháng đã hoàn thiện trước 30% số chỗ. Về năng lực xét nghiệm, hiện chúng ta đã xét nghiệm 4.000 mẫu đơn, 20.000 mẫu gộp 5, 40.000 mẫu gộp 10. “Chúng ta sẽ kiểm soát chặt người từ vùng dịch về thông qua các chốt kiểm dịch, đặc biệt là 2 đầu Bắc - Nam. Đối với việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, dự kiến chi khoảng 250 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các đối tượng với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tỉnh mong nhân dân toàn tỉnh thông cảm trước những mệnh lệnh hành chính làm ảnh hưởng đến cuộc sống, cùng đoàn kết khắc phục khó khăn để phòng, chống dịch thành công”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.