Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIII:
Thứ ba - 27/07/2021 15:13
Tập trung vào các vấn đề “nóng”, sát sườn với cuộc sống
Tối 26.7, tại các tổ HĐND tỉnh, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp, đề ra các giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng cuối năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.
Tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện hết sức khó khăn Tham gia thảo luận tại tổ về tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2021, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Hùng (đơn vị Tuy Phước) cho rằng, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến từng góc cạnh của cuộc sống, tỉnh ta đã vượt qua được thử thách, đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ở mức 6,14% so với cùng kỳ; cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước và xếp thứ 2 trong các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là một kỳ tích. “Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức linh hoạt, uyển chuyển của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương. Nhờ vậy, các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững”, ĐB Nguyễn Văn Hùng đánh giá.
Cũng liên quan đến tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm nay, ĐB Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) nhìn nhận: Trong bối cảnh gặp khó khăn như vậy nhưng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đã có sự tăng trưởng ấn tượng (tăng 3,53%), thể hiện vai trò “trụ đỡ” của ngành kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn mà ngành đang gặp phải hiện nay được cử tri quan tâm là bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò xuất hiện tại nhiều địa phương. Do vậy, bà con cử tri rất mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân tái đàn gia súc; có chính sách khuyến khích, kêu gọi các DN lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của ngành trong giai đoạn 5 năm tới.
ĐB Hồ Quốc Dũng (đơn vị Quy Nhơn) đánh giá, trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng có thể khẳng định rằng trong 6 tháng đầu năm nay tỉnh ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển KT-XH. Nền kinh tế tăng trưởng đều ở cả 3 lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. “Từ thực tế thành công trong công tác phòng, chống dịch ở TX Hoài Nhơn và các địa phương khác, có 3 bài học được rút ra trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Đó là sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo tỉnh đến từng địa phương, cơ sở; sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và sự nỗ lực của các lực lượng ở tuyến đầu như y tế, công an, quân đội”, ĐB Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh. Xây dựng kịch bản cho các tình huống khi dịch ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các kịch bản cho các tình huống khi dịch diễn ra; chỉ đạo cho các huyện, thị, thành phố, các ngành thành lập phương án trên cơ sở kế hoạch chung của tỉnh. Trong đó, cần có phương án cụ thể cho việc cung ứng, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con vùng lõi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Ngoài ra, cần tính đến phương án hỗ trợ DN để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Việc hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cũng cần có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể hơn nữa cho cán bộ tại cơ sở để đảm bảo đúng, trúng đối tượng.
“Ngành Điện lực thời gian qua đã hỗ trợ các cơ sở lưu trú. Nên chăng, cũng có chính sách hỗ trợ một phần phí điện, nước cho người dân trong thời điểm khó khăn này? UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở KH&ĐT đánh giá lại việc sử dụng các nguồn lực đầu tư công, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tập trung nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục (trong bối cảnh phải học trực tuyến thì đầu tư như thế nào), cho lĩnh vực y tế (phục vụ phòng, chống dịch)”, ĐB Vũ đề xuất. Ở góc độ bao quát hơn, ĐB Trần Cang (đơn vị Phù Cát) đề nghị nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch cũng như có kế hoạch dài hạn trong việc phát triển các thế mạnh kinh tế để chủ động và ổn định tình hình.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã dành thời gian trao đổi lại những vấn đề mà các ĐB HĐND tỉnh đã quan tâm về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng kế hoạch cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm nếu xảy ra khả năng xấu là Bình Định bị phong tỏa; giao cho Sở NN&PTNT có phương án cung ứng lương thực; Sở GTVT có trách nhiệm phân luồng giao thông, đảm bảo lưu thông. Giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉ đạo DN sản xuất bình thường trong bối cảnh hiện nay, có phương án đảm bảo an toàn cho công nhân, nếu không đáp ứng được thì phải dừng hoạt động. Tỉnh cũng đã làm việc với đơn vị cung cấp oxy để đảm bảo nguồn. Các siêu thị, nhà cung ứng hàng hóa lớn của tỉnh đang tích trữ vượt 20% để phục vụ nhu cầu bà con trong phòng dịch. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phải đảm bảo lưu thông hàng hóa để các DN thực hiện xuất - nhập khẩu, phục vụ đời sống nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long nhấn mạnh. Giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà Tại phiên thảo luận, ĐB Đỗ Thị Diệu Hạnh (đơn vị Hoài Ân) nêu ý kiến cần quan tâm đến việc cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp đến/về từ vùng có dịch Covid-19. Bởi, nhiều gia đình ở vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn về kinh tế, không đảm bảo các điều kiện để cách ly y tế tại nhà. Ngoài ra, không ít trường hợp gia đình có người về từ vùng dịch, bản thân người đó thực hiện cách ly tại nhà nhưng các thành viên khác trong gia đình vẫn đi lại bên ngoài. Ngoài ra, tăng cường mua sắm, trang bị các thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, sớm triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho toàn thể người dân trong tỉnh. “Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh cần có quy định cách ly cả những người trong gia đình có thành viên về từ vùng dịch. Có như vậy mới kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, những gia đình gặp khó khăn, không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà thì nên xem xét đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung. Những khu này do UBND cấp huyện, xã lựa chọn; nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện tại các khu cách ly tập trung này do huyện, xã đảm trách”, ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão) ý kiến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thông tin, tỉnh ta đang có chiến lược phòng, chống dịch rất căn cơ. Hiện, các chỉ tiêu, kế hoạch đều tốt, riêng lĩnh vực nông nghiệp tăng khá cao, từ việc tái đàn đến chuyển đổi cây trồng, con giống khá ổn định và phát triển. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, thách thức như nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế do tình hình dịch diễn biến phức tạp... nên mục tiêu là từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng khống chế dịch Covid-19 hiệu quả và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp vượt chỉ tiêu. “Muốn được như vậy, ngành Nông nghiệp cần chủ động tháo gỡ các khó khăn phía DN, cung ứng hàng hóa, gỡ đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Tiếp tục thực hiện gói chính sách hỗ trợ cho những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh. Các ĐB cũng thảo luận về những giải pháp căn cơ, lâu dài từ việc khẩn trương triển khai hỗ trợ cho lao động tự do và số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do dịch Covid-19, cân nhắc các nhóm đối tượng để đưa vào hỗ trợ, đến việc tạo nguồn nhân lực y bác sĩ tại cơ sở.
ĐB Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) cho rằng: Với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì lực lượng y bác sĩ tại cơ sở rất cần thiết. Do đó chúng ta cần có chính sách thu hút cũng như chế độ đãi ngộ, quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ từ đối tượng y sỹ lên bác sĩ để đảm bảo yêu cầu 159 xã, phường, thị trấn có bác sĩ tại chỗ. Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cần quan tâm đến môi trường Các ĐB cũng dành thời gian thảo luận một số nội dung tại các tờ trình, trong đó, về vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, ĐB Huỳnh Thị Anh Thảo (đơn vị Phù Mỹ) cho rằng, trong 21 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì có 6 dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy, 6 dự án này có đủ điều kiện để trình tại kỳ họp này chưa. Ngoài ra, có một số dự án đã hết hạn và đang xin gia hạn, vậy có cần làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không, và nếu đã được thông qua thì trong bao lâu dự án sẽ có đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Dũng (đơn vị Phù Mỹ) cho rằng để đảm bảo việc kiểm tra, xử lý, cơ quan chức năng nên đôn đốc các cơ quan quản lý kiểm soát kỹ về thực tế công tác khai thác, tránh tình trạng lấy cạn kiệt nguồn đất tại nơi đang khai thác. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nói: “Việc chuyển mục đích rừng mà chưa đánh giá tác động môi trường chủ yếu liên quan đến các mỏ đất. Hiện nay, quá trình thủ tục xin cấp mỏ là khoảng 1 năm, mà việc triển khai dự án lại có thời gian cụ thể. Do đó để đảm bảo tiến độ, hiện tỉnh đã giao cho các chủ đầu tư là UBND các địa phương, chủ dự án đánh giá, thăm dò giải phóng mặt bằng, tham vấn ý kiến cộng đồng. Từ đó, Sở TN&MT thẩm định, sau đó mới được múc đất. Sở dĩ có tình trạng một số dự án chưa đầy đủ yêu cầu nhưng vẫn đưa vào trình tại kỳ họp này là bởi vì một năm chỉ có 2 kỳ họp HĐND, nếu chờ thì lại chậm tiến độ dự án. Hơn nữa có những dự án xin gia hạn là bởi vì chưa khai thác hết, đủ trữ lượng nhưng đã hết hạn.