Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2021, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều thành tích nổi bật. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên 35.900 tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng; theo Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 30.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 12,8 triệu lao động. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,52% so với cuối năm 2020. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng.
Trong năm 2022, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các chính sách giảm nghèo; tập trung hỗ trợ các nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, năm 2022 Bộ LĐ- TB&XH phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số; tạo điều kiện để người dân, DN tiếp cận nhanh nhất, thụ huởng đầy đủ chính sách và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH cần quan tâm chăm lo tốt cho đối tượng người nghèo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để người dân đón tết Nguyên đán Nhâm Dần đầm ấm, vui tươi.
Theo NGỌC TÚ / baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn