Thực hiện nghị quyết 68/NQ-CP: Tháo gỡ bất cập, đẩy nhanh hỗ trợ người lao động khó khăn

Thứ tư - 29/09/2021 07:48
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn cần được nhanh chóng khắc phục để đẩy nhanh tiến độ.
Còn chậm, lúng túng
Sau 2 tháng triển khai chính sách, nhiều địa phương, nhất là các xã, phường còn lúng túng trong việc xác định đối tượng được hỗ trợ nên triển khai thực hiện còn chậm. Tại cuộc họp với Tiểu ban An sinh xã hội (thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh), Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân nhìn nhận, một trong những nguyên nhân quan trọng là cán bộ ở cơ sở sợ sai, sợ bị kỷ luật. Điều này một phần vì cán bộ LĐ-TB&XH ở cấp xã thường xuyên thay đổi, người mới tiếp nhận nhiệm vụ lại chưa đủ kinh nghiệm; chưa kể, một số lao động cư trú ở địa phương nhưng làm việc ở nơi khác, khai báo về thu nhập chưa sát nên gây khó cho cán bộ cơ sở.
Cán bộ cơ sở tại các phường thuộc TP Quy Nhơn chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ cho đối tượng lao động tự do khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Phòng LĐ-TB&XH Quy Nhơn
Việc hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (người bán hàng tại các chợ, chợ đêm, hoạt động trong lĩnh vực karaoke, internet, cơ sở massage…) chậm được xét duyệt cũng là một vấn đề nổi cộm. Trước đó, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện “quy trình ngược”, gửi danh sách 9.348 hộ kinh doanh trong tỉnh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và nằm trong vùng dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên đến các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, UBND các xã, thị trấn, phường chậm xác nhận mẫu số 11 (ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg), công khai, tổng hợp, báo cáo về ngành Thuế. Sau khi đôn đốc, các địa phương đã rà soát lại được 3.499 hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngành Thuế đã thẩm định được 1.488 hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Vừa qua, lao động tự do hoặc làm việc trong các hộ kinh doanh (hộ không đăng ký thuế) lĩnh vực ăn, uống (bưng, bê, rửa chén, bát…) và làm vệ sinh, buồng, phòng trong các nhà nghỉ, homestay vẫn chưa được quan tâm”.
Kịp thời, công bằng
Trước đó, UBND tỉnh tiếp tục gia hạn thời gian hoàn thành cơ bản việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do dịch Covid-19 từ mốc 15.9 đến cuối tháng 9.2021. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu các địa phương phải đảm bảo kịp thời, công bằng trong thực hiện chính sách, phải vừa nhanh, vừa không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách. Hai nhóm đối tượng cần phải được quan tâm nhất là lao động tự do và hộ kinh doanh.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang nêu cụ thể: “UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, hướng dẫn các đơn vị, người lao động làm các thủ tục giải quyết trợ cấp, trong đó lưu ý các hộ kinh doanh cá thể, người lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động để phòng, chống dịch và đối tượng lao động tự do hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, thợ hồ, phụ hồ, hớt tóc... tại các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tổ chức xét duyệt, nhanh chóng chi trả cho các đối tượng đủ điều kiện”.
Các địa phương đang gấp rút triển khai theo hướng chỉ đạo này. Ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn, cho biết: Thị xã đã tạm ứng ngân sách để tiếp tục chi hỗ trợ cho thêm 7.060 lao động tự do với tổng số tiền 10,5 tỷ đồng. Tổng số lao động tự do được phê duyệt hỗ trợ đến thời điểm này là 9.069 lao động.
TX An Nhơn cùng với TP Quy Nhơn là 2 địa phương có số lao động tự do được hỗ trợ hơn 9.000 người/địa phương. TX Hoài Nhơn có hơn 7.500 người lao động tự do đã được hỗ trợ… Tổng số lao động tự do trong tỉnh được hỗ trợ đến ngày 27.9 là 31.372 người với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 1.473 hộ kinh doanh với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng. Trong đó, địa phương có số hộ kinh doanh được phê duyệt cao nhất là TP Quy Nhơn, với 551 hộ, tổng số tiền hỗ trợ là 1,653 tỷ đồng. Trong số này, đã có 171 hộ được chi hỗ trợ với tổng số tiền là 513 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước đề xuất: “Mốc 30.9 cơ bản hoàn tất hỗ trợ có lẽ là khó thực hiện đối với các xã, phường đang thực hiện Chỉ thị 16. Tôi đề nghị cấp trên cho phép các địa phương này được có thêm thời gian sau mốc 30.9”.
 

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây