Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc

Thứ tư - 08/09/2021 10:52
Nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QÐ-TTg, vừa qua, Sở LÐ-TB&XH đã có nhiều hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc.
Trong số các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cấp xã hiện đang phải tổng hợp, trình UBND cấp huyện giải quyết 3 chính sách: Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hộ kinh doanh; lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác. Trong đó, riêng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà), các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế tại Văn bản số 2789/SYT-KHTC ngày 29.7.2021.
Quan tâm lao động tự do
Trước sự lúng túng của các địa phương trong xác định đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tại cuộc họp trực tuyến với các phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo UBND và cán bộ văn hóa - xã hội các xã, phường, thị trấn (tổ chức cuối tháng 8.2021), Sở LĐ-TB&XH đã khái quát, thống nhất một số nội dung thực hiện đối với đối tượng này.
 
Cán bộ xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước
Đối tượng được hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc trong các ngành nghề phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; làm một trong các loại công việc sau gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch: Bán vé số dạo, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, người bốc vác trong khu vực nhà ga, bến cảng, bến xe, bến tàu và tại các chợ, người chở khách, chở hàng bằng mô tô 2 bánh, 3 bánh, xích lô, ba gác, người thu gom rác, phế liệu, người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú (trừ các đối tượng làm việc theo giờ, làm việc bán thời gian).
Vừa qua, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ nhanh chóng đối với các trường hợp bán vé số dạo, bốc vác trong khu vực nhà ga, bến cảng, bến xe, bến tàu và tại các chợ, người chở khách, chở hàng bằng mô tô 2 bánh, 3 bánh, xích lô, ba gác, người thu gom rác, phế liệu. Đối với các trường hợp còn lại, ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH), nhấn mạnh: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc trong các ngành nghề phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là người lao động làm việc trong các ngành nghề như karaoke, massage, spa, tập gym, trò chơi điện tử, bán hàng chợ đêm, billiards… và làm việc trong các ngành nghề tại các khu vực bị giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Đây là nhóm đối tượng tạm dừng hoạt động đầu tiên để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của tỉnh.
 
Ðến ngày 6.9, 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 13.867 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và các đối tượng đặc thù với tổng số tiền 20,8 tỷ đồng. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xét duyệt, thẩm định 704/9.348 hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ 2,112 tỷ đồng.
Ðến ngày 6.9, số hồ sơ nộp trực tuyến tại trang  https://hotronguoidan.binhdinh.gov.vn là 1.691 hồ sơ. Các huyện, thị xã, thành phố đã duyệt 14 hồ sơ, từ chối 159 hồ sơ.
Đối với các khái niệm “tự làm”, “lưu trú”, “ăn uống”, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn thống nhất cách hiểu, nhận diện. Lưu trú là dịch vụ lưu trú ngắn ngày (khách sạn; căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà khách, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà trọ, phòng trọ và các cơ sở lưu trú ngắn ngày tương tự). Cơ sở lưu trú khác là ký túc xá học sinh, sinh viên; chỗ nghỉ trọ trên xe lưu động, lều quán, trại dùng để nghỉ tạm, cơ sở lưu trú khác. Về kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống sẽ bao gồm: Nhà hàng, quán ăn, quán ăn tự phục vụ, quán ăn nhanh, cửa hàng bán đồ ăn mang về, hàng ăn uống trên phố, trong chợ, xe bán hàng ăn uống lưu động; quán rượu, bia, quầy bar; quán cà phê, giải khát; dịch vụ phục vụ đồ uống khác.
Khái niệm “tự làm” là những công việc của người lao động do chính bản thân họ tự làm từ khâu ban đầu đến khâu cuối của sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, để được hưởng các chính sách theo quy định, đối tượng này phải tự làm trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú. Tương tự, người lao động tự do làm việc tại các hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú thì mới được hưởng các chính sách theo quy định.
Đối với một số trường hợp phát sinh khác, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương bám sát vào điều kiện hỗ trợ để xem xét. Đó là người lao động mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg; cư trú hợp pháp tại địa phương (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận).
Rà soát hộ kinh doanh, hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương khẩn trương, linh hoạt trong việc bình xét đối với đối tượng lao động tự do, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Riêng với hộ kinh doanh, các xã, phường khẩn trương rà soát, đủ điều kiện thì hướng dẫn hộ kinh doanh nộp đơn tại trang: hotronguoidan.binhdinh.gov.vn chứ không ngồi chờ hộ dân đem đơn đến nộp.
Nhiều địa phương băn khoăn hộ kinh doanh không nộp thuế có được hỗ trợ không, đại diện Sở LĐ-TB&XH làm rõ: Chính sách áp dụng đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên. Như vậy, không hề có quy định phân biệt giữa hộ kinh doanh nộp thuế hay không nộp thuế. Về cơ sở xác định hộ kinh doanh, các địa phương dựa vào Điều 79 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP và danh sách hộ kinh doanh tại Phòng Tài chính- Kế hoạch (UBND cấp huyện).
Đối với một số vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người lao động tại DN tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc, Sở LĐ-TB&XH dựa vào công văn của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn các Phòng LĐ-TB&XH. Theo quy định của địa phương, DN được phép hoạt động khi đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” và phải tạm dừng sản xuất khi không đủ điều kiện. Đối với DN đang thực hiện “3 tại chỗ” nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú này thì người lao động và DN thống nhất để xác định theo một trong các cách sau.
Thứ nhất là DN cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Thứ hai là DN thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo điểm h khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động.
Thứ ba là có thể áp dụng các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động, như: Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động…
Đối với những DN không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; hoặc nằm trong khu vực bị cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên vật liệu, xuất hàng buộc phải tạm dừng hoạt động được xem là “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”, người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Mỗi địa phương có một đặc thù riêng, có những chỉ đạo chống dịch khác nhau nên cần phải có cách hiểu linh hoạt; thực hiện một cách đơn giản với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho DN, người lao động gặp khó khăn”.
 

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây