Từng bước phục hồi các hoạt động văn hóa
Thứ hai - 21/03/2022 08:14
Sau một thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước được khôi phục theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Điểm đến an toàn
Trong năm 2021, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh hầu như phải tạm dừng để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh cho phép mở lại các hoạt động kể từ ngày 15.10.2021, trong đó có các cơ sở văn hóa, thư viện, tín ngưỡng, tôn giáo, di tích, danh lam thắng cảnh…, ngành VH&TT bắt đầu triển khai các giải pháp tái khởi động.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Việc tạm dừng kể trên gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu, kết quả hoạt động của ngành, nhưng đáng nói hơn là nó làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân. Chính vì vậy sau khi có chính sách thích ứng linh hoạt, chúng tôi đã hướng dẫn và hỗ trợ nhiều đơn vị, địa phương để vừa đảm bảo điều kiện an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 vừa tổ chức lại nhiều hoạt động, nhất là ở lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch, điện ảnh…
Theo ghi nhận của phóng viên, lượng du khách và người dân tham quan, dâng hương tại các di tích và cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh, như chùa Ông Núi, chùa Bà… đã đông hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Ý thức tuân thủ các khuyến cáo, quy định phòng dịch của người dân khá tốt, nên không xảy ra cảnh chen lấn, tụ tập. Các khu di tích, khu vực tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ kiểm soát được lượng người ra, vào.
Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, các di tích như tháp Đôi, tháp Dương Long… đã mở cửa phục vụ khách tham qua từ nhiều tháng qua. Ngay cổng vào các điểm đến đều có bảng khuyến cáo tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, lực lượng bảo vệ và thuyết minh viên của di tích, bảo tàng… cũng thường xuyên nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho hay: “Để việc đón khách tham quan an toàn, thuận lợi, các điểm di tích đã tích cực chỉnh trang khuôn viên di tích, trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, niêm yết mã QR cũng như bố trí bàn khai báo y tế phục vụ người dân và du khách. Từ tháng 10.2021 đến nay, ước tính có hơn nghìn lượt khách đến các điểm di tích, bảo tàng trong tỉnh”.
Tái khởi động các chương trình văn hóa, văn nghệ
Không chỉ các di tích, điểm đến mở cửa đón khách, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng được các đơn vị triển khai ngay từ đầu năm 2022. Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho hay: “Từ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, các diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch bài chòi và Đoàn tuồng Đào Tấn cũng tích cực tập luyện các vở diễn, nhằm chuẩn bị tham dự Liên hoan Nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2022 được tổ chức ở tỉnh Nghệ An vào tháng 5. Đồng thời, diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn tuồng Đào Tấn cũng tham gia các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong lễ hội cầu ngư ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn)”.
|
Lễ hội cầu ngư xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Ảnh: D.N |
Trong khi đó, các đoàn nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và các trung tâm VH-TT&TT các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức, tham gia các hoạt động biểu diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm hoặc những sự kiện lớn của xã, huyện.
Ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, chia sẻ: Đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan, văn nghệ chào mừng nhân các sự kiện, lễ kỷ niệm của tỉnh, trong đó có lễ khánh thành trưng bày biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022, lễ kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2020), lễ khánh thành Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung… Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, kịch bản chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng huyện Hoài Ân; xin ý kiến chỉ đạo của Sở VH&TT, phối hợp với Phòng Văn nghệ (Đài PT-TH Bình Định) tổ chức ghi hình, phát sóng chương trình văn nghệ kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2022); lên kế hoạch tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân ở các xã miền biển, miền núi của tỉnh.
Tổ chức các hoạt động phù hợp
Trong năm 2022, Sở VH&TT đã ban hành chương trình tổ chức 113 hoạt động trọng tâm ngành VH&TT, trong đó lĩnh vực văn hóa có 60 hoạt động tiêu biểu nhằm tôn vinh, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc như: Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định; Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VIII… Song song kế hoạch này, ngành VH&TT cũng tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với từng hoạt động cụ thể.
Ông Tạ Xuân Chánh cho biết thêm: “Ngoài các hoạt động văn hóa cấp tỉnh, khu vực, quốc gia dự kiến được tổ chức trên địa bàn tỉnh, ngành VH&TT cũng tập trung đưa các hoạt động về cơ sở, cùng với cơ sở đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức thêm nhiều sân chơi văn hóa, thể thao. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo động lực, nền tảng vững chắc cho gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Các điểm di tích, bảo tàng vẫn luôn trong điều kiện sẵn sàng đón khách an toàn, hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch… Các hoạt động được tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định”.
Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn