Khó ghìm lạm phát nếu chỉ giảm 2.000 đồng thuế môi trường
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm 50 - 70% tùy sản phẩm, áp dụng từ ngày 1.4 đến 31.12.2022. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít.
Vào 15 giờ chiều qua, 21.3, giá xăng lần đầu tiên giảm sau 6 lần tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít (giảm 650 đồng); RON 95 là 29.190 đồng/lít (giảm 630 đồng). Nếu được giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng E5 RON 92 còn 26.330 đồng/lít; RON 95 là 27.190 đồng/lít.
Tuy nhiên, đà giảm giá xăng dầu có vẻ chỉ là tạm thời. TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu, Phó Trưởng khoa Tài chính, Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn dự báo thế giới cho thấy, giá dầu Brent đến cuối năm 2022 có thể tăng lên đến 150 USD/thùng kéo theo giá xăng trong nước tăng khoảng 40% trung bình năm và vì thế sẽ có thể tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 1,6% so với cuối năm 2021. Khi đó, độ ảnh hưởng của việc giảm 2.000 đồng thuế trên mỗi lít xăng ít ý nghĩa với tác động giá xăng trung bình của năm 2022 lên CPI.
Nói cách khác, theo hai vị chuyên gia này, giảm 50 - 70% thuế bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và/hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31.12.2022.
Hai chuyên gia cho rằng, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định Bộ Tài chính đang đề xuất. Hơn nữa, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu. Theo hai chuyên gia, Việt Nam vừa nhập khẩu xăng dầu nhưng lại là nước xuất khẩu dầu thô nên khá trung lập về nguồn thu. Thực tế, nguồn thu từ dầu thô từ đầu năm cho đến nay tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ (do giá xuất khẩu dầu thô tăng).
Giá xăng cao một phần bởi gánh nặng thuế, phí
Ủng hộ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê cho rằng, “giá xăng dầu trong nước tăng cao một phần do ảnh hưởng tăng nóng của thị trường thế giới, do cung thấp hơn cầu…, nhưng bên cạnh đó mặt hàng này đang phải “gánh” rất nhiều thuế phí”.
Hiện tại mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng). Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng từ 42 - 43% đối với xăng và 21 - 27% đối với dầu.
Nhìn vào cơ cấu này, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự (Hà Nội) nhấn mạnh: “Đây không chỉ là bài toán của giá nhiên liệu thị trường thế giới mà còn là sự lựa chọn giữa ngân sách nhà nước và nền kinh tế quốc dân với lợi ích của doanh nghiệp và người dân”.
Theo ông, sắc thuế nào cũng có mục tiêu và chức năng riêng của nó. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm điều chỉnh thái độ tiêu dùng, tức đánh vào hàng tiêu dùng (hoặc dịch vụ) hoặc nguyên liệu chủ yếu trực tiếp sản xuất ra những mặt hàng không được khuyến khích tiêu dùng. “Xăng dầu chưa bao giờ thuộc đối tượng này, bởi nó là nhiên liệu và năng lượng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Không có nó, các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải không vận hành được”.
Vì vậy, ông cho rằng Bộ Tài chính nên xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. “Nếu tiếp tục giữ thuế này, giá cả mọi sản phẩm sẽ tăng, gánh nặng chi phí cho nền kinh tế lớn, tăng lạm phát và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, đời sống người lao động và nhân dân khó khăn. Còn hậu quả đối với ngân sách, rất có thể nguồn thu từ các loại thuế đánh vào doanh nghiệp sẽ giảm và bị thiệt hại”, ông Lập phân tích.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn