LTS: Tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp bất thường) diễn ra ngày 23.3, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu một số nghị quyết liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông và y tế.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ngành GTVT tỉnh luôn thể hiện tinh thần “đi trước mở đường” làm tiền đề cho sự phát triển KT-XH ở địa phương. Nhiều công trình đã và đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng cho nền kinh tế.
Nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương như: Tuyến QL 19 nối từ cảng Quy Nhơn đến QL 1, đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội kéo dài, đường phía Tây tỉnh đoạn Km130+00 - Km143+787…
Đường vào sân bay Phù Cát được mở rộng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong thời gian đến. Ảnh: M.L |
Thời gian qua, do nguồn vốn đầu tư của tỉnh còn khó khăn, chúng ta chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng mới một số công trình trọng điểm mang tính chất chiến lược, chưa kết nối đồng bộ liên vùng nên chưa phát huy hết hiệu quả khai thác các công trình mà tỉnh đã đầu tư xây dựng.
Theo Đề án, thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, sẽ triển khai xây dựng các công trình giao thông đường bộ đầu tư bằng nguồn ngân sách của tỉnh do các sở, ban ngành của tỉnh làm chủ đầu tư đã và đang triển khai trên 27 dự án với tổng chiều dài 180,05 km, tổng mức đầu tư gần 12.774 tỷ đồng; công trình đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA được triển khai đầu tư trên 2 dự án với tổng chiều dài 119,57 km, tổng mức đầu tư gần 3.319 tỷ đồng; các tuyến đường địa phương do ngân sách tỉnh hỗ trợ gồm 51 công trình với chiều dài 213,07 km, tổng mức đầu tư hơn 2.381 tỷ đồng. |
Do đó, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc thông qua Đề án Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là phát triển từng bước đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, kiềm chế TNGT, hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống giao thông kết nối đồng bộ liên vùng.
Cụ thể, đầu tư hoàn thành đường ven biển từ Quy Nhơn đến Tam Quan; các tuyến đường kết nối về đường ven biển, cảng Quy Nhơn, các khu công nghiệp, các đô thị; thông tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đoạn từ QL 19 đến Khu Becamex VSIP Bình Định và một số tuyến đường phục vụ phát triển KT-XH với tổng chiều dài cần đầu tư xây dựng gần 300 km.
Cùng với đó là đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 51 công trình với chiều dài hơn 213 km thuộc các tuyến đường địa phương nhằm phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh. Bổ sung đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021 - 2025 cho 6 dự án. Tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 11 dự án, công trình giao thông quan trọng của tỉnh, làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2026 - 2030 với tổng chiều dài tuyến gần 195 km.
Tổng nhu cầu vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là gần 21.275 tỷ đồng (kể cả kinh phí bổ sung 6 danh mục công trình); nguồn vốn đã bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hơn 13.839 tỷ đồng, nguồn vốn cần bổ sung hơn 5.814 tỷ đồng. Dự kiến các nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách tỉnh đầu tư tập trung, vốn trung ương hỗ trợ, vốn vay ODA, vốn sự nghiệp kinh tế, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
* Ông TRẦN THANH DŨNG, Giám đốc Sở GTVT: Hướng đến nhiều mục tiêu lâu dài Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH và được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề để phát triển KT-XH, gắn liền với quốc phòng - an ninh. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông và giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương, kết nối từ Tây sang Đông, phát triển đảm bảo cân đối, hài hòa hợp lý nhu cầu phát triển liên vùng phù hợp quy hoạch và định hướng quy hoạch để mở rộng không gian cho các đô thị trực thuộc tỉnh, phục vụ việc khai thác hiệu quả nguồn lực quỹ đất... Việc xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 chú trọng triển khai đầu tư xây dựng một số công trình đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo một số đoạn, tuyến có mật độ lưu thông lớn, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, góp phần nâng cao năng lực thông hành, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu nguy cơ TNGT, giúp người dân đi lại được thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển KT-XH là hết sức cần thiết. * Ông NGÔ HOÀNG NAM, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn: Mở ra cơ hội bứt phá cho thành phố Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc thông qua Đề án Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là điều kiện thuận lợi để phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng. Ở góc độ thành phố, tôi thấy rằng nếu thực hiện thành công Đề án này rõ ràng góp phần cho thành phố mở rộng không gian đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông đối ngoại kết nối liên vùng giữa TP Quy Nhơn với các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường sẽ mở ra các trục giao thông mới cho thành phố theo hướng Đông - Tây và hướng Đông - Bắc, tạo ra nguồn lực cũng như hạ tầng giao thông đô thị phục vụ cho phát triển KT-XH, đặc biệt là phát triển du lịch. Theo Đề án được HĐND tỉnh thông qua, sẽ có một số dự án giao thông quan trọng như xây dựng mới cầu Thị Nại 2, đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội đến vịnh Mai Hương, tuyến giao thông kết nối giữa QL 19C đến Cảng Quy Nhơn; nâng cấp, mở rộng các tuyến Nhơn Hội - Nhơn Hải, tuyến đường Điện Biên Phủ đến QL 1D, tuyến đường Trần Nhân Tông kết nối giữa QL 1D và QL 19… Các công trình này vừa góp phần chỉnh trang đô thị, vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng không gian đô thị, mở ra cơ hội bứt phá phát triển cho thành phố trong tương lai. * Ông PHAN CHÍ HÙNG, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn: Tạo đòn bẩy để Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV Theo Đề án, các tuyến đường quan trọng trên địa bàn huyện Tây Sơn được đưa vào đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 như: Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong (khoảng 18 km), kết nối QL 19 (tại Km31+400), thuộc địa phận xã Bình Nghi đến điểm cuối giáp QL 19 (tại Km47+620), thuộc địa phận xã Bình Tường. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến từ xã Tây Vinh đi xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), tuyến đường từ Bảo tàng Quang Trung đi tháp Dương Long; tuyến đường từ xã Bình Hòa - xã Bình Tân; tuyến đường từ Nam Giang đi xã Vĩnh An; tuyến đường từ huyện Tây Sơn đi Phù Cát; xây dựng mới cầu Kiên Mỹ; tuyến đường Tây Sơn đi TX An Nhơn… Trong giai đoạn 2025 - 2030, các tuyến đường được đưa vào đầu tư như: Tuyến đường ven sông Phú Lạc - Tây Bình, tuyến Bình Nghi đến suối Đồng Sim, tuyến ven sông Tây Thuận - Tây Giang, tuyến ven sông Tây Giang - thị trấn Phú Phong, cầu Hữu Giang, cầu Bình Tường - Bình Thành, cầu Bình Nghi - Tây Bình... Nếu đề án được triển khai đảm bảo theo đúng tiến độ được phê duyệt thì hạ tầng khung giao thông của huyện sẽ mở ra diện mạo mới cho Tây Sơn, tạo đòn bẩy quan trọng cho huyện phát triển KT-XH, từng bước đạt chuẩn đô thị loại IV và hướng đến thành lập thị xã trong thời gian đến. |
Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn