Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời đánh dấu bước ngoặt cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, làm thay đổi tư duy kiểu cũ. Từ chỗ trông chờ chính sách hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các HTX đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, làm tốt vai trò “phục vụ thành viên”…
“Chúng tôi được làm chủ!”
Chỉ vào hai chiếc máy sấy lạnh trị giá 700 triệu đồng (trong đó tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 600 triệu đồng) đang chạy hết công suất, ông Phạm Văn Chuyền, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại nấm và dược liệu Khánh Công, huyện Yên Khánh khoe: “Nhờ có chúng, hiệu quả hoạt động của HTX nâng lên rõ rệt, đời sống các thành viên, người lao động cũng khấm khá hơn”.
Sự khấm khá ấy được minh chứng bằng các con số. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX là 8,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 950 triệu đồng. Năm 2020, con số này lần lượt nâng lên 21 tỷ đồng và hơn 1,1 tỷ đồng. Thu nhập của 162 người lao động trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ. Hiện, HTX ký hợp tác với 5 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Chuyền xác nhận, sự “thay da đổi thịt” này bắt đầu từ năm 2017, khi chuyển đổi sang HTX kiểu mới theo quy định của Luật HTX năm 2012. Theo đó, HTX được mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động ở 6 huyện của tỉnh Ninh Bình và Nam Định. Bản thân ông Chuyền cũng như thành viên Ban Quản trị thường xuyên được bồi dưỡng điều hành quản lý, chuyên môn kế toán, kiểm soát; chính quyền quan tâm hỗ trợ về vốn, đất đai… Trong đó, “cái được lớn nhất là chúng tôi thực sự độc lập, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động”; nhờ vậy, các quyết định đưa ra rất nhanh nhạy, kịp thời. Điều này khác hẳn so với khi HTX còn trực thuộc UBND xã, mọi quyết định đều phải thông qua chính quyền, “có khi mất 1 - 2 tháng kể từ lúc trình lên thì xã mới duyệt làm mất cơ hội”.
Cũng như ông Chuyền, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, Tiền Giang cảm nhận rõ sự đổi thay từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012. Với hơn 40 năm hoạt động, trải qua những thăng trầm của thời cuộc, ông Liêm cho rằng Luật thực sự tạo ra thay đổi về chất! Theo đó, HTX có địa vị pháp lý rõ ràng, hoạt động theo quyền lợi của HTX và thành viên. Đặc biệt, Luật không còn khái niệm “chủ nhiệm” và “xã viên” vốn nặng về cơ chế bao cấp, thay vào đó là “giám đốc” và “thành viên”.
“Sự thay đổi câu chữ nghe có vẻ đơn giản nhưng đã tạo ra thay đổi căn bản. Trước đây, tư cách Chủ nhiệm HTX đi ký hợp đồng với đối tác doanh nghiệp bất kể của Nhà nước hay tư nhân, hoặc với ngân hàng thì thường ở vị thế thấp hơn, ít sự tín nhiệm hơn. Khi chuyển sang vị trí giám đốc, vị thế đã bình đẳng, trách nhiệm cũng được đề cao; vị thế của các thành viên cũng được nâng lên”, ông Liêm chia sẻ.
Trên cương vị Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, bà Lê Thị Tâm có góc nhìn bao quát hơn. “Luật ra đời đánh dấu bước ngoặt cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, làm thay đổi tư duy kiểu cũ. Từ chỗ trông chờ chính sách hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, các HTX đã chủ động, tự chủ thông qua việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu thị trường và định hướng phát triển chiến lược, qua đó đã giúp HTX đứng vững trên thị trường, làm tốt vai trò “phục vụ thành viên”. Đây là thay đổi quan trọng, mang tính nền tảng để HTX phát triển.
Nhiều kết quả tích cực
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật HTX năm 2012 đã tạo khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương. Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX được củng cố, tăng cường ở các cấp, ngành. Một số bộ, ngành đã thành lập cơ quan chuyên trách quản lý về kinh tế tập thể, HTX. Ở địa phương, đã giao cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính - Kế hoạch hoặc Phòng Nông nghiệp ở cấp huyện.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể, HTX bước đầu được triển khai. Giai đoạn 2013 - 2021 đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng hơn 360.000 lượt cán bộ, thành viên HTX; hỗ trợ hơn 7.000 HTX xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khoảng 6.000 HTX ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ... Riêng năm 2020 và 2021, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và HTX bị khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30%, khoanh nợ, giãn nợ...
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19 khiến hơn 90% HTX giảm doanh thu và lợi nhuận, hơn 50% tổng số lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương… song nhìn chung, giai đoạn 2013 - 2021 khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục duy trì, phát triển ổn định. Đến hết năm 2021, cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1 - 1,2 triệu lao động/năm. Doanh thu bình quân năm 2021 ước đạt 4,1 tỷ đồng/HTX, tăng hơn 400 triệu đồng so với năm 2013; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 31 triệu đồng (2013) lên 69 triệu đồng (2021). Số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị tăng nhanh. Năm 2021, cả nước có gần 1.300 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 4,8% tổng số HTX và tăng 7,2 lần so với năm 2013…
Những kết quả tích cực trên cho thấy, sau gần 10 năm triển khai Luật HTX năm 2012, các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn