Nỗ lực giúp doanh nghiệp bảo đảm tiến độ
Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đây là buổi thứ 8 làm thêm giờ của chị Nguyễn Thị Thương, công nhân Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội, thuộc Tổng Công ty May 10. Do dịch bệnh, số công nhân tại đơn vị chị bị nhiễm Covid-19 nhiều nên xí nghiệp đã kêu gọi tất cả công nhân viên làm tăng ca để bảo đảm tiến độ giao hàng cho đối tác.
Chị Thương chia sẻ, xí nghiệp có bảng đăng ký làm thêm giờ, ai làm hôm nào, đăng ký hôm đó, tất cả đều trên tinh thần tự nguyện và có thù lao bằng 150% giờ làm chính thức. Chị sẵn sàng làm thêm giờ để giúp công ty vượt qua khó khăn, bởi đây là nơi chị đã gắn bó hơn 10 năm; việc làm thêm cũng giúp gia đình chị ổn định cuộc sống. Được biết, ngày thường chị vẫn làm thêm 1 giờ/ngày, nhưng khi có đơn hàng gấp, chị đồng ý làm thêm 2 giờ/ngày. Nếu chỉ làm 8 tiếng/ngày thì lương 9 - 10 triệu đồng/tháng nhưng nếu làm thêm, thu nhập có thể tăng lên 12 - 13 triệu đồng/tháng.
Đồng nghiệp của chị Thương, công nhân Phạm Thị Phượng cũng thẳng thắn cho rằng, “nhu cầu làm thêm là chính đáng vì có làm thêm thì thu nhập sẽ tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/tháng. Người lao động hoàn toàn tự nguyện và hầu như ai cũng có nhu cầu làm thêm; công ty cũng chăm lo tới sức khỏe người lao động, chất lượng các bữa ăn”.
Còn ở ngành công nghiệp nặng, chị Nguyễn Thị Ngài - chuyên viên Phòng Công nghệ, Công ty CP Catalan cho biết, công ty chị sản xuất gạch men và nội thất với khối lượng đơn hàng lớn cho các đối tác nước ngoài nên việc làm tăng ca tại thời điểm này là rất cần thiết. Dù là phụ nữ, vừa công tác tại công ty, vừa phải chăm lo việc gia đình nhưng chị cũng mong muốn được làm thêm để tăng thu nhập, bởi công ty chi trả mức lương làm thêm rất cao. Với số giờ làm thêm 25 giờ/tháng thu nhập của chị tăng thêm 3,5 - 4 triệu đồng so với mức bình thường.
Chị Ngài cũng chia sẻ, hầu hết công nhân của đơn vị đều trẻ tuổi lại được làm với dây chuyền tự động nên việc làm thêm 2 giờ/ngày không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Chị và đa số mọi người ở công ty đều mong muốn có thể tăng thời gian làm thêm, vừa giúp công ty vượt qua khó khăn, vừa nâng cao thu nhập.
Nhiều chế độ đãi ngộ cho người lao động
Dưới góc độ của người sử dụng lao động, là một công ty sản xuất linh kiện điện tử (tai nghe, chip điện tử, dây sạc điện thoại) với quy mô hơn 30.000 lao động, Giám đốc nhân sự Công Ty Goertek Việt Nam Nguyễn Phương Huệ cho rằng, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến đời sống của nhân viên như chế độ hỗ trợ nghỉ Covid-19, dinh dưỡng cho người lao động hay đơn giản là sự tôn trọng ý kiến của họ.
Bà Huệ cũng cho biết, tại công ty Goertek, người lao động luôn được chăm lo đủ 3 bữa/ngày với chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngoài ra công ty vẫn trả đủ 100% lương cho nhân viên khi phải nghỉ vì nhiễm Covid-19. Thêm vào đó các công nhân khi làm thêm đều được công ty chi trả đầy đủ và dựa trên tinh thần đồng thuận từ hai phía.
“Cần cho lao động thấy được doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai và họ được hưởng đầy đủ các chế độ, quyền lợi và được quan tâm cả những mặt ngoài công việc. Khi doanh nghiệp khó khăn, người lao động mới hết lòng cống hiến” - bà Nguyễn Phương Huệ chia sẻ.
Còn theo bà Trần Quý Dân, Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty May 10, ngoài các chế độ về lương, thưởng, tiền theo sản phẩm, tiền làm thêm giờ, công ty cũng rất quan tâm tới đời sống của người lao động. Đặc biệt với số lượng nhân viên đi làm hậu Covid-19 tăng cao, công đoàn công ty đã khám sức khỏe cho công nhân và phát thuốc bổ để bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Công ty cũng bố trí xuất ăn ngoài giờ cho người lao động, với sữa, nước hoa quả và bánh. Bà Trần Quý Dân cũng cho biết thêm, chính sách tính thu nhập trên số lượng sản phẩm đã được công ty áp dụng nhiều năm nay, là yếu tố giúp người lao động hứng thú khi làm thêm giờ, tạo ra nhiều sản phẩm để tăng thêm thu nhập.
Chia sẻ về vấn đề tăng giờ làm thêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, 2 năm vừa qua, do đại dịch Covid-19, người lao động rơi vào tình trạng mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống. Từ đó, nảy sinh nhu cầu của người lao động là cần làm thêm để có thêm thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phục hồi và phát triển cũng rất cần đầu tư tăng thêm nguồn nhân lực, trong đó có cả tuyển mới và tăng thời gian làm việc với lao động hiện hữu.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để bảo đảm hiệu quả, mục tiêu của việc tăng giờ làm thêm, điều cần lưu ý đầu tiên là phải bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động thông qua tăng đơn giá tiền lương làm thêm giờ và bảo đảm môi trường lao động an toàn khi làm thêm. Đồng thời, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về nhà ở, giáo dục, y tế, nhất là an toàn môi trường, phòng chống dịch bệnh, giúp người lao động yên tâm làm việc và tạo ra năng suất lao động cao, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn