Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thống kê toàn quốc do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 17.3. Dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang và lãnh đạo ngành Thống kê tỉnh.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cùng các tham luận của đại biểu về công tác thống kê cho thấy, ngành Thống kê Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; tổ chức thống kê tại các bộ, ngành, địa phương được hình thành và củng cố; trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê. Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu, nhờ vậy các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn, tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước. Thống kê Nhà nước bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình KT-XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cùng ngành Thống kê tỉnh dự Hội nghị trực tuyến. Ảnh TIẾN SỸ |
Ngành Thống kê Bình Định cũng đã thực hiện tốt chức năng tổ chức, điều phối hoạt động thống kê theo chương trình công tác của Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê giao; tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động thống kê trên địa bàn. Đồng thời tổ chức hoạt động thống kê, cung cấp, công bố, phổ biến thông tin thống kê KT-XH phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Năm 2021, Cục Thống kê Bình Định đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, Thống kê Việt Nam cũng còn những tồn tại hạn chế như chưa có một cơ sở dữ liệu tập trung; ứng dụng công nghệ thông tin thiếu đồng bộ; sự phối hợp chia sẻ dữ liệu từ bộ, ngành và địa phương cho Tổng cục Thống kê còn chưa hiệu quả; công tác thống kê của một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự được quan tâm dẫn đến thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành KT-XH. Vì vậy, ngành Thống kê cần hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành thống kê.
Khẳng định công tác thống kê có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc đánh giá, hoạch định chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật về thống kê, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động toàn ngành. Phát triển Thống kê Việt Nam theo hướng số hóa, đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch. Số liệu thống kê phải được phân tích, đánh giá để đưa ra dự báo, xây dựng, hoạch định chính sách, phục vụ tốt hơn cho công tác điều hành chỉ đạo phát triển đất nước...
Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn