Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIII vào chiều 18.7, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xung quanh các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân.
Ngành Y tế quyết tâm vượt khó
Tại phiên thảo luận tổ, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chia sẻ là khó khăn mà ngành Y tế đang đối mặt. Trước hết, tình hình phòng, chống dịch Covid-19 đang trong giai đoạn khá ổn định, hơn 2 tháng qua trên địa bàn tỉnh không có ca tử vong, dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân, lơ là trong các biện pháp phòng, chống dịch. Dù việc tiêm vắc xin được ngành Y tế triển khai dưới nhiều hình thức, địa điểm nhưng nhiều người chưa mặn mà, gây khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Bên cạnh đó, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Thanh Hương (đơn vị Tuy Phước) nêu các vấn đề cần quan tâm như thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; việc thu không đủ bù chi tại các đơn vị y tế công lập; khó khăn qua các đợt dịch Covid-19 khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng thông tin thêm: Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn ngành Y tế tỉnh có 62 nhân viên y tế xin nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc; trong đó có đến 20 bác sĩ, 13 điều dưỡng. “Trong số 20 bác sĩ nghỉ việc, có đến 10 bác sĩ chuyên khoa ngoại, trong khi đào tạo được bác sĩ ngoại là cực kỳ khó khăn. Hiện có TTYT tuyến huyện chỉ có 1 bác sĩ ngoại. Từ đây đến cuối năm, tình trạng bỏ việc của nhân viên y tế có thể tăng lên”, ông Hùng lo lắng.
Các đại biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Đối với tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ngoài nguyên nhân đứt gãy chuỗi cung ứng, theo ông Hùng, vướng mắc lớn nhất là thể chế và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vật tư, trang thiết bị y tế chồng chéo, lạc hậu... Có 6 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu trang thiết bị y tế phải sửa đổi theo quy trình rút gọn nhưng chưa biết khi nào thực hiện được, nếu không có động thái quyết liệt của Chính phủ.
Về khó khăn tài chính đối với đơn y tế công lập, thể hiện rõ nhất qua thực tế ở BVĐK tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, chênh lệch thu - chi chỉ dư ra chưa đến 200 triệu đồng. “Đây là điều không tưởng và chưa từng có trong lịch sử bệnh viện hạng 1 này”, ông Hùng cho biết. Tất cả 11 TTYT huyện, thị xã, thành phố, chênh lệch thu - chi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều âm, nhiều nhất là âm 8 tỷ đồng và ít nhất là âm 2 tỷ đồng.
Khó khăn chồng khó khăn trong tình hình chung cả nước, khi các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh chưa được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT do một số vướng mắc, bất cập giữa quy định cũ và tình hình thực tế phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đang lúng túng trong giải quyết vấn đề này.
Khó khăn là vậy, ông Hùng vẫn khẳng định: Ngành Y tế tỉnh quyết tâm cao độ để tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là phòng, chống dịch Covid-19. Đối với khám, chữa bệnh, sẽ huy động tất cả nguồn lực có thể để đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân… “Thời gian tới, chúng tôi rất cần sự thông cảm, ủng hộ của các sở, ban, ngành, người dân”, người đứng đầu ngành Y tế tỉnh chia sẻ.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định ngành Y tế sẽ không lùi bước trước khó khăn, bảo đảm thực hiện tốt các công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi cần phù hợp thực tế
Liên quan đến tờ trình về Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) Phạm Tấn Thành đề nghị các ĐB HĐND tỉnh xem xét, thảo luận về thời gian thực hiện chính sách.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, đại biểu HĐND tỉnh (đơn vị An Nhơn) bày tỏ lo ngại về tình hình lấn chiếm đất đai, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, vấn nạn này sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc - Nam và 11 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang được triển khai. “Nếu các địa phương không xử lý nghiêm thì rất khó khi thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Do vậy, đề nghị chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là các địa phương như TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát, Phù Mỹ, TX An Nhơn, Hoài Nhơn...”, người đứng đầu chính quyền tỉnh nhấn mạnh. |
Theo đó, Ban đề nghị thực hiện chính sách trong giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với thời gian triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh; đồng thời gợi mở việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi triển khai trên toàn tỉnh thay vì chỉ 5 huyện trung du và miền núi.
ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) nhấn mạnh cần phải làm rõ khái niệm “gà thả đồi” để khi thực thi chính sách đảm bảo đúng và trúng đối tượng, đảm bảo người dân được hưởng lợi rõ ràng từ chính sách; có cơ sở để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gà thả đồi. Một khi xây dựng được thương hiệu gà thả đồi Bình Định, thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi (từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ), cần lượng gà nguyên liệu rất lớn, do đó nên mở rộng phạm vi hỗ trợ ra các địa phương khác, không nhất thiết chỉ ở các huyện miền núi, trung du.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Dự thảo Nghị quyết đề xuất thời gian thực hiện chính sách là giai đoạn 2022 - 2026 là bởi hiện tại đã nửa cuối năm 2022, nếu thời hạn chỉ đến năm 2025 là khá ngắn, cần kéo dài thời gian thực hiện để phát huy hiệu quả của chính sách.
“Đối với ý kiến mở rộng phạm vi thực hiện chính sách, vì đây là giai đoạn thí điểm, nên cần triển khai có chọn lọc, tránh ồ ạt. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, con gà được khuyến khích phát triển ở vùng miền núi, trung du. Ngoài ra, thời gian qua, các huyện đồng bằng đã phát triển chăn nuôi gà với mật độ dày”, ông Phúc phân tích thêm.
ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão) và Đỗ Thị Diệu Hạnh (đơn vị Hoài Ân) thống nhất việc triển khai mô hình phát triển gà thả đồi ở 5 huyện miền núi, trung du trên địa bàn tỉnh là phù hợp, và đề nghị tạo cơ chế, chính sách riêng cho các địa phương ở khu vực này.
ĐB Hạnh kiến nghị thêm: Nếu quy định quy mô được hỗ trợ là từ 3.000 con trở lên như trong tờ trình sẽ gây nhiều khó khăn cho nông dân bởi họ phải bỏ ra chi phí khá lớn; nên “nới” phạm vi hỗ trợ đối với các trường hợp có quy mô nuôi từ 1.000 - 3.000 con. Việc phát triển chăn nuôi gà thả đồi, khó khăn nhất là tạo được đầu ra ổn định; đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kết nối và có cơ chế đối với các DN, HTX thu mua để tạo thành liên kết chuỗi, tạo hiệu quả cho người chăn nuôi và cả đơn vị tiêu thụ.
ĐB Đỗ Thị Diệu Hạnh (đơn vị Hoài Ân) đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kết nối với các DN, HTX để tạo thành liên kết chuỗi, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm gà thả đồi. Ảnh: HỒNG PHÚC |
Đảm bảo an toàn cho đời sống người dân
Phát biểu thảo luận về tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay, ĐB Huỳnh Bảo Nguyên (đơn vị Tây Sơn), đại tá, Phó Giám đốc CA tỉnh, nhấn mạnh về tình hình tội phạm công nghệ cao và nạn lừa đảo qua mạng internet có chiều hướng tăng cao, diễn biến phức tạp.
Về nguyên nhân, ĐB Nguyên cho biết: Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động KT-XH trên địa bàn tỉnh được khôi phục, mở cửa, các đối tượng xấu đã lợi dụng nhu cầu việc làm, làm “việc nhẹ lương cao” của nhiều người để thực hiện hành vi lừa đảo. Thời gian qua, lực lượng CA đã tiếp nhận, điều tra hàng chục vụ lừa đảo. Có vụ người dân khai báo mất đến 4 - 5 tỷ đồng do mở các app, truy cập vào các trang mạng mua bán trực tuyến và nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu.
Theo ĐB Nguyên, kết quả điều tra cho thấy, các tài khoản ngân hàng lừa đảo chủ yếu là của sinh viên đăng ký rồi bán lại cho các đối tượng lừa đảo, chỉ với giá từ 200 - 300 nghìn đồng/tài khoản. Vấn nạn này gây khó cho công tác điều tra, xử lý. Qua đó, ĐB Nguyên kiến nghị HĐND tỉnh cần quan tâm, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quản lý chặt về tính chính danh trong việc cho phép mở tài khoản tại ngân hàng; có chế tài thật mạnh đối với các đối tượng lợi dụng việc mở tài khoản ảo để bán trục lợi.
Một vấn đề nóng khác về ANTT là tình trạng người trẻ nghiện ma túy, với nhiều vụ việc được phát hiện ở các địa phương thời gian qua. Bên cạnh việc tăng cường quản lý, xử lý nghiêm của các địa phương, đơn vị chức năng, sự quan tâm của gia đình, một vấn đề khác rất quan trọng là việc cai nghiện cho đối tượng này. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang kiến nghị: HĐND tỉnh cần quan tâm việc đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh; theo quy định mới, cơ sở vật chất hiện có chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Cần quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường vùng nông thôn Trong phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Tuyết (đơn vị Phù Cát) đề nghị có giải pháp căn cơ xử lý thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do chăn nuôi, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ thu gom rác thải còn thấp, việc xử lý chất thải rắn chưa bền vững… Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng, những năm qua, cùng với sự phát triển KT-XH và công cuộc xây dựng nông thôn mới, lượng rác thải ở nông thôn ngày một tăng cao. Để tăng tỷ lệ thu gom rác thải, các địa phương cần xây dựng giá dịch vụ thu gom rác theo hướng “tính đúng, tính đủ theo từng nhóm, từng cự ly”, đảm bảo cho đơn vị thu gom hoạt động hiệu quả. Đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, khoảng cách đi lại lớn, cần có hỗ trợ về phương tiện, con người để tập trung rác đến nơi thuận tiện cho công tác thu gom rác. |
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn