MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thứ ba - 06/02/2024 09:52
Vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề Công tác quản lý và chấp hành một số quy định của Bộ luật Lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/6/2023. Theo đó, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát tại UBND thị xã An Nhơn; Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 156.000 lao động đang làm việc. Trong đó, có 08 doanh nghiệp nhà nước, 61 doanh nghiệp FDI, còn lại là doanh nghiệp dân doanh. Có 212 doanh nghiệp trong 07  khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng số lao động 16.500 người (giảm 5.019 người so với cuối năm 2022). 


Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với
Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh
Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đúng mức. Đa số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu. Việc chấp hành các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động và người lao động có nhiều chuyển biến tích cực, các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được các doanh nghiệp kịp thời thanh toán. Các chính sách về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; thỏa ước lao động tập thể; chính sách đối với lao động nữ hầu hết được các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Bộ Luật lao động. Kết quả cụ thể:
Thứ nhất: Việc chấp hành các quy định về hợp đồng lao động
Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có khoảng 76,7% lao động được ký hợp đồng lao động, còn lại chưa ký kết hợp đồng lao động (trong đó có cả người lao động đang trong thời gian thử việc hoặc học nghề). Trong số lao động đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động, có trên 90% lao động ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, còn lại là hợp đồng xác định thời hạn. Hình thức của hợp đồng lao động chủ yếu là bằng văn bản. Tuy nhiên, qua các cuộc thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều đơn vị ký kết hợp đồng với người lao động nhưng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng chưa đầy đủ theo quy định, chưa thể hiện đầy đủ, cụ thể các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên để trốn nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhiều hơn 02 lần liên tiếp, hợp đồng lao động thời vụ nhưng thực hiện công việc có tính chất thường xuyên,…
Thứ hai: Việc chấp hành các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động
Hàng năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và dành một phần kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Giai đoạn năm 2021 đến tháng 6/2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hoặc cử người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho trên 3.200 lượt người, qua đó đã giúp cho người lao động nâng cao trình độ kỹ năng nghề của bản thân, đáp ứng được yêu cầu của công việc và của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Thứ ba: Việc chấp hành các quy định về tiền lương
Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh đa số thực hiện tốt các quy định về tiền lương, trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Tiền lương được trả đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận. Hiện nay, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ.
Thứ tư: Việc chấp hành các quy định về BHXH, BHYT, BHTN và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các quy định liên quan
Năm 2021, có 3.220 doanh nghiệp với 71.843 lao động tham gia BHXH, năm 2022, có 3.524 doanh nghiệp với 84.531 lao động tham gia BHXH, tăng 304 doanh nghiệp (9,4%) và tăng 12.688 lao động (17,67%) so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến có 3.655 doanh nghiệp, với 87.575 lao động tham gia BHXH, tăng 131 doanh nghiệp và 3.044 lao động so với năm 2022. Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/6/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với BHXH tỉnh, các cơ quan có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra 58 cuộc, với 563 đơn vị. Riêng trong năm 2022, Thanh tra Sở phối hợp liên ngành thanh tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại 18 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả xác định tổng số nợ BHXH, BHYT là hơn 4 tỷ đồng. Sau đó, các doanh nghiệp đã khắc phục chuyển nộp gần 3 tỷ đồng (đạt 71,6% số tiền nợ); truy đóng BHXH, BHYT cho 184 lao động với số tiền 506 triệu đồng. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 11 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 180 triệu đồng.
Thứ năm: Việc chấp hành các quy định về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)
Số lượng doanh nghiệp báo cáo công tác huấn luyện ATVSLĐ chưa cao, lao động được tổ chức huấn luyện ATVSLĐ vẫn còn rất thấp so với lực lượng lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2021 đến 30/6/2023, có 244 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 32.868 người/06 nhóm. Tiếp nhận khai báo 847 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động của 107 doanh nghiệp. 
Thứ sáu: Việc chấp hành các quy định đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không sử dụng lao động chưa thành niên; tuy nhiên có một số doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi nhưng bố trí công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trong trường hợp này, hai bên đã thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Bên cạnh quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến với các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không tham dự Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các quy định của doanh nghiệp trong nội quy lao động, nội quy an toàn lao động, thỏa ước lao động tập thể, thang lương bảng lương đến người lao động, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật lao động; chưa quan tâm nâng cao tiền lương, đời sống và lợi ích khác của người lao động; đặt lợi nhuận của doanh nghiệp lên hàng đầu. Một bộ phận người lao động còn thiếu hiểu biết về pháp luật lao động, nên ý thức chấp hành kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn hạn chế; thời gian qua vẫn còn tình trạng nhiều người lao động có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần. Công tác thanh tra, xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe...
Trên cơ sở giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành, địa phương liên quan một số nội dung sau: (1) Kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2019; trong đó hướng dẫn cụ thể về thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động theo Điều 172, Điều 174; xem xét ban hành các quy định tạo hành lang pháp lý thống nhất trong xử lý đối với hành vi doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội như: quyền khởi kiện doanh nghiệp; xác định hành vi doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội trong các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. (2) Triển khai, cụ thể hóa hiệu quả Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy, trong đó tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu người sử dụng lao động, ngành nghề tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động và chuyển đổi số. (3) Chỉ đạo các ngành liên quan có giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội kéo dài, trong đó có quyền khiếu nại của người lao động; quyền khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định để bảo vệ quyền lợi cho người lao động; đồng thời chỉ đạo thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp có nợ Bảo hiểm xã hội lớn, kéo dài để có cơ sở xử lý theo quy định. (4) Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần liên kết dữ liệu quản lý giữa các ngành, các cấp địa phương. (5) Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong chấp hành Bộ luật lao động, nhất là ký kết hợp đồng lao động; Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động… (6) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực lao động; nhu cầu đào tạo lao động của doanh nghiệp; nhu cầu lao động các ngành nghề tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, nhất là lao động kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp và kiện toàn mạng lưới cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn tỉnh…; Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật lao động của doanh nghiệp, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về ký kết hợp đồng lao động; an toàn, vệ sinh lao động; các chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và chế độ tiền công, tiền lương theo quy định. (7) Chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lao động tại các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế trên địa bàn tỉnh, tích cực phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá hiện trạng lao động và nhu cầu đào tạo, đào tạo lại cho công nhân, lao động trong doanh nghiệp; phối hợp tốt với các sở, ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Bộ luật lao động, qua đó kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật. (8) Chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan trong bảo đảm các chính sách liên quan cho người lao động. Chủ động phối hợp, đề xuất các giải pháp nâng tỷ lệ lao động tham gia Bảo hiểm Xã hội bắt buộc trong khối doanh nghiệp theo quy định; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. (9) Chỉ đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng phát triển doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động thông qua hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của doanh nghiệp về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, các quy định của Bộ Luật Lao động về thành lập tổ chức đại diện người lao động; nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. (10) Chỉ đạo UBND cấp huyện phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động ở địa phương, trong đó có việc cung cấp thông tin, báo cáo số lượng lao động tại các doanh nghiệp; Rà soát nhu cầu đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Tích cực thực hiện hiệu quả phối hợp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục dạy nghề với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng và tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp./.
 

Tác giả bài viết: Huỳnh Thị Ngọc Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây