Chuyển 13 trường mầm non bán công, dân lập sang công lập tự chủ tài chính: Còn nhiều khó khăn
Thứ tư - 06/11/2024 14:49
Việc chuyển đổi 13 trường mầm non bán công, dân lập sang loại hình công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính được tổ chức thực hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, việc chuyển đổi vẫn chưa đâu vào đâu.
Tiến hành giám sát tại các địa phương để ghi nhận thực tế triển khai thực hiện chuyển đổi 13 trường mầm non bán công, dân lập sang loại hình công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận việc chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn, các trường cần được hỗ trợ thêm.
Nhiều khó khăn trong thu hút trẻ
Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 212 trường mầm non, mẫu giáo và 284 cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục. Trong đó, có 13 trường mầm non thuộc các địa phương: Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn đã và đang triển khai chuyển đổi từ loại hình bán công, dân lập sang công lập tự chủ tài chính.
|
Cô và trò lớp lá Trường Mầm non Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) trong một tiết học. Ảnh: HỒ ĐIỂM |
Một trong những vấn đề lớn được các địa phương quan tâm khi chuyển đổi sang loại hình công lập tự chủ về tài chính là tăng học phí. Việc tăng học phí đã tạo rào cản lớn trong vấn đề thu hút học sinh.
Trường Mầm non Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trường Mầm non Họa Mi và Trường Mầm non thị trấn Bồng Sơn từ ngày 14.8.2018. Bà Võ Thị Ngọc Nữ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bồng Sơn, chia sẻ: Mức học phí buộc phải tăng dần, ngược lại số trẻ vì thế cũng giảm. Năm học 2018 - 2019, toàn trường có 520 trẻ/16 lớp; đến tháng 9.2024 chỉ còn 410 trẻ/14 nhóm, lớp. Nhiều phụ huynh chọn gửi con sang những trường khác có học phí thấp hơn, trong điều kiện cơ sở vật chất tương đương. Chúng tôi lo ngại số lượng trẻ sẽ tiếp tục giảm nếu học phí cứ duy trì như hiện nay chứ chưa nói đến tình huống lại tăng.
Hiện, đa số các trường mầm non trong diện chuyển đổi vẫn còn thiếu phòng học đạt chuẩn, khu vui chơi và trang thiết bị giáo dục… Để có thể cạnh tranh với các trường tư thục trên cùng địa bàn, các trường này cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng khi ngân sách địa phương còn hạn chế.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, trăn trở: Mức học phí hiện tại đang cao hơn khả năng chi trả của nhiều gia đình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho phụ huynh mà còn làm giảm sức cạnh tranh của các trường mầm non công lập so với các cơ sở tư thục. Trong khi đó, việc mở rộng cơ sở vật chất vẫn còn khó khăn, chẳng hạn, Trường Mầm non phường Đập Đá nằm trong khuôn viên của Thành Hoàng đế, rất khó khăn trong việc mở rộng, đầu tư… Hơn nữa, nếu học phí vẫn thu ở mức cao thì tỷ lệ huy động trẻ sẽ thấp, bất chấp được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, khi đó liệu các trường có đủ khả năng tồn tại không?
Ông Lý Chiêu Hòa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, cho biết: Việc đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn cho các trường đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi một số cơ sở trên địa bàn TP Quy Nhơn có quỹ đất hạn chế; một số trường mẫu giáo công lập chuyển đổi từ mẫu giáo dân lập xã, phường còn nhiều điểm trường lẻ (kết hợp sinh hoạt với khu phố) chưa đảm bảo theo quy định của Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ GD&ĐT. Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức bán trú và các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Nếu không có sự hỗ trợ, các trường khó đáp ứng được yêu cầu tự chủ hoàn toàn.
Tính toán cơ chế, lộ trình phù hợp
Bà Lương Thị Xuân Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho hay: Sở GD&ĐT đã ghi nhận khó khăn từ các trường. Thực tế tỷ lệ trẻ ra lớp trên địa bàn tỉnh còn rất thấp (nhà trẻ 21,3%; mẫu giáo 81,9%). Nếu đến năm 2025, 13 trường thực hiện tự chủ đảm bảo chi thường xuyên thì mức học phí thu sẽ rất cao, khoảng từ 1,42 triệu - 2,365 triệu đồng trẻ/tháng (chưa kể tiền ăn và các khoản bán trú). Thêm vào đó, mức học phí tăng nhưng cơ sở vật chất một số trường xuống cấp, số lớp giảm cũng ảnh hướng đến tâm lý giáo viên, khiến họ không yên tâm giảng dạy.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cơ chế tự chủ tài chính là một bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhưng để việc hỗ trợ các trường mầm non theo cơ chế tự chủ để đạt hiệu quả, không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà còn cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, sự chung tay từ các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cả cộng đồng.
Trước thực tế này, Sở GD&ĐT đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung nội dung Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 18.8.2021 của HĐND tỉnh chuyển từ loại hình công lập tự chủ hoàn toàn sang đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, đảm bảo một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ. Đồng thời, bãi bỏ quyết định số 09/2013/NQ-HĐND ngày 26.7.2013, Nghị quyết số 23/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 11.12.2021 của HĐND tỉnh. Giao các địa phương xây dựng phương án tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2019/TT- BGDĐT về hướng dẫn ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ áp dụng trong lĩnh vực đào tạo.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Hà - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng: Việc chuyển đổi sang mô hình công lập tự chủ tài chính cần có sự quan tâm, hỗ trợ, nhất là trong việc đầu tư cơ sở vật chất và ổn định học phí. Các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của địa phương sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, ghi nhận và trình lên HĐND tỉnh để đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn