BÌNH ĐỊNH: TU BỔ, TÔN TẠO DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT QUỐC GIA ĐẶC BIỆT THÁP CHĂM DƯƠNG LONG

Thứ sáu - 02/06/2023 09:27
Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu HĐND tỉnh đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Chăm Dương Long, tỉnh Bình Định.
Trong những năm qua, Bình Định luôn quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích tháp Champa, góp phần gìn giữ một loại hình di sản độc đáo của nhân loại, từng bước phát huy giá trị các di tích, góp phần hiệu quả trong phát triển du lịch của tỉnh. Theo đó, cụm Tháp Chăm Dương Long (nằm ở địa phận hai xã Tây Bình và Bình Hòa của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) sẽ được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2021 - 2025. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Champa. Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp giữa cao 42 mét, tháp Nam cao 36 mét và tháp Bắc cao 34 mét. Phần thân của các Tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu. Ngày 23/12/2015, cụm Tháp Chăm Dương Long được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Theo Nghị quyết HĐND tỉnh, mục tiêu đầu tư nhằm đảm bảo độ ổn định lâu dài cho Tháp, tránh nguy cơ mất mát và đổ vỡ nghiêm trọng; bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tâm linh của người dân và gắn với phát triển du lịch của một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt.
Quy mô đầu tư cụ thể như sau: Đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi (tháp Nam, tháp giữa) từ cao độ 12m trở xuống, bao gồm các mặt hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tu bổ, phục hồi, gia cố lại chân tháp và gia cường nền móng chống lún, làm sạch mặt tường tháp và diệt cây cỏ nấm mốc, xử lý vết nứt và neo giữ các mảng tường sạt lở, tu bổ tái định vị các chi tiết kiến trúc, tu bổ phục hồi nền tháp và các mặt bằng, mặt đứng kiến trúc, bảo vệ các thành phần chưa có đủ căn cứ phục hồi và xử lý chống phong hóa bề mặt cho các Tháp.
Quá trình tu bổ, phục hồi: Ưu tiên sử dụng vật liệu, kỹ thuật xây dựng truyền thống nhằm tránh những xung đột về chất liệu và hạn chế tối đa những hậu quả của việc không tương thích về vật liệu, đồng thời góp phần bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể của di tích; ưu tiên hàng đầu việc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và vật liệu chính dùng cho công tác tu bổ loại gạch Chăm phục chế và đá cùng loại. Các giải pháp kỹ thuật dựa trên kết quả nghiên cứu về di tích như khảo sát, phân tích, thí nghiệm vật liệu, kết cấu, nền móng và kỹ thuật xây dựng, thực hiện khảo cổ, khai quật trong phạm vi 9.150m2.
Tổng mức đầu tư dự án gần 94 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 bố trí 70 tỷ đồng (theo Văn bản số 7895/BKHĐT-TH ngày 02/11/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư); vốn ngân sách tỉnh cân đối cho dự án với số tiền 24.000.000.000 đồng (theo Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 27/7/2021 của HĐND tỉnh)./.

                                                                                                                             Linh Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây