GIÁM SÁT “CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ Y TẾ NGOÀI CÔNG LẬP, QUẢN LÝ CÁC DỊCH VỤ XÃ HỘI HÓA TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP TỪ NĂM 2018 ĐẾN NAY”
Thứ hai - 25/09/2023 15:43
Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế ngoài công lập, quản lý các dịch vụ xã hội hoá trong các cơ sở y tế công lập từ năm 2018 đến nay”. Theo đó, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát tại Sở Y tế, UBND thị xã Hoài Nhơn, Bệnh viện Bình Định (trước đây là Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Phần mở rộng), Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Phòng khám đa khoa Thành Long.
Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua được sự quan tâm của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của Sở Y tế, các cơ sở y tế ngoài công lập của tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mô hình hợp tác y tế công - tư đầu tiên của tỉnh là Bệnh viện Bình Định đã được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với
Bệnh viện đa khoa Hòa Bình
Tính đến ngày 30/4/2023, toàn tỉnh có 803 cơ sở y tế ngoài công lập. Trong đó có 04 bệnh viện (03 Bệnh viện đa khoa, 01 Bệnh viện chuyên khoa), 13 phòng khám đa khoa, 786 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế khác. Tổng số giường bệnh tại các bệnh viện ngoài công lập gia tăng hàng năm, năm 2018 từ 370 giường đến năm 2023 tăng lên 457 giường, chiếm tỷ lệ 11,15% so với tổng số giường bệnh tỉnh quản lý. Đội ngũ nhân lực, đặc biệt là nhân lực cơ hữu tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập tiếp tục được củng cố, phát triển; trang thiết bị y tế hiện đại được quan tâm đầu tư đã góp phần cùng các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc triển khai hoạt động tự chủ, huy động vốn góp ngoài ngân sách để đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ y tế theo chủ trương thực hiện xã hội hóa trong một số cơ sở y tế công lập của tỉnh cũng được thực hiện; tuy nhiên đến năm 2012 việc huy động vốn này đã tạm dừng do hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương chưa cụ thể, chưa rõ ràng.
Kết quả quản lý nhà nước thông qua hoạt động thẩm định, cấp phép và chấp hành các quy định về hoạt động khám, chữa bệnh
* Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động đối với các cơ sở y tế ngoài công lập từ năm 2018 đến ngày 30/4/2023: Ngành Y tế đã tổ chức thẩm định cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động cho 238 cơ sở y tế ngoài công lập (trong đó, có 13 phòng khám đa khoa, 225 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế khác).
Qua hoạt động cấp phép cho thấy số giường bệnh tại các bệnh viện ngoài công lập ngày càng gia tăng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng yêu cầu; một số cơ sở đã ứng dụng các kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Tổng số nhân lực cơ hữu tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập tính đến ngày 30/4/2023 là 1.064 người; trong đó, có 301 bác sỹ, 63 dược sỹ, 283 điều dưỡng viên, 116 kỹ thuật viên, 43 hộ sinh viên, 258 khác.
* Về chấp hành các quy định của các cơ sở y tế ngoài công lập
Thực hiện khám, chữa bệnh và các dịch vụ kỹ thuật: Cơ bản các cơ sở y tế ngoài công lập tuân thủ các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật chẩn đoán và phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Thường xuyên tiến hành tự kiểm tra, đánh giá, khảo sát sự hài lòng của người bệnh. Trong giai đoạn giám sát 2018-2022, thời gian xảy ra dịch Covid-19, các cơ sở y tế ngoài công lập đã thực hiện tốt việc tự đánh giá định kỳ theo tiêu chuẩn của “Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” theo các Quyết định của Bộ Y tế; tích cực cử bác sỹ, nhân viên y tế tham gia các chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, phối hợp truy vết các trường hợp nghi nhiễm, nhất là trong các đợt cao điểm.
Thực hiện khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và thu giá khám, chữa bệnh: Từ năm 2018 đến ngày 30/4/2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 03 BVĐK và 11 PKĐK. Các cơ sở y tế ngoài công lập thực hiện thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh do đơn vị tự xây dựng và ban hành. Việc niêm yết giá thực hiện công khai để người bệnh dễ theo dõi. Đối với bệnh nhân BHYT thì thu giá khám, chữa bệnh theo quy định của tỉnh; khoản chênh lệch giữa giá thu do cơ sở y tế ngoài công lập quy định và giá BHYT (nếu có) thì bệnh nhân tự đóng.
Thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và xử lý chất thải y tế: Hiện có 100% Bệnh viện, PKĐK ngoài công lập đã xây dựng các quy trình về hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức thực hiện chặt chẽ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh và trang bị đầy đủ các phương tiện, hóa chất, dụng cụ theo quy định. 100% lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh hàng ngày tại các cơ sở y tế ngoài công lập được thu gom, xử lý, riêng giai đoạn 2018 - 2022 đã thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trên 255 tấn rác thải y tế nguy hại.
* Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép: Từ năm 2018 đến ngày 30/4/2023, ngành Y tế đã tiến hành thanh tra 485 lượt cơ sở y tế ngoài công lập. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm có 406/485 lượt cơ sở đạt yêu cầu (tỷ lệ 83,7%), có 79/485 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 16,3%); đã xử phạt vi phạm hành chính 919.635.000 đồng.
Thực hiện các dịch vụ xã hội hóa trong các cơ sở y tế công lập
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2008 trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở y tế công lập thực hiện việc huy động vốn góp ngoài ngân sách để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động các dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, từ ngày 21/5/2012 đến nay các đơn vị tạm dừng việc huy động vốn và vay vốn tín dụng để mua sắm mới trang thiết bị y tế cho đến khi có hướng dẫn mới. Đến 30/4/2023, chỉ còn Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục sử dụng một số máy xã hội hoá đã được góp vốn đầu tư trước ngày 21/5/2012 để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Nhìn chung, từ năm 2018 đến nay, các cơ sở y tế ngoài công lập có bước phát triển tăng dần theo từng năm cả về số lượng, chất lượng và quy mô hoạt động. Hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế ngoài công lập đã đóng góp vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, góp phần giảm quá tải cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế; nhiều bệnh viện, phòng khám thường xuyên đổi mới, cải tiến phong cách phục vụ, từ đó đã tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng phục vụ trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; góp phần giảm bớt gánh nặng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Các cơ sở y tế ngoài công lập cơ bản chấp hành đúng các quy định của pháp luật, thực hiện đảm bảo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; địa điểm hoạt động cố định, đủ diện tích mặt bằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép; trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở y tế ngoài công lập được quan tâm và ngày càng nâng cao; chú trọng mua sắm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống nhiễm khuẩn. Đa số các bệnh viện, phòng khám đều thực hiện niêm yết giá dịch vụ, thu phí dịch vụ y tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế: (1) Nguồn nhân lực của các cơ sở y tế ngoài công lập còn hạn chế, thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, kỹ thuật chuyên môn chuyên sâu, giàu kinh nghiệm. Một số cơ sở khám chữa bệnh quy mô còn nhỏ, chỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường. Công suất khai thác giường bệnh tại một số bệnh viện tư còn thấp hơn so với công suất thiết kế, quy mô đầu tư. Công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT một số cơ sở còn gặp khó khăn do chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cho chủ trương; (2) Nhân lực Phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố còn ít, không đồng đều một phần ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế tại địa phương, trong đó có công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế ngoài công lập; (3) Còn một số cơ sở y tế ngoài công lập qua thanh tra, kiểm tra của ngành Y tế chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất; người hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; một số nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề; công tác đào tạo liên tục, bổ sung kiến thức cho người hành nghề tại các cơ sở y tế ngoài công lập chưa thường xuyên; xử lý chất thải nguy hại có nơi chưa đảm bảo theo quy định...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu do: Một số cơ sở y tế ngoài công lập được thành lập lâu năm, diện tích, mặt bằng chật hẹp. Mô hình hợp tác y tế công - tư theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ nảy sinh một số khó khăn, bất cập. Công tác phối hợp giữa các ngành ở một số địa phương chưa đồng bộ; chế tài xử phạt vi phạm theo quy định còn thấp, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm; tình hình dịch Covid-19 trong hơn 02 năm 2020-2021 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động y tế, trong đó có hoạt động của các cơ sở y tế ngoài công lập.
Trên cơ sở giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh, Sở Y tế và các ngành, địa phương liên quan một số nội dung sau:
- UBND tỉnh: Kiến nghị Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (thay thế Thông tư số 41/2011/TT-BYT và Thông tư số 41/2015/TT-BYT) cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế; trong đó có hướng dẫn việc thực hiện chuyển tiếp đối với các đơn vị đã thực hiện phối hợp công tư theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ. Xem xét có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để tiếp tục phát triển; đồng thời xem xét có cơ chế khuyến khích các cơ sở y tế công lập hợp tác chuyên môn, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhân lực chất lượng cao... cho cơ sở y tế ngoài công lập nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh.
- Sở Y tế: Tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt là chuyên môn sâu, hướng tới mục tiêu để người dân được hưởng những lợi ích, dịch vụ tốt nhất về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Mở lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tập huấn về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào khám, chữa bệnh và điều trị các bệnh mới,... cho đội ngũ y, bác sỹ đang làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập. Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là công tác hậu kiểm, đảm bảo các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cung ứng dịch vụ y tế; tiến tới kết nối đồng bộ các dữ liệu lâm sàng, cận lâm sàng trong hồ sơ bệnh án, triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.
- Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Tiếp tục kiến nghị với BHXH Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định nhưng vượt dự toán do nguyên nhân khách quan của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh của các năm 2018, 2019, 2020.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Quan tâm bố trí hợp lý biên chế cho các Phòng Y tế đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; trong đó chú trọng việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế ngoài công lập.
- Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ và nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm của bác sĩ, nhân viên y tế nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Quan tâm tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, áp dụng các biện pháp điều trị mới hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân./.
Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh