GIÁM SÁT “CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO, CÁC DỊCH VỤ VĂN HÓA VÀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN SỮA CHỮA, NÂNG CẤP CÁC DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NĂM 2020 ĐẾN NĂM 2022”

Thứ hai - 25/09/2023 15:39
Thực hiện Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Công tác quản lý hoạt động quảng cáo, các dịch vụ văn hóa và tình hình triển khai thực hiện các dự án sửa chữa, nâng cấp các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2020 đến năm 2022”.
Qua xem xét các báo cáo; đồng thời, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Tuy Phước, UBND thành phố Quy Nhơn; Sở Văn hóa và Thể thao đã báo cáo, giải trình tại phiên họp thứ 7 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả thực hiện công tác quản lý hoạt động quảng cáo, các dịch vụ văn hóa và tình hình triển khai thực hiện các dự án sửa chữa, nâng cấp các di tích trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến năm 2022 cho thấy: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kinh doanh dịch vụ quảng cáo ngoài trời. Trong đó có 233 điểm tuyên truyền chính trị; 07 điểm tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại; 69 điểm quảng cáo thương mại, có 53 tuyến đường bố trí bảng theo dạng tuyến (loại hình nhỏ).
 

                                                Hình ảnh biển quảng cáo của Merry Land Quy Nhơn trên đường Quốc lộ 19

Các hình thức quảng cáo đa dạng và phong phú từ đơn giản, thủ công sang sử dụng công nghệ tiên tiến như: ảnh màu, quảng cáo bằng đèn điện tử, đèn led… với hình thức đẹp, sinh động, mới lạ hấp dẫn đối với người tiêu dùng; đặc biệt trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, doanh nghiệp đã đầu tư một số màn hình điện tử quảng cáo lớn với hình ảnh và âm thanh tạo được các điểm nhấn đẹp trong nội thành, góp phần sinh động và khởi sắc cho đô thị thành phố. Hoạt động các dịch vụ văn hoá có tính chất vui chơi giải trí, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao với nhiều cơ sở được thành lập khang trang, thiết bị hiện đại, một số dịch vụ vui chơi mới cũng được hình thành.
Công tác lập quy hoạch, đầu tư thực hiện các dự án tu bổ, cải tạo nâng cấp các di tích được quan tâm và bố trí kinh phí thực hiện, trong đó có vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước. Đến nay, toàn tỉnh có 143 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 107 di tích cấp tỉnh với các loại hình: lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và nhiều công trình di tích đã và đang được đầu tư xây dựng, tu bổ, phục hồi và tôn tạo gắn với phát triển du lịch của tỉnh như: Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, Tháp Bánh Ít, Tháp Đôi, Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực…
Đến nay, để phù hợp với quy hoạch mở rộng đô thị và hệ thống giao thông ngày càng phát triển của tỉnh, UBND tỉnh đã cho chủ trương điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành trong chấp hành các hoạt động kinh doanh quảng cáo và xử lý vi phạm, kể cả quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan được Sở Văn hóa Thể thao và các địa phương quan tâm thực hiện. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh và Công bố nhóm thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke thực hiện liên thông để giảm bớt việc đi lại và giảm thiểu thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Cuối năm 2022, toàn tỉnh có 315 cơ sở dịch vụ karaoke được cấp phép. Từ năm 2020 đến năm 2022, Sở Văn hóa Thể thao đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, trò chơi điện tử và xử lý sai phạm. Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động karaoke từ năm 2020 đến năm 2022 là 43 lượt với 155 cơ sở. Qua đó, phát hiện 05 cơ sở karaoke sai phạm; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 72.500.000 đồng.
Giai đoạn 2020 - 2022 các dự án được đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh bằng nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các nguồn vốn khác của Trung ương, vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước là 09 dự án, với tổng mức đầu tư 94.861.489.000 đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt danh mục kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và đang tiến hành lập thủ tục chuẩn bị đầu tư tu bổ đối với 04 dự án, gồm dự án tu bổ Tháp Dương Long, Tháp Thủ Thiện, tu bổ tôn tạo di tích Vụ thảm sát Bình An, Mộ Lê Đại Cang với tổng kinh phí đầu tư trên 118 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý hoạt động quảng cáo, các dịch vụ văn hóa và tình hình triển khai thực hiện các dự án sửa chữa, nâng cấp các di tích trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế: Tốc độ phát triển ngành dịch vụ ngày càng cao, nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ngày càng nhiều, trong khi quy hoạch quảng cáo ngoài trời chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung dẫn đến một số khó khăn trong công tác quản lý. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong triển khai Luật Quảng cáo, quản lý hoạt động quảng cáo có lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm trong hoạt động quảng cáo như: Tổ chức các hoạt động quảng cáo không phép; hình thức, kích thước quảng cáo chưa theo quy chuẩn; một số bảng quảng cáo lắp đặt còn che hết tòa nhà ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn; chưa kịp thời tháo gỡ băng rôn hết thời hạn; đặt biển hiệu kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường; quảng cáo rao vặt dán không đúng quy định. Việc thực hiện quảng cáo, cổ động trực quan tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các địa phương bằng hình thức xã hội hoá có gắn kết giữa hoạt động tuyên truyền phục vụ chính trị với quảng cáo thương mại, mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng triển khai, nhưng số doanh nghiệp tham gia còn ít. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ văn hóa còn một số bất cập, khó khăn, trong đó: Chưa chấn chỉnh kịp thời các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm các quy định của pháp luật về văn hóa; một vài cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, hoạt động quá giờ quy định, mở nhạc quá lớn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của Nhân dân xung quanh. Hoạt động quán bar, beer club, beer pub là loại hình kinh doanh tương tự như vũ trường nhưng theo quy định không thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện nên công tác kiểm tra, xử lý còn khó khăn. Không gian, quỹ đất quy hoạch riêng cho hoạt động của các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là các hoạt động kinh tế đêm phục vụ phát triển du lịch hiện nay không nhiều, nên đa số các hoạt động dịch vụ ban đêm thường tập trung khu vực trung tâm, mật độ dân cư cao ảnh hưởng một phần đời sống người dân xung quanh. Nhiều di tích trên địa bàn tỉnh hiện xuống cấp, cần được đầu tư tu bổ, phục hồi. Công tác quản lý di tích vẫn còn một số bất cập dẫn đến có trường hợp tùy tiện tổ chức tu sửa một số hạng mục nhỏ không báo cáo cơ quan chức năng. Một số dự án đầu tư, công tác triển khai còn chậm tiến độ đề ra.

Trên cơ sở giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương một số nội dung sau: (1) Sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của tỉnh trên lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời, quản lý các di tích nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. (2) Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước cho UBND các huyện, thị xã, thành phố khi các địa phương hội đủ các điều kiện cần thiết và theo quy định của pháp luật, trong đó: Tiếp tục ủy quyền cho UBND thành phố Quy Nhơn tiếp nhận hồ sơ, xử lý, trả kết quả thông báo sản phẩm quảng cáo trên địa bàn thành phố; xem xét phân cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thẩm quyền cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke đối với doanh nghiệp. Gắn phân cấp, ủy quyền với việc kiểm tra, giám sát thực hiện. (3) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hoá trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực văn hoá để huy động các nguồn lực xã hội, giảm ngân sách nhà nước, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. (4) Chỉ đạo xây dựng Đề án về tu sửa, nâng cấp phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Qua đó có kế hoạch bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác đầu tư. Chú trọng tranh thủ các nguồn lực Trung ương và nguồn huy động xã hội hoá để triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Ban kiến nghị đối với một số cơ quan, đơn vị như sau: (1) Đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh trong việc phân cấp quản lý nhà nước cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên các lĩnh vực về hoạt động quảng cáo ngoài trời, hoạt động dịch vụ văn hoá, quản lý các di tích đảm bảo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo, các dịch vụ văn hóa và các di tích trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ, nâng cấp di tích đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian, chất lượng công trình. (2) Đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình các hoạt động quảng cáo, dịch vụ văn hoá, quản lý di tích trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các hoạt động sai phạm. Các địa phương tăng cường hình thức xã hội hoá thực hiện quảng cáo, cổ động trực quan tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các địa phương; tích cực huy động vốn đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích từ nhiều nguồn vốn hợp pháp. Tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hóa; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa trên địa bàn./.
 

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây