An cư để lạc nghiệp

Thứ ba - 23/04/2024 10:47
Lai chau12 1713828914646
Lai chau12 1713828914646

Từ năm 2021 đến nay, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được quy định tại Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách sắp xếp, bố trí ổn định dân cư được quy định tại dự án 2 của Chương trình này. Các chính sách được thực hiện đồng bộ chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề cốt lõi cho đồng bào: có chỗ ở ổn định để làm ăn và xây dựng tương lai!

Bảo đảm quyền" - nhìn từ Luật Đất đai 2024

Ngày 18.1.2024, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua với 16 chương và 260 điều; nhiều hơn 2 chương, 48 điều so với Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai 2024 đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS. Trong đó, Điều 16 - Luật Đất đai quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS. Luật quy định cụ thể các chính sách bảo đảm sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất.

Luật tiếp tục khẳng định, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đặc biệt, Luật quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi theo các hình thức: giao đất ở trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; giao đất nông nghiệp trong hạn mức; cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất kinh doanh.

Bài 2: An cư để lạc nghiệp
Cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đối với người đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất thì được giao tiếp đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức; giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất kinh doanh. Đồng bào DTTS thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo quy định của Luật này thì được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Quy định này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào DTTS.

Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định chung "có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng" và "có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp".

Chính sách đã sát thực tế

Ngày 7.6.2023, trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể Quốc hội, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào DTTS là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất. Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026 - 2030; giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách nào.

Tại Đắk Nông hiện đang có 3.958 hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 1.760 hộ thiếu đất ở và 2.198 hộ thiếu đất sản xuất. So với năm 2020, số hộ thiếu đất ở giảm 521 hộ và đất sản xuất giảm 1.573 hộ. Song song với việc bố trí đất sản xuất, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã kịp thời bố trí vốn để đồng bào đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Gia đình chị Thị Hơch, ở bon Bun Đơn, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông là một trong những gia đình được thụ hưởng từ Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Chị Hơch chia sẻ, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn: không có tiền xây nhà kiên cố; không có đất sản xuất để cải thiện cuộc sống. Sau khi được chính quyền hỗ trợ đất và NHCSXH huyện Tuy Đức cho vay vốn để làm nhà ở, cùng với vốn của hai bên gia đình nội ngoại hỗ trợ, gia đình chị đã được vào ở trong một căn nhà mới, kiên cố; đồng thời, có thể tăng gia trồng trọt bảo đảm cuộc sống hàng ngày.

Chị Thị Hơch phấn khởi: "được sự quan tâm của chính quyền, sự hỗ trợ của ngân hàng huyện, gia đình tôi đã có một nơi ở ấm cúng, vững chắc. Không còn phải lo về chỗ ở, lại có đất để trồng trọt chăn nuôi, gia đình tôi quyết tâm làm ăn, sớm trả được tiền vay của ngân hàng, không trở thành gánh nặng cho xã hội".

Tại Lai Châu, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, đã giải ngân hơn 157 tỷ đồng cho trên 3.000 hộ vay vốn. Trong đó, vay vốn làm nhà 1.629 hộ, số tiền 65,097 tỷ đồng; cho vay đất sản xuất 598 hộ, số tiền 38,462 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất ở 132 hộ, số tiền 6,580 tỷ đồng; cho vay chuyển đổi nghề 652 hộ, số tiền 46,861 tỷ đồng)…

Theo đánh giá, các chính sách dành cho đối tượng vay vốn là hộ đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả trong việc tập trung nguồn vốn giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của đồng bào như vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS.

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây