Có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh

Thứ ba - 14/05/2024 08:21
Trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới, tại phiên họp sáng 13.5, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ổn định và thúc đẩy thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư...

Quản lý chặt chẽ thị trường vàng

Biến động mạnh trên thị trường vàng trong những tháng đầu năm là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ công tác quản lý trước tình trạng giá vàng “nhảy múa” trong thời gian vừa qua. Không lẽ cứ để "nhảy múa" thế? Đặt câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ một số vấn đề như: giá vé máy bay tăng cao, áp lực kiềm chế lạm phát, tháo gỡ vướng mắc trong các quy định về phòng cháy, chữa cháy...

Có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh -2
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng băn khoăn về công tác quản lý thị trường vàng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành ngân hàng để quản lý thị trường vàng, nhưng giá vàng vẫn giữ xu hướng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành đấu thầu vàng được một số phiên nhưng giá vàng đã tăng đến đỉnh. "Cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, phải có bàn tay quản lý của Nhà nước để can thiệp vào thị trường", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị. 

Nhận định việc giá vàng tăng cao sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp và tác động đến lạm phát trong nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo, theo dõi sát sao diễn biến tình hình trong nước và thế giới, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời để cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh -1
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Giải trình về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, sau thời gian dài ổn định được quản lý theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thì từ năm 2022 trở lại đây thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do giá vàng thế giới tăng cao từ đầu năm đến nay, trong khi nguồn cung trong nước hạn chế, có mức chênh lệch cao so với giá quốc tế.

Về giải pháp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới; thực hiện yêu cầu doanh nghiệp chấp hành quy định về hóa đơn thanh toán, thống kê và kiểm soát giao dịch vàng. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP và đề xuất những giải pháp để ổn định thị trường trong thời gian tới; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất thêm các biện pháp chống buôn lậu vàng…

Có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp rất nhiều lần, có nhiều công điện và gần đây Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một thông báo đầy đủ các giải pháp. "Các biện pháp được triển khai trong thời gian qua đã giúp tình hình có xoay chuyển. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường vàng, vì việc này rất phức tạp, đòi hỏi phải kiểm soát bằng các giải pháp đồng bộ". Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ tin tưởng “nếu các bộ, ngành tích cực và đồng lòng thì không có khó khăn nào chúng ta không xử lý được”.

Có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động

Trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (86,4 nghìn doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp). Cầu tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng tín dụng cũng tăng thấp dù lãi suất cho vay đã giảm. Nêu thực tế này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng để lý giải vì sao giá vàng “nhảy múa” và có thời điểm đạt kỷ lục cao tới 92 triệu đồng/lượng vàng, trong khi đầu tư tư nhân, cầu tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng đều tăng thấp? Có phải môi trường đầu tư kinh doanh đang có vấn đề, nguồn vốn đầu tư từ lĩnh vực tư nhân thấp, hay người dân không yên tâm đầu tư cho sản xuất, kinh doanh?

Có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh -3
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho rằng, tại báo cáo của Chính phủ chưa trình bày thỏa đáng về vấn đề năng suất lao động thấp liên tiếp trong nhiều năm vừa qua. Đến hết năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, năng suất lao động của nước ta vẫn thấp và là một hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa nêu được những giải pháp đột phá để nâng cao năng suất lao động, dù đây là nhân tố quan trọng để mỗi quốc gia đạt mức tăng trưởng cao và bền vững.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của năm 2024, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, cần phân tích kỹ lưỡng và nhấn mạnh rõ hơn về những động lực, mô hình tăng trưởng mới phải tập trung thực hiện trong năm 2024, cũng như trong 8 tháng còn lại của năm 2024.

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Lưu ý tình hình từ nay đến cuối năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, các chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Nêu bật một số giải pháp cần quan tâm triển khai trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách khác; bám sát diễn biến tình hình trong nước và trên thế giới, những tác động liên quan do các cuộc xung đột quân sự, các động thái chính sách của các ngân hàng trung ương, các nền kinh tế lớn. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

"Có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, cùng với việc có giải pháp ổn định và thúc đẩy thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Có giải pháp hiệu quả để quản lý giá vàng và thị trường vàng, việc quản lý giá vé máy bay”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây