Kể từ khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ năm 2009 đến nay, quy định về giảm trừ gia cảnh đã phải điều chỉnh hai lần bởi lý do chính là không còn phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, thời điểm Luật có hiệu lực ngày 1.1.2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, tương ứng 48 triệu đồng/năm; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Đến năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ ngày 1.7.2013, mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, tức 108 triệu đồng/năm.
Sau đó 4 năm, mức giảm trừ gia cảnh lại tiếp tục bộc lộ bất cập. Để giải quyết vấn đề, ngày 2.6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, tương đương 132 triệu đồng/năm; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Và chỉ sau đó 3 năm, đến năm 2023, mức giảm trừ gia cảnh cũng được cho là đã trở nên lỗi thời, cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3.2024, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do chỉ số biến đổi CPI chưa quá 20% theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiều cơ quan báo chí phản ánh mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao. Nhưng muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Theo kế hoạch thì trong năm 2025 mới bắt đầu sửa luật, Bộ Tài chính mới nêu quan điểm và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan. Khi đó mới xây dựng lại yếu tố về giảm trừ gia cảnh để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lúc đó thực hiện theo quy định mới của luật.
Có thể thấy, yêu cầu sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh là rất cần thiết và không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV diễn ra hồi giữa năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đã nêu ý kiến rằng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ tháng 7.2020 đã không còn phù hợp do những biến động liên tục về mặt bằng giá, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.
Tán thành với ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, theo luật thì khi CPI tăng không quá 20% sẽ không sửa mức giảm trừ gia cảnh. Nhưng như thế thì có thể quá máy móc bởi thu nhập người dân được cải thiện cũng đồng nghĩa với mức chi tiêu, mức sống của người dân tăng theo.
Không có lý gì mà kinh tế tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng mà mức sống bình quân của xã hội lại giữ nguyên. Đó là nguyên tắc để điều chỉnh thuế. Làm đúng luật thì an toàn nhưng phải nhìn nhận một cách tích cực, chủ động thay đổi để quy định phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với sự phát triển của xã hội - vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ý kiến khác cũng cho rằng, việc sửa mức giảm trừ gia cảnh không nên theo khuôn mẫu. Không nên “bắt” người nộp thuế phải chờ thêm vài năm nữa vì như vậy sẽ càng tạo thêm bất hợp lý khi lạm phát tăng cao, thu nhập của người làm công ăn lương vẫn bị “bào mòn”. Hơn nữa, thời điểm cải cách tiền lương đang đến gần, do đó không nên chậm trễ việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Mức giảm trừ gia cảnh quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân là mức cố định. Còn thực tế, khi kinh tế - xã hội phát triển, thu nhập người dân tăng thì giá cả thị trường cũng tăng… Do đó, cần thiết xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh một cách kịp thời để phù hợp với những biến động trong thực tế, không nên máy móc.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn