HĐND tỉnh Bình Định ban hành chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi, sau 2 năm tại sao chỉ có 7 hộ tham gia
Thứ sáu - 26/04/2024 10:25
Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi được ban hành gần 2 năm, đến nay chỉ vỏn vẹn có 7 hộ dân tham gia. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, đã lên tiếng nhận khuyết điểm.
Tại sao tỉnh họ dân làm giàu, còn tỉnh mình thì ì ạch, vướng mắc?
Một nghị quyết ban hành, dân được hưởng lợi nhưng lại chưa thực sự đi vào cuộc sống khiến lãnh đạo tỉnh Bình Định không hài lòng và yêu cầu mang ra "mổ xẻ" trách nhiệm, tại phiên họp thứ 9 của Thường trực HĐND tỉnh vào sáng nay (25/4).
Triển khai Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Bình Định về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022-2026, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 về Quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi, Văn bản số 4513/UBND-KT ngày 4/7/2023 về việc ưu tiên hỗ trợ vay vốn, phát triển chăn nuôi gà thả đồi. Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã phổ biến, hướng dẫn các nội dung thực hiện đến 5 huyện tham gia hưởng lợi từ chính sách (Hoài Ân, Tây Sơn, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh) và các doanh nghiệp tham gia liên kết chăn nuôi (Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh, Công ty gà sạch Hai Vương, Công ty Cổ phần Hồng Hà). Thế nhưng, kết quả rất bất ngờ, chỉ 2 huyện có người dân tham gia chính sách này và số lượng lại cực kỳ khiêm tốn. Năm 2023, huyện Hoài Ân có 6 hộ tham gia, tổng đàn 36.200 con và đã được UBND tỉnh cấp kinh phí với số tiền hơn 211 triệu đồng, huyện Tây Sơn có 1 hộ đăng ký thực hiện chăn nuôi gà đồi, liên kết với Công ty Cổ phần Hồng Hà nuôi 10.000 con nhưng hộ không thực hiện làm hồ sơ hỗ trợ. Đầu năm 2024 đến nay, vẫn chỉ có 2 huyện là Hoài Ân và Tây Sơn đăng ký tham gia với 14 hộ dân, số lượng gà 126.000 con, kinh phí hỗ trợ dự kiến 756 triệu đồng. Ngành chức năng đang rà soát, thẩm tra kiểm tra điều kiện các hộ đăng ký, để triển khai thực hiện.
Giải trình về Nghị quyết ban hành nhưng chỉ có 7 hộ dân tham gia hưởng lợi, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho rằng, do tác động bởi một số yếu tố khách quan như: thời tiết, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao và giá gà thấp, chăn nuôi không có lãi nên ngại tái đàn, chưa mạnh dạn đầu tư chuồng trại để đảm bảo điều kiện thụ hưởng chính sách. Một số hộ gặp phải khó khăn, vướng mắc về mặt đất đai khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đất đồi. Tham gia chính sách phát triển nuôi gà đồi, thực hiện khi có liên kết sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm ổn định giữa cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện và doanh nghiệp, nhưng một số hộ không đủ năng lực tài chính, đất đai không thể tham gia. Tỏ ra không hài lòng vì Nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành nhưng lại có quá ít người dân hưởng lợi tham gia, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu, các đại biểu phải nói thẳng, nói hết vấn đề để giải quyết dứt điểm, không nói chung chung, qua loa rồi "phần ai nấy về".Bí thư Tỉnh ủy Bình Định kể lại, lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông đã cử 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến huyện Yên Thế - "thủ phủ" gà đồi của tỉnh Bắc Giang để học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi gà thả đồi. Bởi, người dân ở Yên Thế mua gà từ Công ty Minh Dư – một doanh nghiệp sản xuất gà giống có tiếng tại Bình Định về nuôi gà thả đồi và hình thành chuỗi buôn bán. Từ có, xuất hiện nhiều tỷ phú, cuộc sống người dân khấm khá. Ông Dũng nói rằng, tỉnh Bình Định có điều kiện về giống gà, đồi núi nhiều, chỉ cần làm được một nửa của huyện Yên Thế thôi, thì đấy đã là mơ ước. "Nhưng, chúng ta đi học hỏi kinh nghiệm, về làm lại không ra gì, triển khai ì ạch, tại sao cũng nuôi gà thả đồi, ở tỉnh họ lại bán tốt và có thể làm giàu. Còn tỉnh mình, khi triển khai, lại nói đủ vướng mắc, chỉ 1,2 dự án, có chỗ không thực hiện. Trách nhiệm của chính quyền địa phương hay là chính sách chưa đủ thu hút người dân?", ông Hồ Quốc Dũng truy vấn đề.
"Thay vì tạo điều kiện, lại suy diễn chuyện làm khó cho dân"
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, nuôi gà thả đồi nếu không xây dựng lán trại thì không thể nuôi được và việc này cũng không bị cấm nhưng lại xuất hiện tình trạng, suy diễn vấn đề, để làm khó người dân. "Lán trại thì không cho cất, trong khi đất của dân, không cất lán trại thì chỗ nào để nuôi. Cái này đâu phải công trình kiên cố, đâu phải thay đổi mục đích sử dụng đất, nếu còn suy diễn theo hướng thay đổi mục đích sử dụng đất, xây công trình kiên cố, thì người dân không thể làm được. Thay vì tạo điều kiện, lại nghĩ chuyện làm khó người dân", Bí thư Bình Định nói và yêu cầu, cần làm hết sức để giúp dân nâng cao thu nhập, sống được trên mảnh đất của mình, không phải tha phương cầu thực.Theo ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, việc xây dựng nhà để phục vụ nuôi gà thả đồi, không phải kiên cố mà chỉ để làm nơi để úm gà vào giai đoạn đầu. Khi điều kiện thời tiết bất lợi gà vào trú ẩn, còn điều kiện bình thường, gà sinh sống ở vùng đồi. "Với diện tích rừng sản xuất, nếu xây dựng làm theo đúng Luật Lâm nghiệp phải chuyển đổi mục đích, như vậy quy trình rất phức tạp, nhiều địa phương lại sợ nên rất khó triển khai. Nhà tạm phục vụ nuôi gà thả đồi, tôi nghĩ không cần thiết như vậy, nên cho người dân xây", ông Phúc đề xuất.Ông Lê Văn Tùng - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết, kiểm tra các trang trại thực hiện quy định về lĩnh vực đất đai thì phát hiện sự vào cuộc các địa phương gần như chưa cụ thể. "Xây trang trại đối với gà thả đồi, nếu người dân xây dựng với quy mô diện tích tạm phục vụ cho chăn nuôi, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì người dân chỉ cần đăng ký với UBND xã. Trường hợp làm thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải làm theo pháp luật, về chuyển đổi mục đích", ông Lê Văn Tùng cho hay.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định nhận khuyết điểm
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định nói rằng, bản chất của chương trình nuôi gà thả đồi là khuyến khích để chuyển từ nuôi nhỏ lẻ nông hộ sang nuôi tập trung ở vùng có khả năng, phát triển trang trại gắn với chuỗi tiêu thụ, chế biến, quy mô mỗi hộ nuôi 3.000 con mới đáp ứng được yêu cầu. Về vấn đề xây dựng trang trại nuôi gà thả đồi, việc này UBND tỉnh nhận khuyết điểm. "Gà 1 ngày tuổi khi úm chỉ cần một góc nhà cho 3.000 con là thoải mái. Đến độ bằng nắm tay thả ra đồi, trang trại đơn giản chỉ cần giăng lưới, giăng bạt để tránh mưa gió, còn bình thường gà ra đồi ăn. Xây dựng ở đây, không phải xây dựng kiên cố. Việc này không vướng, nhưng cách hướng dẫn và thực hiện các địa phương ở dưới còn cứng nhắc quá", ông Tuấn Thanh nói.Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, câu chuyện xây dựng lán trại tạm trên đất đồi đã được họp bàn rất nhiều lần. Nhưng đến lúc này, vẫn còn e ngại, loay hoay. "Nếu địa phương làm không khéo sẽ trục lợi chính sách, vì xây nhà kiên cố trên đất rừng là không được. Nhưng khi đã làm rõ cụ thể về mô hình quy mô, thì có thể cho địa phương thực hiện, với cam kết là xây dựng tạm thật, chỉ với mục đích nuôi gà thả đồi. Như vậy, không có vấn đề gì cả", ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi của Bình Định, giai đoạn 2022-2026 Đối tượng áp dụng là hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong nước tham gia liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi. Chính sách hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi gà thả đồi. Hỗ trợ 50% chi phí con giống gà 1 ngày tuổi cho 2 lứa nuôi trong năm, hỗ trợ 2 năm liên tục, tối đa không quá 6.000 đồng/con. Các cơ sở chăn nuôi được nhận hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện sau: Quy mô chăn nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt cho 1 lứa nuôi. Có điều kiện xây dựng chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học và diện tích đồi để thả gà tối thiểu 1.500 m2; vị trí xây dựng chuồng trại đảm bảo khoảng cách theo quy định của Bộ NNPTNT. Cam kết chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.