LTS: Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Báo Bình Định trân trọng giới thiệu 2 nghị quyết với nhiều quyết sách mang tính chiến lược cho sự phát triển lâu dài của tỉnh. 1. Nghị quyết về việc thông qua các nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Quy hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; tất cả lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
Quy hoạch định hướng phát triển, mở rộng TP Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm. Ảnh: DŨNG NHÂN
Đồng thời, tỉnh là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và DN lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Trong đó, tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội… Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. DN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế… Quy hoạch đề ra 5 trụ cột phát triển: 1- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị cao. 2- Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. 3- Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng. 4- Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 5- Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng - logistics, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Cùng với đó là 3 khâu đột phá: 1- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và duy trì ổn định môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư, các DN lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. 2- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh gắn với mở rộng hội nhập, giao lưu khu vực và quốc tế. 3- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh, tiến tới hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các ngành, lĩnh vực và địa bàn trong toàn tỉnh.
● Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NHẪN: Quy hoạch thể hiện tinh thần tiến công, táo bạo, đột phá Tôi cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh khác đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nội dung cơ bản Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là thành quả, sản phẩm kết tinh trí tuệ của tập thể cấp ủy, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh; được xây dựng dựa trên Quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Tôi nhận thấy Quy hoạch thể hiện tư tưởng tiến công, khát vọng phát triển, tinh thần táo bạo có tính đột phá, thể hiện các mục tiêu phát triển từ tổng quát đến cụ thể của tỉnh. Quy hoạch hướng đến hình thành các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ du lịch, kinh tế biển của vùng, quốc gia, quốc tế. Điểm đặc biệt là việc quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Định hướng 5 trụ cột phát triển và 3 khâu đột phá trong Quy hoạch phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, phát huy được lợi thế của tỉnh có chiều dài bờ biển 134 km, có kết cấu hạ tầng KT-XH tương đối đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với cả nước, với Tây Nguyên, các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào… Tôi tin rằng việc phấn đấu thực hiện Quy hoạch sau khi được duyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. ● Giám đốc Sở Du lịch TRẦN VĂN THANH: Bám sát Quy hoạch để phát triển du lịch
Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Sở Du lịch sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Phối hợp với các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, đặc biệt là TP Quy Nhơn để cùng xây dựng kế hoạch phát triển du lịch. Tập trung triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, trong đó đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp du lịch biển đảo, tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn để thu hút khách vào mùa cao điểm lẫn thấp điểm. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đưa ra các gói sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đặc trưng riêng, các chương trình kích cầu du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, tiếp tục mở rộng thị trường du lịch. Bồi dưỡng, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Để hướng đến mục tiêu đến năm 2030 thu hút 2,5 triệu lượt khách quốc tế theo Quy hoạch, chúng tôi xác định sẽ đẩy mạnh thu hút khách quốc tế ở các thị trường gần tăng trưởng nhanh; tiếp tục thu hút khách từ các thị trường khách truyền thống, có khả năng chi tiêu cao. Đề nghị tổ chức nối lại chuyến bay quốc tế đã khai thác là Phù Cát - Cheongju (Hàn Quốc) và mở thêm các chuyến bay quốc tế mới. Nghiên cứu liên kết với các địa phương có cửa khẩu quốc tế để thúc đẩy khai thác du khách quốc tế (Thái Lan, Campuchia, Lào…) đến Bình Định bằng đường bộ. Tiếp tục xúc tiến phát triển loại hình du lịch tàu biển đến cảng Quy Nhơn...
2. Nghị quyết Ban hành quy định chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2026 Quy định được ban hành nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng thu nhập người nông dân. Đối tượng áp dụng là HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Tập đoàn Việt - Úc đầu tư nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Ảnh: N.H
Đối với lĩnh vực trồng trọt: Hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu cơ, gồm cây lúa, diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 2 ha; cây ăn quả, diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 1,7 ha; rau các loại, diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng 0,5 ha. Danh mục, quy mô diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) được hỗ trợ theo quy định này gồm: Cây trồng cạn hằng năm, diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng là 3 ha; cây ăn quả, diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng 2 ha; cây rau các loại, diện tích sản xuất tối thiểu liền vùng 1 ha. Điều kiện hỗ trợ sau đầu tư là phải đáp ứng đầy đủ các quy định: Cam kết áp dụng VietGAP trong sản xuất, sơ chế sản phẩm; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm; có dự án đầu tư sản xuất, các nội dung hỗ trợ phải có trong dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được phê duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước). Nội dung và mức hỗ trợ sản xuất trồng trọt hữu cơ gồm: Hỗ trợ 1 lần 100% chi phí thuê tổ chức chứng nhận để đào tạo, cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về trồng trọt hữu cơ nhưng không quá 80 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ và 100% kinh phí mua các vật tư theo định mức phê duyệt cho tổ chức, cá nhân để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về trồng trọt hữu cơ. Cây lúa hỗ trợ tối đa 3 vụ liên tiếp nhưng không quá 10 triệu đồng/ha/vụ; cây rau hỗ trợ tối đa 3 vụ liên tiếp nhưng không quá 12 triệu đồng/ha/vụ; cây ăn quả hỗ trợ tối đa 2 năm liên tiếp nhưng không quá 22 triệu đồng/ha/năm. Điều kiện và nội dung hỗ trợ chăn nuôi gồm dự án phát triển chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chăn nuôi heo có quy mô trang trại vừa trở lên. Hỗ trợ 1 lần kinh phí sau đầu tư cho các đối tượng thực hiện dự án chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với những nội dung: Lắp đặt hệ thống làm mát, kiểm soát nhiệt độ tự động, bán tự động; lắp đặt hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động, bán tự động. Mức hỗ trợ là 50% chi phí nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án. Xây dựng và chứng nhận VietGAP mức hỗ trợ là 100% chi phí, tối đa không quá 40 triệu đồng/dự án. Điều kiện và nội dung hỗ trợ lĩnh vực thủy sản gồm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có tàu cá đăng ký tại Bình Định (gọi tắt là chủ tàu cá), có chiều dài lớn nhất của tàu từ 15 m trở lên, hoạt động đánh bắt nghề câu cá ngừ đại dương thực hiện Quy trình công nghệ ứng dụng khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu theo quy định. Thiết bị hỗ trợ để thực hiện Quy trình lắp đặt trên tàu cá cho ngư dân phải là thiết bị mới 100%. Chủ tàu cá khi bán tàu cho tổ chức, cá nhân có hộ khẩu trong tỉnh, phải yêu cầu chủ tàu cá mới cam kết tiếp tục sử dụng Quy trình. Trường hợp bán tàu ra ngoài tỉnh, chủ tàu cá phải hoàn trả 100% kinh phí được tỉnh hỗ trợ. Hỗ trợ một lần kinh phí sau đầu tư cho chủ tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương thực hiện Quy trình. Cụ thể: Hỗ trợ 50% kinh phí mua mới shocker được chế tạo theo công nghệ Nhật Bản (mức hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/tàu); hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo, làm mới hầm bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ tạo bọt khí nitơ nano (tối đa 75 triệu đồng/tàu)...
● Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân NGUYỄN HỮU KHÚC: Cơ hội nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết sẽ tạo thuận lợi cho địa phương có thêm nguồn lực hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình phát triển sản xuất; mở rộng vùng nguyên liệu trên diện tích cây ăn quả chủ lực của huyện và phát triển chăn nuôi heo, gà. Đồng thời tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn trồng trọt hữu cơ, VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cây ăn quả chủ lực được chứng nhận hữu cơ, VietGAP đạt 250 ha và được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, hướng đến xuất khẩu, nhất là sản phẩm bưởi da xanh sang thị trường ngoài nước. ● Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước PHẠM QUANG ÂN: Xu thế tất yếu!
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Từ việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, khó khăn là trong đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, quy mô diện tích phải lớn. Nghị quyết sẽ tạo động lực cho HTX, trang trại, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn mở rộng đầu tư, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm tháo gỡ các nút thắt về miễn giảm tiền thuê đất, cho vay ưu đãi, thủ tục thuê đất đơn giản để HTX, trang trại, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn mở rộng đầu tư. Đề nghị tỉnh và các sở, ngành nghiên cứu có chính sách thu hút đối tượng là DN đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt; góp phần “dẫn dắt” nông dân làm theo.
● Nông dân NGUYỄN XUÂN ÁNH (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát): Mong nông dân sớm được hưởng lợi Tôi rất vui mừng khi hay tin HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Nhờ Nghị quyết này, nông dân sẽ được hỗ trợ vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, được tiếp cận công nghệ sản xuất mới... để làm ra nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Mong rằng các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết để nông dân sớm được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ.