Chất vấn thẳng thắn, giải trình rõ ràng nhiều vấn đề “nóng”

Thứ hai - 12/12/2022 08:16
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 9 HÐND tỉnh khóa XIII diễn ra ngày 10.12, người chất vấn và được chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều nội dung quan trọng cử tri, người dân quan tâm đã được làm rõ.
Quang cảnh ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII.  Ảnh: HỒNG PHÚC
Truy trách nhiệm chậm mua sắm vật tư y tế
Liên quan đến các khó khăn, hạn chế của ngành y tế, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết: Số lượng bác sĩ nghỉ việc năm 2022 chỉ chiếm 1,8% so với tổng số bác sĩ của tỉnh, rất thấp so với bình quân cả nước. Ngành y tế đã và đang thực hiện các giải pháp tăng số lượng, chất lượng bác sĩ, tạo môi trường làm việc tốt hơn. 
Một vấn đề khác nhận được nhiều sự quan tâm là dự án đầu tư máy xạ trị, CT scanner tại BVĐK tỉnh được HĐND tỉnh thông qua cuối tháng 7.2022 nhưng không thực hiện được trong năm nay. Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện dự án được cấp chuyển nguồn từ năm 2021, chỉ được sử dụng trong năm 2022.
Theo ông Hùng, không hoàn thành dự án là do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư - BVĐK tỉnh, thứ hai là Giám đốc Sở Y tế liên quan đến công tác chỉ đạo. “Chúng tôi xin được kiểm điểm rút kinh nghiệm trước HĐND, UBND tỉnh. Nếu được cho thực hiện dự án trong năm 2023, Sở Y tế sẽ tăng cường hỗ trợ BVĐK tỉnh để dự án sớm đưa vào phục vụ nhân dân”, ông Hùng nói.
Xung quanh ý kiến của người dân, cử tri, đại biểu (ĐB) về những khó khăn của TTYT huyện Tây Sơn, ông Hùng cho rằng, đơn vị này có cơ sở vật chất đẹp nhất trong các cơ sở tuyến huyện; có quy mô 220 giường, hiện có 53 bác sĩ (số lượng xếp thứ 3/11 huyện, thị xã, thành phố). Thời gian qua, nhân lực TTYT huyện Tây Sơn thiếu hụt cục bộ, khi có 3 bác sĩ chuyển công tác, nghỉ hưu, không may bị bệnh nặng qua đời. Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK tỉnh điều bác sĩ hỗ trợ TTYT huyện Tây Sơn.   
ĐB Đào Xuân Hồng (Tây Sơn) chất vấn Sở Y tế về giải pháp nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh tại TTYT huyện Tây Sơn.  Ảnh: HỒNG PHÚC
Chưa đồng tình với giải trình của Giám đốc Sở Y tế, các ĐB Trần Nhật Quân, Đào Xuân Hồng, Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) cho biết TTYT huyện Tây Sơn có nhiều khoa còn thiếu bác sĩ, máy móc kỹ thuật… nên người dân ít đến khám chữa bệnh, có những thời điểm phải đi khám sức khỏe ở ngoài huyện. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ nhân lực từ BVĐK tỉnh chỉ là giải pháp ngắn hạn; kinh phí hỗ trợ cho các bác sĩ “chi viện” còn khó khăn.
 
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, nội dung các ĐB HĐND tỉnh chất vấn, đề nghị giải trình lần này hết sức thiết thực, đều là những vấn đề “nóng” ở các địa phương. Ý kiến trả lời, giải trình của giám đốc các sở rất thẳng thắn, đi thẳng vào những nội dung mà bà con cử tri, người dân quan tâm trên các lĩnh vực. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã dành thời gian làm rõ thêm những vấn đề ĐB quan tâm.
“Tôi đánh giá rất cao ý thức trách nhiệm của các đồng chí. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐB, các đồng chí phải có kế hoạch để triển khai Nghị quyết kỳ họp và khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại; có biện pháp cụ thể khắc phục trên từng lĩnh vực. Đề nghị Thường trực và các ban HĐND tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát để các thành viên UBND tỉnh thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; cố gắng đạt được mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
“Theo Giám đốc Sở Y tế thì bức tranh TTYT huyện Tây Sơn quá hoàn hảo, chỉ thiếu bác sĩ cục bộ. Song, số lượng bác sĩ của TTYT huyện Tây Sơn nhiều thứ 3/11 huyện, thị xã, thành phố mà không phát huy hiệu quả vai trò là vấn đề quan trọng liên quan đến chuyên môn, mong nhận thêm sự quan tâm từ Giám đốc Sở Y tế…”, ĐB Lê Bình Thanh kiến nghị.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đánh giá thực trạng ngành y tế rất đáng lo, nhất là về thiếu hụt bác sĩ, thu nhập của y bác sĩ còn thấp… Nếu cứ như vậy thì sẽ có thêm nhiều người ở các cơ sở y tế công lập bỏ việc. Qua đó, yêu cầu ngành Y tế tỉnh tới đây phải tiếp tục có thêm giải pháp hiệu quả, nỗ lực khắc phục tồn tại, hạn chế…
Đồng thời, cần làm rõ hơn trách nhiệm việc không thực hiện được dự án mua sắm các thiết bị cho BVĐK tỉnh trong năm 2022; như vậy là có lỗi với nhiều người dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn phải đi xa chữa trị. “Giám đốc Sở Y tế cần nhìn nhận thẳng thắn sự việc, nghiêm túc khắc phục, chứ không phải lên giải trình là nói cho xong việc rồi thôi…”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tham gia giải trình, trao đổi thêm các nội dung để đại biểu nắm bắt, hiểu rõ hơn.  Ảnh: HỒNG PHÚC
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết ông cũng bức xúc về việc không thực hiện được dự án trên ở BVĐK tỉnh; nhưng cũng mong được thông cảm cho ngành y tế. Khó khăn phần nào được tháo gỡ khi Bộ Y tế vừa mới sửa đổi quy định còn bất cập trong mua sắm trang thiết bị y tế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, nếu dự án tiếp tục được HĐND tỉnh thông qua thì phải thực hiện và cam kết hoàn thành càng sớm càng tốt.  
Nước sạch nông thôn: Hiệu quả là trên hết
Trả lời ý kiến của ĐB về hiệu quả đầu tư các dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua và các giải pháp trong thời gian đến, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết, toàn tỉnh hiện có 129 công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn. Trong đó, có 105 công trình có công suất nhỏ, 24 công trình vừa và lớn. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân nông thôn chỉ đạt 31%.
ĐB Lê Thanh Tùng (TX An Nhơn) cho rằng tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư. Ảnh: HỒNG PHÚC
Theo ông Phúc, từ năm 2021, cấp nước nông thôn phải được đánh giá theo tiêu chí nước sạch. Do vậy, 105 công trình cấp nước nhỏ ở miền núi được đánh giá không phải là công trình cấp nước sạch, 24 công trình vừa và lớn là công trình cấp nước sạch. Qua đánh giá, trong số 129 công trình cấp nước tập trung, toàn tỉnh có 16 công trình bền vững, 1 công trình dưới mức bền vững, 79 công trình không bền vững và 33 công trình không hoạt động.
Ông Phúc đề xuất: Đầu tư các công trình nước sạch phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đặt đúng nơi người dân có nhu cầu sử dụng nước. Chính quyền địa phương cấp xã, huyện phải vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân đấu nối nước sạch vào hộ gia đình và sử dụng nước tiết kiệm, không khoán trắng cho đơn vị quản lý vận hành.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa vì sao Nhà máy cấp nước sạch Vân Canh sau khi đưa vào hoạt động người dân không sử dụng, công trình phải bỏ hoang nhiều năm nay, ông Trần Văn Phúc giải trình nguyên nhân là sau khi giao công trình cho huyện Vân Canh vận hành, địa phương gặp khó khăn trong việc thu tiền sử dụng nước của người dân, không đáp ứng đủ chi phí vận hành công trình.
“Trách nhiệm để xảy ra sự việc trên trước hết là UBND huyện Vân Canh, còn phía Sở là không nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng giải quyết sớm”, ông Phúc thừa nhận. 
Về hướng giải quyết sắp đến, Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh cho phép tiếp nhận lại Nhà máy nước sạch Vân Canh, đồng thời sẽ giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành. Lập dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình, xây dựng giá nước theo quy định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
“Sở cam kết sẽ làm hết trách nhiệm, phối hợp cùng UBND huyện Vân Canh làm sống lại hệ thống cấp nước sạch Vân Canh và sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2023”, ông Phúc hứa.
Không để “gần biển mà vẫn ngập lụt”
Trả lời câu hỏi chất vấn về nguyên nhân và giải pháp chống ngập lụt cho đô thị ở TP Quy Nhơn, nhất là phường Ghềnh Ráng và đường Xuân Diệu, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân gây ngập úng nặng tại khu vực 3, 4 phường Ghềnh Ráng là do các trận mưa với cường độ quá lớn, hệ thống thoát nước hiện trạng không đủ khả năng tiêu thoát. Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trong khu vực này chưa được quan tâm đúng mức; công tác duy trì hệ thống thoát nước trong khu vực chưa tốt, chưa kịp thời nạo vét...

Đợt mưa lớn vào ngày 20.11 đã gây ngập nặng ở các khu dân cư phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Ảnh: HOÀI LUÂN
Về biện pháp khắc phục, ông Bảo cho hay, trước mắt đề xuất UBND TP Quy Nhơn đầu tư xây dựng mới tuyến cống trên đường Chế Lan Viên nối dài (đoạn từ trạm bơm PS4 đến cửa xả ra mương Hoàng Gia, kể cả thay thế 4 cổng D2000 qua đường Hàn Mặc Tử).
Tiếp đến là cải tạo, nâng cấp hệ thống mương Bông Hồng hiện trạng; cải tạo tuyến mương dọc đường đèo Quy Hòa; tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy của một số tuyến thoát nước để tăng khả năng thoát nước. Thường xuyên kiểm tra, nạo vét, cải tạo hệ thống hằng năm. Các dự án đầu tư này đề nghị UBND TP Quy Nhơn phải khẩn trương tổ chức thi công hoàn thành trước mùa mưa năm 2023.
Về giải pháp tiếp theo, đề xuất UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND TP Quy Nhơn và các cơ quan liên quan lập Đề án Nghiên cứu giải pháp chống ngập úng cho khu vực 3, 4 phường Ghềnh Ráng và các khu vực phụ cận để làm cơ sở đầu tư xây dựng các dự án thoát nước.
Đối với khu vực đường Xuân Diệu (trước Tượng đài Chiến Thắng), tuyến đường này có địa hình thấp, trong đợt mưa tháng 10 - 11 vừa qua, vì lượng mưa quá lớn nên lượng nước tập trung nhanh, các cửa thu không đảm bảo khả năng thu nước mưa; khu vực có độ dốc thấp, khả năng thoát nước về đầm Thị Nại chậm nên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, khi hết mưa thì nước thoát rất nhanh trong khoảng 15 - 20 phút.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nêu câu hỏi: “Cử tri muốn biết là Giám đốc có hứa sang năm hết ngập hay không? Các khu vực phường Ghềnh Ráng và đường Xuân Diệu ở ngay biển mà mưa xuống là ngập thì không thể chấp nhận được”.
Ông Trần Viết Bảo trả lời: Nếu tham mưu của Sở Xây dựng được UBND tỉnh thống nhất, cho mở rộng mương và cống qua khu vực resort Hoàng Gia, năm 2023 sẽ giải quyết được tình trạng ngập ở Ghềnh Ráng nếu có những trận mưa lớn như vừa qua. Còn về lâu dài, cần có vốn để đầu tư thêm các tuyến thoát nước ra biển, cải tạo hệ thống kênh và cống thoát cũ thì mới đáp ứng được những trận mưa lớn hơn.
 
● “Các nội dung đặt ra tại kỳ họp lần này đã thể hiện sự cầu thị của HĐND, UBND tỉnh trong lắng nghe, tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân. Tôi cũng rất mừng vì mặc dù trong điều kiện khó khăn, khi năm 2022 bắt đầu thực hiện các chính sách khôi phục KT-XH sau đại dịch Covid-19, nhưng các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đều đạt và vượt. Đây sẽ là tiền đề, động lực để tạo đà vững chắc cho quá trình phát triển KT-XH trong những năm tiếp theo. Nhất là các nghị quyết quan trọng về phát triển KT-XH được ban hành tại kỳ họp này khi được triển khai thực hiện sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập từ thực tiễn”.
Ông NGUYỄN DUY QUÝ, nguyên Quyền  Bí thư Tỉnh ủy
 
 
● “Tôi nhận thấy kỳ họp này có nhiều điểm mới và đạt chất lượng cao. Chẳng hạn, Báo cáo kết quả giám sát việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến trước kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trình bày đã đánh giá toàn diện các mặt, ý kiến nào giải quyết được, chưa được hoặc còn chung chung. Đồng thời, các ĐB HĐND tỉnh cũng như các sở, ngành liên quan đã tham gia thảo luận các nội dung của kỳ họp rất trí tuệ, trách nhiệm; phản ánh đúng các vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Đơn cử như ĐB có kiến nghị về vấn đề thiếu nước sạch ở Vĩnh Thạnh, Giám đốc Sở KH&ĐT đã tiếp thu ngay và hứa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư trong năm 2023”.
Ông NGUYỄN KẾ ĐẤU, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thạnh
 
● “Trong các phiên thảo luận, nhất là chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐB đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đều nghiêm túc tiếp thu và đề ra các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề, nội dung. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất ấn tượng, vừa khoa học, linh hoạt, vừa có tính gợi mở, dẫn dắt, vừa quyết liệt; nhất là các vấn đề mà UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo để thực hiện đạt hiệu quả hơn. Với tinh thần đổi mới, cầu thị, trách nhiệm, lắng nghe, tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân, tôi tin rằng, chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh sẽ tiếp tục được nâng cao và làm tốt hơn vai trò đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà”.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THẢO, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cát Minh (huyện Phù Cát)
HOÀI THU - NGUYỄN HÂN
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây