Tiếp tục Chương trình kỳ họp lần thứ 10 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều 23.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, Huỳnh Thúy Vân, lãnh đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương đã phát biểu giải trình làm rõ nội dung các tờ trình trình kỳ họp.
Quang cảnh phiên họp thứ 2 Kỳ họp thứ 10 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào chiều 23.3. |
Mở đầu phiên giải trình, ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TX An Nhơn đã đăng đàn phát biểu giải trình về việc xin kéo dài, chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2022 sang thực hiện năm 2023. Theo đó, năm 2022, thị xã có 1.246 dự án được bố trí vốn đầu tư 1.903 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 73,7 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 96,8%, vốn thị xã giải ngân đạt 1.644 tỷ, đạt 90,6%. Tổng số vốn địa phương xin điều chuyển sang năm 2023 hơn 148 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân một phần là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu thi công tăng cao, quy trình thủ tục đầu tư các dự án nhóm B có thời gian dài và việc bố trí vốn một số danh mục dự án vào thời điểm cuối năm. Công tác kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư chưa chủ động, đồng bộ, nhất là chưa xây dựng kế hoạch cụ thể của từng dự án để chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện, một nguyên nhân khác dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư là do nhân lực ít.
Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Thanh Tùng giải trình về việc kéo dài vốn đầu tư công từ năm 2022 sang năm 2023 của thị xã. |
Tiếp đó, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng giải trình, làm rõ thêm về vấn đề xin điều chuyển hơn 21,2 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 sang năm 2023. Ông Hùng cũng lý giải thêm một số vướng mắc có liên quan tới việc thẩm duyệt PCCC, đánh giá ĐTM, diễn biến thời tiết bất thường, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng…
Ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn giải trình về việc kéo dài vốn đầu tư công từ năm 2022 sang năm 2023 của huyện. |
Ông Đào Văn Khôi, Trưởng ban Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh cũng giải trình việc xin điều chuyển vốn đầu tư sang năm 2023 với 15 dự án, có tổng vốn hơn 41,4 tỷ đồng. Ông Khôi cũng nêu khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án này và đề nghị các địa phương tăng cường vận động nhân dân, đồng thuận nhận tiền bồi hoàn các dự án đã bố trí vốn đầu tư công.
Ông Đào Văn Khôi - Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh giải trình về thực hiện vốn đầu tư công của đơn vị. |
Tiếp đó, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT đăng đàn giải trình việc chuyển đất rừng sang mục đích khác; công tác tiếp nhận các dự án nước sạch và tổ chức vận hành các dự án đối với trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định để cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTN giải trình về năng lực thực hiện các dự án nước sạch vùng nông thôn và khả năng vận hành các nhà máy cấp nước của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. |
Ông Đinh Văn Lung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh giải trình về việc xác định xã đồng bằng, xã miền núi để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh. |
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, việc chọn các ý kiến giải trình về một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm, kéo dài để thấy rõ hơn “bức tranh” về giải ngân vốn đầu công trên địa bàn tỉnh, những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận, nhận xét việc giải trình của các đơn vị, địa phương. |
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý các địa phương, đơn vị xin điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 sang năm 2023 phải rà soát lại các dự án, đồng thời tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án trong triển khai các dự án, đảm bảo hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư và không để mất vốn.
Về vấn đề quản lý vận hành các dự án nước sạch, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu phải có biện pháp quản lý thật tốt các công trình cấp nước sạch, đảm bảo cung cấp nước cho người dân. Đồng chí nhấn mạnh: “Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chỉ có khoảng hơn 80 người nhưng lại phụ trách việc vận hành, cung cấp nước cho hơn 47.000 hộ dân, đây là khối lượng công việc rất lớn. Sắp tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số dự án cấp nước cho khu vực nông thôn, yêu cầu UBND và ngành Nông nghiệp phải tính toán và có phương án đảm bảo, chịu trách nhiệm trong công tác vận hành, cung cấp nước cho người dân nông thôn, đảm bảo các dự án phải phát huy hiệu quả”, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn