Tây Sơn: Nhiều tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh

Thứ sáu - 23/08/2019 22:03
Những năm qua, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ, lễ hội ở huyện Tây Sơn được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.
Tây Sơn: Nhiều tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh

Giỗ Hoàng đế Quang Trung (29.7 âm lịch) là ngày kỷ niệm lớn, được đông đảo người dân ghi nhớ, cùng về dâng hương tưởng niệm. - Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung.

1. Các nghi lễ cưới theo phong tục truyền thống vẫn duy trì; tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện hiện đại, nhiều nghi thức phức tạp đã được giản lược hay ghép các nghi thức chỉ còn 1 - 2 lễ. Các đám cưới phần lớn vẫn đảm bảo vui tươi, trang trọng nhưng tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc và hoàn cảnh gia đình 2 bên.

Trước đây, không ít gia đình tổ chức đám cưới tại gia để thêm vui vẻ đầm ấm nhưng việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang trí, hậu cần khá vất vả cho gia chủ. Mấy năm gần đây, việc tổ chức tiệc cưới ở các nhà văn hóa xã, thôn đã nhiều lên và xu hướng này ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn.

Đối với việc tang, trong hương ước, quy ước của 76 khu dân cư, trong đó có 5 làng đồng bào Bana, 2 làng có người Kinh và Bana sống đan xen trên địa bàn huyện, việc tang được quy định rất cụ thể. Bên cạnh với việc bố trí đất cho xây dựng nghĩa địa của nhân dân, chính quyền địa phương rất quan tâm tới khung thời gian từ lúc có người qua đời đến khi hoàn tất việc chôn cất, nhất là với một số trường hợp người chết do bị bệnh truyền nhiễm.

Hiện nay, qua tuyên truyền, vận động cũng như từ sự tư vấn của y tế xã, thôn, ở Tây Sơn không còn tình trạng để người chết quá lâu trong nhà. Hầu hết đều dưới 48 giờ, thời gian hoạt động của ban nhạc hiếu hiện nay luôn có thời gian nghỉ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng, các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã bị loại bỏ.

Lễ tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời; tình làng nghĩa xóm trong địa phương được thể hiện một cách sâu sắc. Cùng với đó, các nghi lễ cúng ngày tuần, tiết sau đám tang cơ bản đã giảm hoặc được tổ chức gọn nhẹ.

2. Trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện duy trì và tổ chức thường xuyên nhiều lễ hội truyền thống khác. Một số lễ hội truyền thống của đồng bào Bana được duy trì và phát triển phù hợp với đời sống hiện đại như: lễ cưới, lễ kết nghĩa, lễ mừng cơm mới, lễ mừng thọ, lễ bỏ mả… Các hủ tục trong các lễ hội, tiệc cưới, đám tang đã được lược bỏ; đồng bào tổ chức theo hướng tiết kiệm, văn minh. Ngay cả trong các lễ hội truyền thống, các chi tiết ít tiến bộ như ăn uống linh đình, lãng phí cũng không còn...

Theo ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, hầu hết các lễ hội đều được tổ chức theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và chính quyền các cấp và đúng theo quy chế lễ hội. Từ đó, phát huy được truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng và góp phần giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa của dân tộc.

Đáng ghi nhận là gần đây, một số lễ giỗ, kỷ niệm được tổ chức theo nghi thức cổ truyền dân tộc, có mâm cỗ cho đại biểu và nhân dân dự lễ thụ lộc, tạo dấu ấn tâm linh sâu sắc và không khí đầm ấm trong dịp lễ giỗ các bậc hiền tài, tiền nhân…

3. Vẫn còn một số tồn tại trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Tây Sơn. Chẳng hạn, ở một số nơi, việc tổ chức tiệc cưới vẫn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ách tắc giao thông; ca hát ở các tiệc cưới tại gia còn rề rà, nhiều khi dẫn tới hệ lụy không hay. Trong việc tang, ở một số nơi, sau khi đưa tiễn người qua đời xong, tang chủ thường tổ chức cỗ để cảm ơn bà con, láng giềng; người ăn cỗ thường quá chén đến say sưa, gây ồn ào trong lúc tang gia chưa nguôi đau buồn. Hay tại các lễ hội dân gian, vẫn còn một số nơi không có đình, miễu, lập bàn thờ cúng Thanh minh, cúng xóm trên các khu đất trống, các trục đường phố... gây mất mỹ quan, phản cảm trong dư luận.

Tuy vậy, nhìn chung việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Tây Sơn đã có nhiều tiến bộ. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đạo đức, lối sống tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

HOÀNG CHI

Một số lễ hội, ngày kỷ niệm lớn ở huyện Tây Sơn

Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mồng 5 Tết Nguyên đán), Giỗ tiền hiền Lộc Đổng - Kiền Giang (19 tháng Giêng), Kỷ niệm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung (mùng 5.5 âm lịch), Giỗ Hoàng đế Quang Trung (29.7 âm lịch), Lễ giỗ tiền hiền Văn Phong (1.11 âm lịch), Giỗ Đô đốc Bùi Thị Xuân (6.11 âm lịch), Lễ Hiệp kỵ 3 vua Tây Sơn (14.11 âm lịch).

Lễ Tưởng niệm vụ Thảm sát Bình An (26.2) tại xã Tây Vinh, Lễ kỷ niệm Chiến thắng Thuận Ninh (18.9) tại xã Bình Tân và Lễ tưởng niệm ngày mất Nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng (Rằm tháng Tư) tại xã Bình Tường.

Tác giả bài viết: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây