Kiên quyết thu hồi các dự án nhà ở xã hội không triển khai
Ðẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung phát triển nhà ở xã hội là các nội dung nổi bật từ phiên giải trình, chất vấn tại phiên họp thứ 8 của Thường trực HÐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 13.9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Phiên họp do đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì; cùng sự tham gia của các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trưởng, phó các ban của HĐND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành,
địa phương…
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia
Theo báo cáo giải trình của Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi, thời gian qua, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Kết quả thực hiện đã góp phần phát triển KT-XH, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm, gia tăng thu nhập.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn chậm so với yêu cầu. Theo Sở KH&ĐT, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã giao cho tỉnh hơn 1.268 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn thực hiện trên địa bàn 5 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn gần 924 tỷ đồng.
Dự án Nhà ở xã hội Lamer 1 do Công ty TNHH Đầu tư Tân Đại Minh làm chủ đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Ảnh: T.V |
Kết quả giải ngân năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương đạt khá thấp so với yêu cầu. Trong đó, năm 2022, việc giải ngân đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt 50,1%; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo chỉ đạt 24,5%; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 79,6%. 8 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân từ nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 18,4%.
“Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn chậm là do các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều nội dung mới, nhất là chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gây lúng túng trong việc triển khai tại các địa phương được hưởng lợi. Bên cạnh đó, việc giao kế hoạch vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các chương trình, dự án”, ông Lê Hoàng Nghi giải trình.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương thụ hưởng các chương trình phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của cấp trên để triển khai đúng quy định đã làm chậm quá trình triển khai thực hiện và giải ngân vốn.
Kết luận vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu kiện toàn ngay Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp tỉnh đến cấp huyện do đồng chí Chủ tịch UBND cùng cấp trực tiếp làm trưởng ban để quản lý, điều hành, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có cơ chế phân cấp, thêm thẩm quyền cho các đầu mối, các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý, phân bổ nguồn vốn đầu tư phù hợp. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cơ quan liên quan, gắn với việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công tránh chồng chéo, bất cập.
Kiên quyết thu hồi các dự án nhà ở xã hội không triển khai
Theo giải trình của Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo về việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 14 dự án nhà ở xã hội, với diện tích đất hơn 26 ha, gần 1.000 căn hộ, tổng diện tích sàn sử dụng trên 612 nghìn m2, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đến nay đã bàn giao, đưa vào sử dụng 3 dự án với 964 căn hộ. Đang thi công xây dựng 5 dự án với diện tích đất gần 10 ha, hơn 4.200 căn hộ. Đồng thời, lập thủ tục đầu tư xây dựng 8 dự án với diện tích đất gần 15 ha (4.727 căn hộ).
Nhìn chung, thời gian qua tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh đã duyệt, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: N.HÂN |
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc đặt ra hiện nay là các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn để thu hút các DN quan tâm tham gia đầu tư, nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội có vị trí ngoài trung tâm các đô thị. Một số khu đất để đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện… để đấu nối nên khó triển khai thực hiện.
“Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án xây dựng lại chung cư cũ đảm bảo điều kiện vay vốn từ gói 120 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa tiếp cận được vì chưa quy định cụ thể thủ tục cho vay, dẫn đến chủ đầu tư phải vay thương mại, chi phí đầu tư xây dựng tăng cao, dẫn đến giá bán nhà ở xã hội tăng theo”, ông Bảo phân tích.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, Bình Định là điểm sáng trong phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn xảy ra một số tồn tại, hạn chế. Do vậy, yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội theo kế hoạch đề ra.
“Đối với những dự án nhà đầu tư không triển khai, kéo dài phải kiên quyết thu hồi để bàn giao cho các nhà đầu tư khác có tiềm lực hơn. Đồng thời, cần rà soát, quản lý chặt về chất lượng xây dựng công trình, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ và các điều kiện về an ninh, an toàn”, ông Tuấn nói.
Kết luận vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh hằng năm. Thường xuyên rà soát, quy hoạch sử dụng đất để phục vụ phát triển các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai các dự án, thu hồi các dự án đầu tư không đảm bảo tiến độ đề ra; tạo điều kiện cho các đối tượng đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội. Đảm bảo mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh hoàn thành xây dựng trên 14.000 căn nhà ở xã hội.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn