Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành để giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả

Thứ sáu - 10/11/2023 15:40

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp chuyên đề), ngày 10.11, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tiến hành thảo luận chung tại Hội trường, cho ý kiến đối với các nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.

 

Quang cảnh buổi thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp chuyên đề).

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi, Ủy viên UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo thuyết trình các nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Cụ thể gồm: Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2023. Trong đó, đối với nguồn vốn tập trung, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trên 23,143 tỷ đồng từ 29 danh mục, công trình mà đến ngày 18.10.2023 chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không có khả năng giải ngân kế hoạch vốn trong các tháng còn lại của năm 2023 bố trí bổ sung thanh toán cho 4 dự án đã có sẵn khối lượng thực hiện nhưng đến nay chưa bố trí đủ kế hoạch vốn để thanh toán.

Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trên 17,035 tỷ đồng từ 50 danh mục, công trình đến 18.10.2023 chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hết khối lượng thanh toán trong năm để bố trí bổ sung thanh toán cho 2 dự án đã có sẵn khối lượng thực hiện nhưng chưa bố trí đủ kế hoạch vốn để thanh toán.

Điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư kéo dài thời gian thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc khu Nhà ở xã hội Nhơn Bình, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) từ năm 2021 - 2023 thành từ năm 2021 - 2024; điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Long Vân (khu A2) phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) từ năm 2019 - 2023 thành từ năm 2019 - 2024; điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Đông chợ Dinh mới, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) từ năm 2018 - 2023 thành từ năm 2018 - 2024; điều chỉnh, bổ sung Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường thay thế tuyến đường Trần Phú, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, (nay là phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) từ năm 2019 - 2023 thành từ năm 2019 - 2024; điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện Dự án Khu vực 1, Khu dân cư dọc QL 19 mới, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) từ năm 2020 - 2023 thành từ năm 2020 - 2024.

Tiếp đó, Ban Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết HĐND thuộc chức năng của Ban.

Tại cuộc họp, các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia thảo luận vào các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường thay thế tuyến đường Trần Phú, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, đại biểu Văn Thanh Gia (đơn vị Hoài Nhơn) cho rằng việc thi công tuyến đường này thực hiện quá chậm, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Qua tìm hiểu nguyên nhân là do biện pháp thi công của nhà thầu không đảm bảo. Cùng với đó là trong quá trình thi công phải điều chỉnh hướng tuyến, dẫn đến việc phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng...

 

Đại biểu Văn Thanh Gia (đơn vị Hoài Nhơn) cho rằng việc thi công tuyến đường thay thế tuyến đường Trần Phú, phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn) thực hiện quá chậm, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

“Đề nghị chủ đầu tư giải trình làm rõ việc chuẩn bị đầu tư dự án đã có chuẩn bị các bước từ công tác giải phóng mặt bằng đến dự kiến về mặt thời gian thi công, thời gian hoàn thành dự án hay không? Không thể chấp nhận dự án đầu tư kéo dài rồi lại đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện. Như vậy là không ổn!”, đại biểu Gia chất vấn.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) lo lắng trước việc các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị mới Long Vân (khu A2), phường Trần Quang Diệu; Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc khu nhà ở xã hội Nhơn Bình, phường Nhơn Bình và Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Đông chợ Dinh mới, phường Nhơn Bình phải điều chỉnh về thời gian thi công do còn vướng giải phóng mặt bằng một số hộ dân.

 

Đại biểu Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) lo lắng trước việc các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị mới Long Vân (khu A2), phường Trần Quang Diệu; Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc khu nhà ở xã hội Nhơn Bình...phải điều chỉnh về thời gian thi công do còn vướng giải phóng mặt bằng một số hộ dân.

“Quan điểm của tỉnh là lúc nào cũng “mở” trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân yên tâm di dời đến nơi tái định cư mới. Do vậy, chủ đầu tư phải hết sức quan tâm đến công tác này ngay từ khi triển khai dự án, chứ không thể làm từng bước, từng bước kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thành dự án”, ông Cường nói.

Còn đại biểu Phạm Hồng Sơn (đơn vị Quy Nhơn) tỏ ra bức xúc với tiến độ giải ngân của Dự án Khu vực 1, Khu Dân cư dọc QL 19 mới xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Theo đại biểu Sơn, dự án này có vốn đầu tư lớn nhưng đến 10.8.2023 khối lượng giải ngân chưa đạt 50%. Liệu sau khi gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2024 có giải ngân hết vốn giao?

 

Đại biểu Phạm Hồng Sơn (đơn vị Quy Nhơn) tỏ ra bức xúc với tiến độ giải ngân của Dự án Khu vực 1, Khu Dân cư dọc QL 19 mới xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước).

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi đã giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh. Theo ông Lê Hoàng Nghi, việc đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công liên quan đến 64 Dự án và một số dự án khác chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và phê duyệt lựa chọn nhà thầu hầu hết là các dự án thuộc nhóm C và mức thấp của nhóm C (mỗi dự án đầu tư khoảng trên dưới 10 tỷ đồng). Các dự án này thuộc Đề án về xây dựng cơ sở vật chất ngành GD&ĐT, Y tế và xây dựng trụ sở CA xã.

 

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi đã giải trình làm rõ các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.

“Các dự án này rất quan trọng, gắn liền với an sinh xã hội, nhu cầu bức thiết của người dân. Tuy nhiên, qua rà soát lại thì không thể không điều chỉnh vốn đầu tư vì không thanh toán được. Lý do các dự án này chưa lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án là việc cấp giấy chứng nhận bảo vệ môi trường đối với các công trình thuộc ngành Y tế kéo dài!” - ông Nghi nói.

Theo ông Nghi, theo phân cấp thì cấp sở cấp giấy chứng nhận bảo vệ môi trường nhưng công trình thì triển khai dưới xã, huyện nên thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kéo dài. Rồi các dự án khi triển khai vướng thủ tục cấp phép về PCCC, vướng quy hoạch mặt bằng xây dựng…

Đối với các ý kiến chất vấn của các đại biểu đề nghị cho biết, sau khi điều chỉnh đối với các dự án nhóm B có đảm bảo thời gian hoàn thành vào năm 2024, ông Lê Hoàng Nghi cho hay, trong số 5 dự án đề nghị điều chỉnh có 4 dự án chủ đầu tư có cam kết sẽ thực hiện đảm bảo theo yêu cầu. “Sở sẽ theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý đối với các chủ đầu tư thực hiện chậm”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới các nội dung trình tại kỳ họp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay nguồn vốn tỉnh quản lý trên 9.600 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 68,3% thuộc tốp đầu của cả nước. Trong đó, vốn trung ương giao 2.800 tỷ, tỉnh đã giải ngân được 79% (trung bình cả nước là 56%). Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, hiện đã giải ngân hơn 62,5%. Riêng nguồn vốn do cấp huyện quản lý (gồm tỉnh phân cấp cho huyện và ngân sách của huyện) hiện đã giải ngân đạt 45%. “UBND tỉnh làm rất kỹ, hàng quý đều nhắc nhở, yêu cầu các địa phương phân kỳ thực hiện nhưng việc giải ngân vẫn chậm. Chúng tôi không thể xuống làm thay trách nhiệm của huyện được, vì đây là trách nhiệm của huyện, lãnh đạo huyện phải vào cuộc để làm”, đồng chí Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chia sẻ rằng trong giải ngân vốn đầu tư công vừa phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề về các thủ tục, đặc biệt là chất lượng.

Để đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án đầu tư công trên địa bàn, đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết UBND tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công, có biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ; chấn chỉnh việc nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, sự điều hành của UBND tỉnh trong phát triển KT-XH nói chung và công tác đầu tư công nói riêng.

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, đồng chí Hồ Quốc Dũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và việc triển khai chuẩn bị đầu tư của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tốt. Dẫn chứng là có 64 dự án đến nay vẫn chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra, còn có nguyên nhân về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian. Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác.

“Hầu hết các dự án bị vướng, chậm đều liên quan đến cấp địa phương. Thực tế chỉ ra rằng ở địa phương nào mà người đứng đầu vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng thì sẽ có chuyển biến rõ nét. Điển hình là TP Quy Nhơn với việc di dời xóa các nhà rầm ở phường Hải Cảng, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ sông Hà Thanh (đoạn từ cầu Đôi đến cầu Hoa Lư) và dự án hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh. Lãnh đạo mà cứ chọn việc dễ để làm, việc khó để lại thì còn đâu là trách nhiệm với xã hội, với nhân dân, với cử tri đã bầu cho mình. Trên tinh thần đó, các địa phương phải thấy trách nhiệm của mình trong công tác này để xắn tay vào cuộc, không đẩy gánh nặng trách nhiệm lên cho tỉnh”, đồng chí Hồ Quốc Dũng lưu ý.

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương phải thấy trách nhiệm của mình trong công tác đầu tư công để xắn tay vào cuộc, không đẩy gánh nặng trách nhiệm lên cho tỉnh.

Để công tác đầu tư công đạt hiệu quả, đồng chí Hồ Quốc Dũng chỉ đạo, với các dự án đề nghị kéo dài sang năm 2024 nếu không triển khai thực hiện xong trong năm sẽ không cho kéo dài nữa. Đặc biệt, những công trình nào không có lý do chính đáng mà chủ đầu tư nào trình cơ quan thẩm quyền ký gia hạn thì các tập thể, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm và tỉnh sẽ cho thanh tra vào cuộc đối với các dự án này. UBND từ cấp tỉnh đến cấp xã phải rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư, các nhà thầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu nào làm chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng thì ngoài xử phạt, tỉnh sẽ không cho thực hiện các dự án tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Đối với các vướng mắc về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xây dựng bộ quy chuẩn hay mẫu rõ ràng, cụ thể về thủ tục hồ sơ về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và PCCC. “Nguồn vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 phải sử dụng hết trong năm nay, địa phương nào, chủ đầu tư nào không thực hiện được phải chịu trách nhiệm gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Các địa phương hạn chế tối đa việc trình để kéo dài vốn đầu tư công từ năm 2023 sang năm 2024. UBND tỉnh có phương án chuẩn bị kế hoạch cụ thể, chu đáo cho công tác đầu tư công cho nhiệm kỳ tới”, đồng chí Hồ Quốc Dũng kết luận.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây