Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, huyện An Lão tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, bám sát chương trình hành động của Huyện ủy, Nghị quyết HĐND, phát huy sự năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân; tạo đột phá, phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo duy nhất của tỉnh Bình Định vào năm 2025.
Từ Nghị quyết tới kế hoạch cụ thể
Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Định Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-HĐND về Chương trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm bình quân chung từ 1,5 - 2%/năm (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở huyện An Lão giảm bình quân trên 5%/năm.
Căn cứ vào Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, An Lão được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hỗ trợ đầu tư 20 công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng) và duy tu bảo dưỡng 2 công trình (hơn 1,7 tỷ đồng).
Nhằm góp sức giúp An Lão đạt được mục tiêu bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, Sở Du lịch, Sở Công thương và UBND huyện tuyên truyền cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về những mô hình giảm nghèo khả thi, hiệu quả. Bên cạnh đó, giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định hỗ trợ giao dịch việc làm và hỗ trợ kết nối việc làm (có giao kết hợp đồng lao động) cho người lao động sinh sống trên địa bàn huyện An Lão. UBND huyện An Lão còn được phân bổ 184 triệu đồng để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho 649 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thi hành) là 385 hộ. Năm 2023, dự kiến triển khai thực hiện xây mới và sửa chữa 150 hộ; năm 2024 là 150 hộ, năm 2025 thực hiện hỗ trợ cho 85 hộ còn lại.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Bà Lê Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện An Lão cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, An Lão là huyện nghèo duy nhất của Bình Định với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (36,13%). Cùng với Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 27/NQ-HĐND đã có tác động rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại huyện An Lão.
Là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện An Lão đã dựa trên cơ sở nghị quyết và các văn bản liên quan, tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 6% trở lên (theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ huyện). Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; đào tạo nghề nghiệp gắn với hỗ trợ tạo việc làm bền vững…
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, so với giai đoạn trước, việc xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo đã được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, hợp lý hơn nhiều. Bên cạnh lấy ý kiến của người dân, huyện còn thành lập các tổ đi về từng xã, đến từng nhà, khảo sát từng hộ để chắc chắn rằng hộ có đủ điều kiện triển khai mô hình. Người dân An Lão, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số, đã tích cực thay đổi cách nghĩ, cách làm, chủ động tổ chức lao động sản xuất, hướng đến thoát nghèo...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thoát nghèo vào cuối năm 2025, vẫn còn không ít khó khăn. Theo ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão, không ít hộ nghèo nặng tư tưởng ỷ lại. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân về chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, thoát cận nghèo, nhất là ở các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các hoạt động duy tu bảo dưỡng theo quy định… góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đặt ra.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn