Tiếp tục phát huy vai trò đại biểu HĐND

Thứ bảy - 16/09/2017 09:30
Phát biểu của ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QH TÒNG THỊ PHÓNG tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 2
Tiếp tục phát huy vai trò đại biểu HĐND

Việc phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu với Thường trực HĐND các tỉnh tổ chức các Hội nghị Thường trực HĐND khu vực là dịp để UBTVQH nắm bắt được tình hình thực hiện các quy định mới, hiểu được những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để HĐND các cấp hoạt động hiệu quả nhất. Tôi đánh giá cao chủ đề: Giải pháp tăng cường hiệu quả chất vấn, giải trình tại kỳ họp của HĐND và phiên họp Thường trực HĐND tỉnh mà các đồng chí đã thống nhất lựa chọn để trao đổi ngày hôm nay.

Qua theo dõi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình tại kỳ họp của HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND các địa phương thời gian qua, UBTVQH nhận thấy tuy còn một số khó khăn, vướng mắc từ quy định mới nhưng các địa phương đã chủ động đưa các hoạt động này trở thành một trong những nội dung trọng tâm của các kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND. Số lượng và chất lượng câu hỏi chất vấn tăng lên, đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm; đã kết hợp chất vấn với giám sát chuyên đề để tăng hiệu quả giám sát của HĐND; có địa phương sau khi kết thúc phiên chất vấn, trả lời chất vấn, giải trình đã ban hành nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để xem xét trách nhiệm cá nhân của người được chất vấn…

Các vấn đề chất vấn, giải trình luôn được cử tri và nhân dân địa phương quan tâm, thúc đẩy đại biểu HĐND lắng nghe, trăn trở với các vấn đề bức xúc, có tính thời sự, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri; đồng thời cũng giúp cho những người bị chất vấn, giải trình sẵn sàng chia sẻ, nhìn nhận, đánh giá các vấn đề đặt ra một cách chính xác, khách quan. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến tích cực, sự thống nhất chung trong nhận thức và hành động của chính quyền địa phương.

Thưa các đồng chí,

Sau một buổi làm việc nghiêm túc, dân chủ có nhiều ý kiến phát biểu cụ thể, tâm huyết, đề cập đến nhiều nội dung của chủ đề của Hội nghị ngày hôm nay, để góp phần cùng các đồng chí thống nhất thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn trong thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm một số nội dung sau:

Một là, hoạt động chất vấn và giải trình là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND. Các nội dung chất vấn, các vấn đề được chọn đưa ra giải trình phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế, việc thực hiện các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, được cử tri, nhân dân trong tỉnh quan tâm. Khi xem xét, lựa chọn vấn đề để chất vấn, giải trình, cần phải xem xét các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn và giải trình. Để từ đó, các đại biểu HĐND đặt các câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn, giải trình đúng vấn đề.

Hai là, cần xác định rõ mục đích của hoạt động chất vấn, giải trình là hướng đến xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với các cơ quan chịu sự giám sát của HĐND, sự thấu hiểu giữa các đại biểu HĐND với người trả lời chất vấn, giải trình. Khi đó, mỗi câu hỏi là một vấn đề được gợi mở, được tháo gỡ, đi đến cùng sự việc; mỗi câu trả lời là một phương án, một kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn, không vòng vo, né tránh. Việc chất vấn cần được tổ chức công khai, minh bạch, có truyền hình trực tiếp, trên cơ sở đó, HĐND, Thường trực HĐND có kết luận, có giải pháp cụ thể, sát thực tiễn nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc của vấn đề đang được chất vấn, giải trình.

Ba là, cần tiếp tục phát huy vai trò người đại biểu HĐND chính là những chủ thể quan trọng tại nghị trường, góp phần để chuyển hoạt động chất vấn, giải trình từ tham luận sang tranh luận. Vì vậy, đòi hỏi đại biểu phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, của địa phương, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri. Để từ đó, làm cho sức mạnh của quyền chất vấn, yêu cầu giải trình thành kết quả hiện thực; góp phần nâng cao chất lượng sống người dân và hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước.

Bốn là, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND đã quy định về việc ban hành Nghị quyết về chất vấn. Đây là công cụ pháp lý để HĐND, Thường trực HĐND thực hiện quyền giám sát của mình, có căn cứ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung đã chất vấn, giải trình.

Thưa các đồng chí,

Thông qua việc tham dự các Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực, được nghe các đồng chí thảo luận, chia sẻ, đề xuất ý kiến, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND cần tiếp tục trao đổi, làm rõ để thống nhất hướng giải quyết như: Tính hiệu lực của Nghị quyết 753/NQ - UBTVQH11 về Quy chế hoạt động của HĐND; rà soát tính hợp lý giữa các văn bản pháp luật; về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm những người do HĐND bầu; về bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND… Thay mặt UBTVQH, tôi và đồng chí Trưởng Ban Công tác đại biểu xin được tiếp thu và sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu, phối hợp với các đơn vị hữu quan nghiên cứu, đề xuất với UBTVQH, Chính phủ hướng giải quyết để tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND. Bảo đảm phát huy được vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương.

TUẤN NGUYÊN ghi
Theo daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây