KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ÐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25.8.1911 - 25.8.2021):

Thứ tư - 25/08/2021 07:57
Vị tướng giản dị mà vĩ đại

Cách đây 10 năm, khi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi (25.8.2011), người dân làng Thượng (Thái Nguyên) có những câu thơ mừng thọ: “Ðại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Ðức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai...”. Ðược người dân kính yêu và làm thơ mừng thọ, điều đó nói lên tài năng và đức độ của vị Ðại tướng giản dị mà vĩ đại.

Thiên tài quân sự
Những trang sử vinh quang của đất nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX luôn có dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập và cũng là người chỉ huy đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Tư liệu
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc chống ngoại xâm. Vào ngày 7.5.1994, đồng chí Võ Văn Kiệt  lúc đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã đọc lời chào mừng Đại tướng: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị, cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”.
Lời chào mừng đó cũng là lời chào mừng của toàn Đảng, toàn quân và dân ta đối với Đại tướng. Ngay cả những người đứng bên kia chiến tuyến như ký giả người Mỹ Donald S. Marshall cũng phải nhìn nhận: “Ông Giáp đã có một vị trí trong lịch sử thế giới qua việc lãnh đạo lực lượng Việt Minh đánh bại lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ”.
Không chỉ trận Điện Biên Phủ, lịch sử còn nhớ đến tên tuổi Đại tướng qua nhiều chiến công khác. Ký giả người Anh Piter Mac Donald viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “1944 đến 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm cho ông trở thành một trong những Thống soái lớn của tất cả các thời đại”.
Và người ta đã từng tìm cách lý giải cội nguồn nào đã giúp Đại tướng có được những phẩm chất phi thường để đi đến chiến thắng. Một trong những cội nguồn mang đến chiến thắng ấy chính là bề dày của văn hóa dân tộc trong Đại tướng, một con người văn võ song toàn. Ai cũng biết Đại tướng là người ham mê nghiên cứu, học tập, thông kim bác cổ, học tập các trước tác của những nhà lý luận Mác xít. Đồng thời, ông đã trân trọng học tập binh thư của tổ tiên, nghiên cứu binh thư của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Ông đã tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Tất cả những điều đó đã giúp Đại tướng tự bồi đắp cho mình một học vấn uyên thâm về quân sự. Từ điển Bách khoa toàn thư của Pháp viết: “Là người tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự Mác xít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp” .
Giản dị, gần gũi mà vĩ đại
Đại tướng luôn sống với các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và đó chính là điểm tựa tạo nên sức mạnh tinh thần cho dân tộc ta, tạo nên những kỳ tích thắng quân xâm lược trong thế kỷ XX.
Còn nhớ, khi Đại tướng gặp lại tướng McNamara năm 1997, khi McNamara thú nhận rằng Mỹ thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì không hiểu hết tinh thần yêu nước của người Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở kẻ thù cũ nên đọc bài Phú Chí Linh của Nguyễn Trãi để hiểu mong muốn của người Việt Nam luôn là “mở nền thái bình muôn thuở, tắt muôn đời chiến tranh”, để hiểu Việt Nam là một dân tộc có tinh thần bất khuất hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm nhưng rất mong muốn hòa bình.
Hàng chục năm liền, suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng là Tổng tư lệnh Quân đội. Ông là niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng luôn sống trong sự yêu quý, tôn kính của mọi người lính và ông cũng gắn bó với họ bằng cả tâm hồn mình. Đại tướng đã nói: “Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, là một Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng cho nên tôi rất tôn trọng người lính”.
Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ có cái uy của một danh tướng cầm quân làm mọi người lính nể phục, mà còn có cái ân tình của người lãnh đạo một quân đội “từ nhân dân mà ra”, luôn sống với truyền thống“tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” của dân tộc. Mọi chiến sĩ, mọi cán bộ Quân đội đều kính phục và yêu quý ông như người thân. Hơn ba mươi năm làm Tổng tư lệnh, năm mươi năm tham gia lãnh đạo đất nước ở cấp cao nhất, Đại tướng luôn sống như thế, giản dị, gần gũi mà vĩ đại. Cho nên, người dân Việt Nam, dù ở các thế hệ khác nhau đều yêu quý Đại tướng, dù Người đã đi vào cõi vĩnh hằng, đã thực sự trở thành bất tử trong lòng dân tộc.
 

Tác giả bài viết: VŨ TÙNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây