MỘT SỐ KẾT QUẢ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KINH TẾ VÀ NGÂN SÁCH HĐND TỈNH KHÓA XI, NHIỆM KỲ 2011 - 2016

Thứ bảy - 23/04/2016 01:09
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã bầu đủ số lượng 7 thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, trong đó một Trưởng ban hoạt động chuyên trách và 6 thành viên là đại biểu HĐND tỉnh kiêm nhiệm. Đến tháng 11/2014 bổ sung thêm một Phó Trưởng ban chuyên trách từ thành viên kiêm nhiệm. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo luật định và quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, trong nhiệm kỳ Ban Kinh tế và Ngân sách đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Một số kết quả như sau:
BanKT
BanKT

Về công tác thẩm tra và tham gia chuẩn bị kỳ họp HĐND tỉnh

Về tham gia chuẩn bị dự kiến chương trình kỳ họp HĐND tỉnh: Trưởng Ban, Phó Ban tham gia đầy đủ và tích cực với tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia, đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh về dự kiến chương trình kỳ họp, nhất là thống nhất với UBND tỉnh danh mục các báo cáo, tờ trình, đề án trên lĩnh vực kinh tế - ngân sách do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Về nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh: Đây là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của Ban. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Kinh tế và Ngân sách  HĐND tỉnh đã  thẩm tra 108 báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách như các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, về đầu tư phát triển, tài chính, ngân sách, các nghị quyết chuyên đề về quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường, các chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội... Tuy số lượng báo cáo thẩm tra được phân công cho Ban tại mỗi kỳ họp HĐND tỉnh khá nhiều, nhưng các thành viên Ban và chuyên viên giúp việc cố gắng thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục và thời gian quy định, chú trọng nâng cao chất lượng, trong đó thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của Ban, có tính phản biện, tạo được cơ sở cho đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận, góp phần vào việc nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và nguyện vọng của cử tri.

          Về thực hiện chức năng giám sát

          Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND tỉnh. Căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình giám sát, Ban đã chủ động thành lập đoàn giám sát, lập kế hoạch chi tiết cho các cuộc giám sát, khảo sát nhằm sắp xếp, bố trí thời gian, chuẩn bị tài liệu, thu thập thông tin, lựa chọn hình thức giám sát trực tiếp cơ quan, địa phương, đơn vị và giám sát gián tiếp qua báo cáo phù hợp với tình hình thực tế theo mỗi chuyên đề giám sát cho phù hợp với điều kiện thực tế; chấp hành nghiêm sự điều hòa, phối hợp của Thường trực HĐND với các Ban HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát không để trùng lắp về nội dung, thời gian và địa điểm giám sát. Luôn cố gắng, nỗ lực, chú trọng từng bước nâng cao về chất lượng trong thực hiện chức năng giám sát của mình

Trong nhiệm kỳ, Ban đã thực hiện được 9 chuyên đề giám sát giữahai kỳ họp trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách như: Giám sát “Việc thực hiện các quy định của Nhà nước đặc biệt là thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với các ngân sách trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản”; “Tiến độ thực hiện Dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn”; “Tình hình thực hiện quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”; “Tình hình quản lý và sử dụng vốn ngân sách dành cho khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2012”; “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của HĐNDtỉnh về việc quy định phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2011-2015 và các Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung”; “Việc giao dự toán ngân sách địa phương năm 2014; phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2014 theo Nghị quyết của HĐNDtỉnh và các khoản tạm ứng ngân sách tồn đọng trên địa bàn tỉnh”; “Tình hình thực hiện các chương trình khuyến công xúc tiến thương mại giai đoạn 2011-2013 trên địa bàn tỉnh”;"Tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 18/8/2011 của HĐND tỉnh"; "Tình hình triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại khu kinh tế; khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2015". Một số ý kiến đề xuất, kiến nghị của Ban qua giám sát đều được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết, được các ngành, địa phương, đơn vị tiếp nhận xử lý và được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về Kết quả thực hiện các kiến nghị qua giám sát của các Ban HĐND tỉnh, góp phần tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đánh giá chung

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 – 2016, Ban Kinh tế và Ngân sách đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ theo luật định;bám sát việc thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, các Quy chế phối hợp đã ký kết giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, các cấp, các ngành có liên quan;  chấp hành tốt sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh với các Ban HĐND tỉnh, nhất là trong hoạt động chuẩn bị nội dung kỳ họp, hoàn chỉnh nghị quyết kỳ họp HĐND tỉnh; công tác thẩm tra, giám sát…góp phần cùng với Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, từng bướcnâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quảhoạt động của HĐND tỉnh.

Một sốtồn tại, hạn chế

Nhìn chung, hoạt động của Ban còn hạn chế và khó khăn do đa số thành viên hầu hết là lãnh đạo các địa phương, đơn vị kiêm nhiệm. Một số báo cáo thẩm tra của Ban còn chưa sâu, tính phản biện và định hướng cho đại biểu HĐND tỉnh xem xét, trao đổi, thảo luận chưa cao. Tính độc lập chưa thể hiện rõ vì phần lớn phải dựa vào sự chuẩn bị chu đáo của cơ quan trình gửi một số tài liệu chưa đúng thời gian quy định; không có điều kiện đủ thời gian để khảo sát, thẩm tra các đề án, nội dung dự thảo các nghị quyết.Chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao, mới dừng ở hình thức chủ yếu nghe đơn vị báo cáo; cơ chế, phương thức giám sát chưa thực sự hiệu quả, thiếu sử dụng các chuyên gia am hiểu sâu trên lĩnh vực được giám sát. Công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị sau giám sát có lúc còn hạn chế.

Một số kinh nghiệm

          Từthực tiễn hoạt động nhiệm kỳ qua, Ban rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

          Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Ban. Mỗi thành viên Ban phải tự trau dồi, có kiến thức nhất định về lĩnh vực kinh tế và ngân sách, nắm vững các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan, nắm vững kỹ năng giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

          Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan trong việc thực hiện giám sát, thẩm tra. Tổ chức tốt các cuộc làm việc tại cơ sở nhất là những nơi có liên quan đến nội dung giám sát, thẩm tra nhằm nắm bắt thông tin, có cơ sở thực tiễn, đánh giá sát thực tế.

          Chú trọng nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, có tính phản biện cao hơn; đề xuất, kiến nghị phương án xử lý các ý kiến còn khác nhau để định hướng cho đại biểu HĐND tỉnh xem xét, trao đổi, thảo luận. Trong hoạt động giám sát cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Kết luận, kiến nghị giám sát cần chú trọng tính khách quan, cụ thể, rõ ràng; lựa chọn những kiến nghị, đề xuất mang tính giải pháp để giúp đơn vị được giám sát thấy được tồn tại, hạn chế (nếu có) cần khắc phục. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát.

Một số đề xuất, kiến nghị

Đề nghị HĐND tỉnhnhiệm kỳ 2016-2021cần tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó Ban Kinh tế - Ngân sách có Trưởng, Phó Ban hoạt động chuyên trách, có chế độ, chính sách tương xứng để động viên đại biểu hoạt động chuyên trách. Bên cạnh cơ cấu cần chú trọng chất lượng đại biểu tham gia thành viên Ban kiêm nhiệm có trình độ am hiểu tương đối sâu về nghiệp vụ, chuyên môn thuộc lĩnh vực Ban đảm nhiệm. Có cơ chế đảm bảo các thành viên Ban kiêm nhiệm dành thời gian hợp lý cho hoạt động của Ban, nghiên cứu tài liệu, đi cơ sở, tham gia tích cực các hoạt động giám sát, thẩm tra của Ban.Các thành viên của Ban được tham gia tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt độngđểgóp phần nâng cao chất lượng,hiệu quả hoạt động.

Trong nhiệm kỳ tới, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, có giải pháp đảm bảo việc chuẩn bị tài liệu trình kỳ họp HĐND tỉnh đúng thời gian quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm tra. Tiếp tục thực hiện việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về Kết quả thực hiện các kiến nghị qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh./.

Tác giả bài viết: Võ Thăng Long

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây