1. Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Căn cứ các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Bộ máy tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các cấp được hình thành, thành lập Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định giai đoạn 2010-2020, các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã được kịp thời củng cố, kiện toàn,phân công cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát.
Nhiều cơ chế, chính sách được UBND tỉnh ban hành có tác dụng thiết thực và trở thành động lực thúc đẩy tiến độ triển khai, như ưu tiên cân đối bố trí nguồn ngân sách đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; cơ chế huy động vốn, cho phép sử dụng 100% tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới; quy định mức phụ cấp đặc thù đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ Chương trình; ban hành Quy chế xét thi đua khen thưởng; quy định cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc Chương trình;phê duyệt định mức hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2014-2016; ban hành chính sách kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng; bê tông hóa giao thông nông thôn…
Công tác thông tin tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQVN, Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể thực hiệnbằng nhiều hình thức phong phú, liên tục, đa dạng cùng với việc phát động Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động đến sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực và động viên tinh thần của toàn xã hội đối với nông dân, nông thôn, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân trong xây dựng nông thôn mới nhất làđóng góp nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng.
Công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới được tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, chú trọng công tác khảo sát, đánh giá đúng thực trạng tình hình cơ sở hạ tầng, sản xuất, đời sống của các xã xây dựng nông thôn mới, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Quy hoạch được xác định là nội dung triển khai trước một bước để định hướng cho các xã xây dựng nông thôn mới và tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Kết quả, đến cuối năm 2012 có 100% số xã trong diện xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã hoàn thành đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới và từng bước rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng sơ bộ tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2014 trên địa bàn tỉnh đạt 2.757,997 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách các cấp 1.120,557 tỷ đồng chiếm 40,6%, bao gồm: vốn Trung ương 140,26 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 508,297 tỷ đồng (kể cả vốn vay ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện chính sách giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương của tỉnh); vốn ngân sách huyện, xã 472 tỷ đồng (kể cả vốn thực hiện chính sách giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương). Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 1.395,1 tỷ đồng, chiếm 50,6%.Vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác 33,1 tỷ đồng, chiếm 1,2%. Đóng góp của cộng đồng dân cư 209,24 tỷ đồng, chiếm 7,6% (bao gồm bằng tiền, ngày công, hiến đất, vật tư...).
Thực hiện cơ chếđầu tư đặc thùchủ yếu áp dụng đối với các công trình bê tông giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và xây dựng nhà văn hóa thôn…để giảm giá thành công trình và thực hiện phương châm “dân biết, dân làm, dân đóng góp, dân kiểm tra”. Đi đầu trong việc áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù hiện nay là xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơnđạt hiệu quả khá, bình quân 1 km giao thông nông thôn (không tính phần xi măng do tỉnh hỗ trợ) chí phí xây dựng giảm từ 35 - 40%; bình quân 01 km kênh mương chi phí xây dựng giảm từ 100-150 triệu đồng;bình quân chi phí xây dựng 01 nhà văn hóa giảm từ 110-120 triệu đồngso với thiết kế dự toán được phê duyệt.
Tính đến thời điểm Ban Kinh tế và Ngân sách giám sát, so với mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2015 phải hoàn thành xây dựng nông thôn mới 26 xã theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hiện đã có 7 xã đạt 19 tiêu chí được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND tỉnh khen thưởng, bao gồm các xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn),Phước An(Tuy Phước), Bình Nghi (Tây Sơn), Nhơn Lộc(An Nhơn),Cát Trinh (Phù Cát) và Mỹ Lộc, Mỹ Hiệp (Phù Mỹ). 19 xã còn lại, trong đó 17 xã đạt 15-18 tiêu chí, 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí.Số tiêu chí đạt bình quân/xã là 16,6 tiêu chí (tăng 10,1 tiêu chí so với cuối năm 2010).Hiện nay các ngành, các cấp đang tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thành các tiêu chí còn lại của 19 xã để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.
Tính chung 122 xã trong toàn tỉnh triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 và sau năm 2020, đến cuối năm 2014 số tiêu chí đạt bình quân/xã là 11,4 tiêu chí, tăng 6,2 tiêu chí so với cuối năm 2010 và cao hơn 1,4 tiêu chí so với bình quân chung cả nước (10 tiêu chí/xã). Nhìn chung, việc triển khai thực hiện để đạt thêm tiêu chí tại các xã xây dựng nông thôn mớiđược tăng lên theo từng năm. Trong đó, về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội có 48 xã đạt tiêu chí giao thông (tăng 42 xã), 53 xã đạt tiêu chí thủy lợi (tăng 43 xã), 42 xã đạt tiêu chí trường học (tăng 30 xã), 57 xã đạt tiêu chí y tế, (tăng 19 xã), 21 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tăng 20 xã),78 xã đạt tiêu chí giáo dục (tăng 55 xã), 77 xã đạt tiêu chí văn hóa (tăng 44 xã), 31xã đạt tiêu chí môi trường (tăng 24 xã), 63xã đạt tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị - xã hội (tăng 16 xã so cuối năm 2010).Đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 23 triệu đồng (tăng 11,5 triệu đồng so với cuối năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,87% (giảm 7,2% so với cuối năm 2010).
2. Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân:
- Tiến độ triển khai Chương trình nhìn chung còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu, nhất là so với mục tiêu cần đạt của giai đoạn 2011 – 2015 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh (hoàn thành 26 xã): Ngoài 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiến độ triển khai thực hiện để đạt được đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 19 xã còn lại phải phấn đấu đạt trong năm 2015 còn chậm; một số xã hiện vẫn chưa đạt một số tiêu chí quan trọng, khó và cần nguồn lực đầu tư lớn cũng như sự cố gắng trong tổ chức thực hiện như tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, hộ nghèo, môi trường...Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020 và sau năm 2020 chưa quan tâm xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm đối với các tiêu chí nông thôn mới.
- Nguồn lực Trung ương, của tỉnh và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp nhiều so với yêu cầu thực tế.Thiếu cơ chế lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn để phục vụ xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương chưa chủ động bố trí nguồn vốn của huyện, xã theo quy định để lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh thực hiện Chương trình; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư hỗ trợ của cấp trên.Từ năm 2014 trở về trước, nguồn thu ngân sách từ đấu giá đất của các xã xây dựng nông thôn mới còn khó khăn do ảnh hưởng chính sách về sử dụng đất lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ.
- Công tác tuyên truyền, vận động mặc dù được triển khai khá đồng bộ trên địa bàn, nhưng nhìn chung một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả thấp, mức độ đồng thuận và đóng góp xây dựng nông thôn mới chưa cao. Việc huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, doanh nghiệp và con em quê hương chưa nhiều..
- Nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập cho người dân còn hạn chế.Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôncó giảm nhưng vẫn cao, thu nhập và mức sống của nông dân còn khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn chưa được giải quyết có hiệu quả, năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế; chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên công tác tham mưu, tổng hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện chương trình còn hạn chế.Bộ máy chuyên trách thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp chưa được kiện toàn theo Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp.
Nguyên nhân là:
- Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn các xã đều có điểm xuất phát thấp, nhất là kết cấu hạ tầngkinh tế - xã hội.Yêu cầu của các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là khá cao, nhiều tiêu chí chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, địa phương.Việc quy hoạch sản xuất vùng chuyên canh nông nghiệp, công tác dồn điền đổi thửa gặp khó khăn.
- Trình độ dân trí ở nông thôn từng bước đã được nâng cao, nhưng nhận thức, tự giác của người dân trong xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thật sự đồng đều. Thu nhập của người dân ở các địa phương có sự chênh lệch nhau, nên việc vận động người dân đóng góp gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những địa phương người dân có thu nhập thấp.
- Kế hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm và cả giai đoạn của các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 chưa rõ ràng; do đó bố trí lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới hàng năm trên địa bàn như: vốn TPCP, chương trình bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương chưa thật sự phù hợp.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh có một số kiến nghị với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của tỉnh và các địa phương nhưsau:
- Trong kế hoạch phân bổ vốn hằng năm từ ngân sách, cần tiếp tục tập trung ưu tiên vốn đầu tư, lồng ghép vốn các chương trình, dự án về xây dựng nông thôn mới, tăng nguồn vốn phát triển sản xuất cho phù hợp. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực, bố trí lồng ghép các dự án đang triển khai trên địa bàn, tăng cường công tác kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các thành phần kinh tế cùng tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới; tránh tư tưởng chỉ trông chờ vào nguồn lực nhà nước. Tập trung đầu tư các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015.
- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh đẩy mạnh phong trào thi đua ‘‘Chung sức xây dựng nông thôn mới’’;tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới sâu rộng, có hiệu quả hơn trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; kịp thời phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến ra diện rộng, khen thưởng các xã làm tốt; tuyên dương, động viên kịp thời những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường hơn nữa các biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện; xây dựng cụ thể Kế hoạch và giải pháp để thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới 19 xã trong năm 2015; tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2016 – 2020. Chú trọng rà soát kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp. Các thành viên Ban chỉ đạo các cấp, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, bám sát địa phương, cơ sở được phân công theo dõi để hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, vận dụng sáng tạo các văn bản hướng dẫn về xây dựng nông thôn mới của Trung ương và của tỉnh vào thực tiễn địa phương cho phù hợp,giúp đỡ các xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiệnxây dựng nông thôn mới.
- Xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh rà soát, đề xuất bổ sung thêm các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao để nhân rộng. Xem xét ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù trong xây dựng nông thôn mới đối với các xã đặc biệt khó khăn, hải đảo, xã nghèo 30a,...tạo điều kiện về nguồn lực để các xã thực hiện Chương trình.
-Tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác nông thôn mới kịp thời để quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương có hiệu quả. Xem xét kiện toàn bộ máy chuyên trách xây dựng nông thôn mới các cấp theo quy định tại Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ./.
Tác giả bài viết: Võ Thăng Long
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn