KẾT QUẢ GIÁM SÁT “CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG, CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TỪ NĂM 2020-2022”
Thứ hai - 25/09/2023 15:45
Thực hiện Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2023 Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến 2022”.
Qua xem xét báo cáo và tiến hành làm việc với Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, UBND thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Cát cho thấy: Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Chỉ thị về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; các văn bản chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân; dịp Lễ Quốc khánh 02/9 và đầu năm học mới...; UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT và tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, quá tốc độ, quá tải, quá khổ, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Công an tỉnh cũng đã chủ động mở 12 đợt cao điểm, 16 chuyên đề chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai việc chấp hành pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và sâu rộng, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.
Các cấp, các ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho cán bộ và nhân dân. Tổ chức tuyên truyền ngoại khóa ATGT cho học sinh, giáo viên, hội viên Hội phụ nữ; Hội nông dân, đoàn viên Đoàn thanh niên… Tuyên truyền đảm bảo bình yên sông nước, nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân của người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh xảy ra các sự cố, tai nạn.
Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức 74.065 ca tuần tra kiểm soát với các hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông và tuần tra kiểm soát lưu động, tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ, chạy quá tốc độ quy định, điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn, chở quá trọng tải, quá số người quy định...
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát trực tiếp tại Công an tỉnh
Kết quả qua tuần tra kiểm soát đường bộ, Công an tỉnh đã phát hiện xử lý 182.419 trường hợp vi phạm, tạm giữ 29.171 lượt phương tiện, ra quyết định xử phạt 178.110 trường hợp, phạt tiền 165.162.722.000 đồng. Đồng thời, qua hệ thống camera giám sát đã thông báo 21.162 trường hợp vi phạm, xử lý 4.320 trường hợp, phạt tiền hơn 14.661.600.000 đồng. Trên đường sắt, Công an tỉnh đã tổ chức 421 ca, 1.156 lượt kiểm tra, lập biên bản xử lý 761 trường hợp phạt tiền 1.469.750.000 đồng đối với trường hợp phương tiện giao thông đường bộ vi phạm ATGT làm ảnh hưởng công tác bảo đảm TTATGT các tuyến đường sắt. Trên đường thủy nội địa đã tổ chức 2.146 ca, 7.692 lượt tham gia tuần tra, kiểm soát, tập trung các tuyến trọng điểm, như: Tuyến Hàm Tử - Hải Minh, các tuyến xuất phát từ trung tâm thành phố Quy Nhơn đi các xã Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, các tuyến trên Đầm Thị Nại thuộc địa thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước… Qua đó, đã phát hiện lập biên bản vi phạm 303 trường hợp, phạt tiền 322.750.000 đồng; lập biên bản, đình chỉ hoạt động 04 bến đò hoạt động vận chuyển khách không phép, 15 phương tiện cano chở khách hoạt động sai vùng, 50 phương tiện mô tô nước không đảm bảo hoạt động theo quy định. Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản xử phạt 3723 trường hợp, số tiền xử phạt 8,407 tỷ đồng đối với đường bộ; 05 trường hợp, số tiền xử phạt 10,9 triệu đồng đối với đường thủy. Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phương tiện thủy nội địa hạng 3: 01 trường hợp. Qua theo dõi, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Sở Giao thông vận tải Bình Định đã thu hồi 191 phù hiệu xe ô tô do vi phạm tốc độ; 09 giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do không hoạt động liên tục 06 tháng.
Quá trình thanh tra, tuần tra, kiểm soát được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát, đã kết hợp sử dụng các phương tiện kỹ thuật, như máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn, cân trọng tải xe... Việc tuần tra, kiểm soát, phát hiện vi phạm được kết hợp giữa tuần tra lưu động và kiểm soát tại một điểm; kiểm tra nồng độ cồn được kết hợp với tuần tra kiểm soát, xử lý sử dụng chất ma túy, chất kích thích khác. Nhìn chung hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng được thực hiện hiệu quả, đảm bảo giao thông đường bộ, hành lang giao thông trên địa bàn tỉnh thông thoáng, an toàn. Việc xử phạt tiền và áp dụng các biện pháp cưỡng chế kịp thời đã có tác dụng giáo dục răn đe nhất định, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Ngoài ra, đã ban hành các quyết định kiểm tra và kiểm tra đột xuất việc việc chấp hành các quy định trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đường bộ đối với các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ trên địa bàn nhằm sớm phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm tại các đơn vị.
Trên địa bàn tỉnh có 06 cơ sở đào tạo lái xe (trong đó, có 02 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 04 cơ sở đào tạo lái xe cả ô tô và mô tô) với tổng lưu lượng đào tạo khoảng 6.000 học viên; 07 trung tâm sát hạch lái xe (trong đó, có 01 trung tâm loại 1, 04 trung tâm loại 2 và 02 trung tâm loại 3) đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người dân. Kết quả thực hiện công tác cấp mới 92.787 giấy phép lái xe, cấp đổi, cấp lại, 38.702 giấy phép lái xe. Tất cả các kỳ sát hạch lái xe do Sở Giao thông - Vận tải tổ chức đều được thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động, toàn bộ quá trình sát hạch được công khai qua hệ thống camera giám sát và các màn hình hiển thị của trung tâm; thí sinh thực hiện bài sát hạch trên các thiết bị kiểm tra, báo lỗi và chấm điểm tự động; kết quả sát hạch được hệ thống in tự động và hiển thị công khai trên màn hình và hệ thống âm thanh, đảm bảo công khai, minh bạch.
Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh: Theo thống kê, trong kỳ đã xảy ra 194 vụ cháy, làm chết 03 người, bị thương 01 người, gây thiệt hại 319,156 tỷ đồng và 6,62 ha rừng; xảy ra 56 vụ sự cố, tai nạn, làm chết 50 người, bị thương 43 người, 01 người mất tích; nổ không xảy ra. Năm 2020: Xảy ra 73 vụ cháy, làm chết 03 người, bị thương 01 người, thiệt hại tài sản ước tính 107,617 tỷ đồng và 5,02 ha rừng. Năm 2021: Xảy ra 86 vụ cháy, thiệt hại tài sản ước tính 91,617 tỷ đồng và khoảng 0,6 ha rừng, tăng so cùng kỳ năm 2020 (13 vụ), số người chết giảm 03 người, số người bị thương giảm 01 người, thiệt hại về tài sản giảm 16 tỷ đồng. Năm 2022: Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 119,922 tỷ đồng và 01 ha rừng; có 04 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản ước tính khoảng 111,2 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong 2 năm qua đã tổ chức thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với 6.159 lượt cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Qua kiểm tra, đã phát hiện, kiến nghị cơ sở khắc phục 17.161 thiếu sót, tồn tại về PCCC. Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực PCCC đối với 243 trường hợp, số tiền 6.080.250.000 đồng; cảnh cáo 01 trường hợp; tạm đình chỉ 32 trường hợp; đình chỉ 23 trường hợp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với 10 trường hợp. Qua đó, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để khắc phục, yêu cầu các cơ sở phải thực hiện đúng, đủ các quy định, quy chuẩn PCCC hiện hành của Nhà nước..., góp phần tích cực giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy và chữa cháy còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế: Công tác tham mưu giải quyết điểm phức tạp ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là trong xử lý khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; công tác đấu tranh trấn áp tội phạm chưa đủ mạnh, nhiều nơi chưa có chiều sâu, chưa phát động và phát huy rộng rãi vai trò của quần chúng nhân dân. Tình trạng vi phạm trong kinh doanh vận tải như sử dụng xe hợp đồng, du lịch “trá hình”, xe chạy sai luồng tuyến, cạnh tranh không lành mạnh gây mất trật tự, an toàn giao thông vẫn còn. Trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến xảy ra một số vụ việc phức tạp. Tình trạng vi phạm các quy định về PCCC còn phổ biến ở một số lĩnh vực, cơ sở, khu dân cư, gây mất an toàn PCCC. Điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như giao thông, nguồn nước, phương tiện phục vụ chữa cháy ở nhiều cơ sở, khu dân cư còn hạn chế, tồn tại, chưa trang bị dụng cụ phương tiện PCCC, chưa đảm bảo cho việc tiếp cận, triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng sự phát triển của phương tiện tham gia giao thông; biên chế của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải chưa đảm bảo với tình hình thực tế công việc; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, xử lý vi phạm, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân khi tham gia giao thông còn hạn chế; những hành vi vi phạm ở giới trẻ, tầng lớp thanh thiếu niên còn diễn ra phổ biến nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Trên cơ sở giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương một số nội dung sau: (1) Chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành xây dựng thống nhất kế hoạch, phương án PCCC, CNCH hằng năm và quy định cấp có thẩm quyền phê duyệt; có kế hoạch tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy mô lớn định kỳ, có sự phối hợp của nhiều lực lượng đối với các cơ sở trọng điểm, nguy hiểm cháy, nổ cao. (2) Chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát bổ sung các biển báo giao thông, nhất là các biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông; xây dựng bổ sung các gờ giảm tốc độ trên các tuyến đường tại các điểm giao cắt với quốc lộ; quy hoạch bổ sung các điểm dừng, đỗ xe, nhất là ở các tuyến đường trong khu vực đô thị. (3) Tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các khu chợ, trung tâm thương mại; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành quy định về phòng chống cháy nổ. Đổi mới công tác tuyên truyền về an toàn phòng cháy và chữa cháy; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tỉnh để đầu tư mua trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Duy trì nghiêm túc hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở, các lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị và dân phố, dân phòng. (4) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; tăng cường kiểm tra ngăn chặn vi phạm về tải trọng ngay tại các bến bãi bốc xếp hàng hóa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông, công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các phương tiện tham gia giao thông./.
Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh