Sáu tháng đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, quản lý cư trú, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trực tiếp ban hành các chỉ thị, kế hoạch, chuyên đề chuyên sâu trong công tác phòng, chống tội phạm theo các đợt cao điểm, các lĩnh vực trọng tâm. Ban Chỉ đạo 138 từ cấp tỉnh đến cấp xã được củng cố, kiện toàn thường xuyên, phân công nhiệm vụ cụ thể, hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo các cấp ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu trong tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các loại tệ nạn xã hội. Công an tỉnh với vai trò nòng cốt, chủ công đã tập trung giải quyết tốt các vấn đề mới, vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự. Đáng chú ý từ ngày 20/5/2023, Công an tỉnh đã tổ chức 11 Tổ chuyên đề, 13 Tổ công tác “đặc biệt” (Tổ 1155) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tất cả các tuyến, địa bàn, tập trung giờ cao điểm, ban đêm với 150 cán bộ, chiến sỹ thường trực, do lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông chủ công, lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát ma túy phối hợp, thực hiện đến hết năm 2023.
Tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, nổi lên là các tội phạm sử dụng mạng xã hội để mua bán ma túy, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lãnh đạo Công an tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp nắm tình hình, xử lý tin báo và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung lực lượng giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp. Đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo tính thiết thực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không để bị động, bất ngờ. Hầu hết các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều được kiềm chế, kéo giảm. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy, môi trường được phát hiện, xử lý nhiều hơn. Ngoài ra, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp và quản lý Căn cước công dân; hỗ trợ người dân ttrong việc xác nhận về hộ khẩu trong giải quyết các thủ tục hành chính khi chấm dứt việc không sử dụng hộ khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, bất cập khi thực hiện các quy định mới của pháp luật về tiêu chí phòng cháy, chữa cháy.
Công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: Tổng số tin thụ lý là 1.352 tin, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 195 tin (trong đó tiếp nhận mới: 1.051 tin); đã giải quyết 989/1.352 tin, đạt tỷ lệ 73,2%.
Công tác điều tra, xử lý tội phạm; truy nã, truy tìm: Tổng số án thụ lý trong kỳ là 1.167 vụ với 1.984 bị can; trong đó khởi tố mới 618 vụ với 1.181 bị can, tăng 302 bị can, 167 vụ so với cùng kỳ năm 2022; kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 465 vụ - 1.105 bị can; đình chỉ điều tra 18 vụ - 39 bị can; tạm đình chỉ điều tra 194 vụ - 30 bị can; hiện đang điều tra 490 vụ - 810 bị can đang trong thời hạn quy định pháp luật; đã bắt, vận động đầu thú 55 đối tượng truy nã.
Công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội: Trong kỳ, xảy ra 343 vụ phạm tội về trật tự xã hội; trong đó có 16 loại tội phạm tăng, 15 loại tội phạm giảm, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 53 vụ; điều tra khám phá 293/343 vụ (đạt tỷ lệ 85,4%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao); bắt, xử lý 620 đối tượng.
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, chức vụ: Phát hiện, xử lý 127 vụ vi phạm, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 37 vụ. Đã khởi tố 14 vụ - 27 bị can, xử lý vi phạm hành chính 77 vụ, phạt trên 01 tỷ đồng đối với 84 cá nhân, 07 tổ chức vi phạm; ra quyết định tịch thu hàng hoá là tang vật vi phạm hành chính không xác định chủ sở hữu 07 vụ, với tổng giá trị hàng hoá tịch thu hơn 83 triệu đồng; chuyển các đơn vị khác xử lý theo thẩm quyền 52 vụ. Trong kỳ không có án tham nhũng khởi tố mới.
Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường: Phát hiện 107 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 57 vụ), xác lập tin báo, xử lý án 03 vụ trên lĩnh vực an toàn thực phẩm, xử lý vi phạm hành chính 100 vụ, phạt tiền hơn 1,37 tỷ đồng đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy: Khởi tố mới 90 vụ - 207 bị can, tăng 35 vụ so với cùng kỳ năm 2022; thu giữ hơn 723,748 gam ma tuý tổng hợp, 3,7259 gam Heroin.
Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội: Toàn tỉnh đã thu nhận 96.896 hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân; cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2: 207.872 trường hợp. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo nghiêm cấm hành vi yêu cầu công dân: xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và nộp thành phần hồ sơ là căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính; đồng thời hướng dẫn khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (viết tắt PCCC và CNCH): Trong kỳ, xảy ra 15 vụ cháy, làm 01 người chết, 01 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 12 tỷ đồng và 1,1 ha rừng; đã điều tra làm rõ 04/15 vụ cháy. Xảy ra 11 vụ sự cố, tai nạn, làm chết 09 người, bị thương 10 người. Qua đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, trên địa bàn tỉnh có 93 công trình còn tồn tại liên quan đến thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, Công an tỉnh đã hướng dẫn hoàn thành khắc phục 15/93 công trình, 02 công trình đang khắc phục. Hiện trên địa bàn tỉnh có 421 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Quá trình kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, đã hướng dẫn 47/421 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC; hướng dẫn 119 cơ sở phương án khắc phục. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, ngày 28/4/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 2692/UBND-KT kiến nghị Bộ Công an và Bộ Xây dựng có giải pháp khắc phục, nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời.
Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông: Đã xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 41 người, bị thương 46 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 11 vụ, giảm 25 người chết, giảm 03 người bị thương. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các tuyến, cụ thể: Trên tuyến đường bộ: Phát hiện 27.055 trường hợp vi phạm, tạm giữ 6.530 phương tiện, tước giấy phép lái xe 4.088 trường hợp; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 44,4 tỷ đồng. Trên tuyến đường sắt: Phát hiện, lập biên bản 105 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 203 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 53 trường hợp (chủ yếu là vi phạm của các phương tiện giao thông đường bộ tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt). Trên tuyến đường thủy nội địa: Phát hiện, lập biên bản, xử lý 07 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6,7 triệu đồng. Phối hợp Thanh tra Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, Đồn Đề Gi, Tam Quan phát hiện lập biên bản xử lý 16 trường hợp; phạt tiền 39 triệu đồng.
Qua kết quả các mặt công tác nêu trên, cho thấy 6 tháng đầu năm 2023, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự quan tâm, hướng dẫn, phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương mà trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp Nhân dân đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo tính thiết thực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không để bị động, bất ngờ. Hầu hết các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều được kiềm chế, kéo giảm như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy, môi trường được phát hiện, xử lý nhiều hơn. Công tác quản lý, giáo dục các loại đối tượng tại cơ sở được quan tâm, tăng cường; số đối tượng trong diện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định đạt tỷ lệ 58,8%. Công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ luôn được soát xét, kiểm tra, khắc phục thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng sơ hở để gây án. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công tác cấp, quản lý căn cước công dân; đã chia sẻ, khai thác được cơ sở dữ liệu dùng chung, hướng tới chuyển đổi số quốc gia theo đúng mục tiêu, yêu cầu. Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, an toàn PCCC đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở cơ sở; nhân rộng nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào đấu tranh, tố giác tội phạm. Công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ ổn định về an ninh, trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm, tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau gây rối trật tự công cộng và các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội gây bức xúc trong nhân dân nhưng hiệu quả xử lý chưa được nâng cao; hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn. Công tác quản lý hành chính về lưu trú vẫn còn một số hạn chế nên chưa phát hiện kip thời các đối tượng từ nơi khác đến gây án.
Qua theo dõi báo cáo tình hình phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã kiến nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường các biện pháp đấu tranh, xử lý các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm gây bức xúc trong nhân dân như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, cho vay lãi nặng, mua bán, tàng trữ, sử dụng các chất gây nghiện. Tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm soát lưu trú để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và củng cố, phát huy hiệu quả các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc./.