Giám sát tình hình triển khai, thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022
Thứ hai - 25/09/2023 15:38
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của HĐND tỉnh; Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề việc triển khai, thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022.
Căn cứ Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; toàn tỉnh hiện có 122 người được bầu chọn là người có uy tín thuộc 06 huyện, (Vân Canh (28 người), Vĩnh Thạnh (32 người), An Lão (40 người), Hoài Ân (13 người), Tây Sơn (7 người), Phù Cát (2 người); trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành 03 Quyết định liên quan đến chế độ, chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Ban Dân tộc thuộc UBND tỉnh đã phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương liên quan thực hiện việc rà soát bình chọn, công nhận người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2023 – 2027, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2027.
Qua giám sát, việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín đã đạt được kết quả như:
(1). Việc thực hiện lựa chọn bầu người có uy tín được các địa phương trong tỉnh thực hiện cơ bản đúng quy định. Hằng năm căn cứ hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh các địa phương chỉ đạo rà soát, bầu bổ sung, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đúng thành phần và các tiêu chí theo quy định. Thành phần người có uy tín chủ yếu là: Già làng, trưởng thôn, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên. Kết quả bình chọn người có uy tín trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 122 người, trong đó: Số người uy tín thay thế, bổ sung trong năm 12 người (huyện Vân Canh 08 người, huyện Hoài Ân 04 người); thành phần dân tộc: Chăm Hroi 12 người, Bana 71 người, Hre 39 người; thành phần người uy tín: Già làng 40 người, trưởng thôn và tương đương 08 người, cán bộ hưu trí 27 người, thầy cúng 06 người, người sản xuất giỏi 09 người, đảng viên 69 người và thành phần khác 22 người; Giai đoạn 2023 - 2027: Số lượng người có uy tín là 121 người (giảm 01 người so với giai đoạn 2018 – 2022).
(2). Việc cung cấp thông tin cho người uy tín được đảm bảo, đã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cung cấp thông tin cho 120 người có uy tín của các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn. Cấp báo cho 122 người có uy tín trên địa bàn tỉnh: Báo Dân tộc & Phát triển (mỗi tuần 2 tờ/người); Báo Bình Định (báo phát hàng ngày/người). Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên cho 25 người tham gia; thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho 61 người uy tín gặp khó khăn do thiên tai; hỗ trợ 03 người uy tín ốm đau.
(3). Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực phát huy vai trò của mình trong việc vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng dân cư; tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; thường xuyên duy trì, giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người có uy tín đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hầu hết người có uy tín đều tích cực, chủ động tham gia các hoạt động tại địa phương; luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ; tham gia hòa giải thành công nhiều vụ như tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, tham gia hòa giải các vụ việc xảy ra tại địa phương, thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương tại làng, tuyên truyền, vận động gia đình, bà con trong thôn cùng nhau tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; tích cực nhận khoán rừng để bảo vệ, quản lý, vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc: Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, những người có uy tín đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát tiển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp; tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người dân tham gia các tổ chức đoàn thể, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tại cơ sở.
Người có uy tín tích cực vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hưởng ứng thực hiện phong trào xoá nhà tạm, nhà ở đơn sơ, dột nát; chấp hành pháp luật; thực hiện văn minh trong tiệc cưới, tang, lễ hội; đồng thời tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư như khiếu kiện, tranh chấp đất đai, nạn tảo hôn, tự tử, mê tín dị đoan,...
Có được những kết quả trên là nhờ có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện chính sách. Chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách trên địa bàn; hướng dẫn các địa phương thực hiện lựa chọn bình bầu người có uy tín đảm bảo đúng các tiêu chí theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tốt các chế độ chính sách như cung cấp thông tin cho người có uy tín, tạo điều kiện để người có uy tín có cơ hội đi thăm quan học tập kinh nghiệm, tập huấn để nâng cao năng lực, được thăm hỏi động viên, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho người uy tín gặp khó khăn do thiên tai,...
Thông qua việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với người uy tín đã góp phần khuyến khích động viên kịp thời tinh thần người uy tín. Từ đó giúp cho người có uy tín tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; gương mẫu đi đầu, là tấm gương để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, bản noi theo, tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân thay đổi các tập quán lạc hậu trong ma chay và cưới xin; tích cực trong công tác hòa giải, đối nhân xử thế của mỗi thành viên trong cộng đồng; bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; giữ gìn an ninh trật tự... góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc lựa chọn, công nhận và thực hiện chính sách đối với người có uy tín còn một số tồn tại: (1) Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy hết vai trò, vị trí của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phát huy vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương; chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ người có uy tín như chưa kịp thời báo cáo cho UBND cấp huyện, cấp tỉnh để thăm hỏi, động viên người có uy tín khi ốm đau, qua đời; (2) Chưa có hướng dẫn thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo chính sách đặc thù của tỉnh được quy định tại Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh Bình Định Quy định một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định; (3) Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường lớn tuổi nên khả năng đọc báo, tạp chí có phần hạn chế; (4) Việc quy định bình chọn người có uy tín vẫn còn nhiều bất cập như quy định về thành phần, số lượng, cụ thể như sau: “Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn 01 người có uy tín”, nhiều thôn, làng có nhiều cán bộ, công chức về hưu có trình độ, uy tín thì cũng chỉ chọn được 01 người/thôn (làng); (5) Việc quy định thủ tục hành chính công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa phù hợp thực tế, vì thực hiện đối với người có uy tín nhưng không do cá nhân từng người uy tín trực tiếp thực hiện mà do UBND xã, huyện thực hiện và công nhận bằng quyết định hành chính của UBND tỉnh, mặt khác uy tín của người có uy tín là do cộng đồng, tín nhiệm suy tôn, không phụ thuộc vào quyết định công nhận; (6) Một số chế độ, chính sách đối với người có uy tín còn bất cập như: Cấp xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, nhưng Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không bố trí kinh phí và quy định cấp xã được thực hiện thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín; cùng đối tượng là người có uy tín, nhưng người có uy tín sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trong khi đó những người có uy tín sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa được hưởng chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Để thực hiện việc lựa chọn, công nhận và thực hiện chính sách đối với người có uy tín đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới, Đoàn Giám sát đề nghị: (1) UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: Quy định bình chọn người có uy tín ở mỗi thôn, làng, khu phố và tương đương ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không quá 02 người uy tín/thôn (Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định); bỏ quy định thủ tục hành chính đối với người có uy tín; bố trí kinh phí và quy định cấp xã được thực hiện thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín khó khăn; (2) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ cho người có uy tín theo Nghị quyết số 39/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh; (3) Xem xét trang bị phương tiện nghe nhìn phù hợp (như Radio) cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao năng lực, khả năng tiếp nhận thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; (4) Chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín; rà soát bổ sung, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín còn hạn chế về năng lực, không phát huy được vai trò tại cộng đồng dân cư; tăng cường hoạt động gặp mặt, trao đổi với đội ngũ người có uy tín. Chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín thường xuyên được thăm quan, học hỏi kinh nghiệm; (5) Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền cấp xã với người có uy tín trong việc tiếp cận thông tin và tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi các tập quán lạc hậu, mê tín./.
Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh