Chính sách đầu tư công trình thủy lợi, nước sinh hoạt: Tạo cú hích cho các huyện miền núi phát triển

Thứ tư - 20/04/2022 08:01
Chính sách đầu tư các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt giai đoạn 2019 - 2021 đã góp phần giúp các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Hiệu quả từ những công trình
Theo UBND các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, trong giai đoạn 2019 - 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án, đề án của Trung ương và tỉnh, nhiều công trình thủy lợi, nước sạch được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Đời sống nhân dân An Lão còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Thời gian qua, nhờ thụ hưởng chính sách đầu tư các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt mà địa phương có điều kiện từng bước nâng cấp, sửa chữa các công trình, phục vụ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.
Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát hiệu quả đầu tư công trình hồ chứa nước Suối Mây, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh). Ảnh: N.HÂN
Theo thống kê, trong 3 năm 2019 - 2021, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình kiên cố hóa kênh mương và cấp nước sạch, UBND huyện An Lão đã đầu tư hơn 38 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa 65 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Qua đó, đã bê tông hóa 28 km kênh mương, nâng cấp 2 hồ chứa nước Hưng Long và Hóc Tranh, đảm bảo nước tưới cho 523 ha lúa và hoa màu.
Huyện cũng đã kiên cố hóa 7 tuyến đê, kè, với chiều dài hơn 4 km, bảo vệ các khu dân cư thuộc các xã An Dũng, An Tân, An Hòa và thị trấn An Lão. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường ống, bể lắng lọc, đập dâng nước đầu nguồn 10 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phục vụ nước sinh hoạt ổn định cho hơn 1.285 hộ dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện An Lão đã có 6 hồ chứa, 264 đập dâng, 14 km đê, kè và 198 km kênh mương thủy lợi được đầu tư nâng cấp, đảm bảo phục vụ tưới cho 2.100 ha lúa và hoa màu hằng năm. Toàn huyện đã đầu tư 51 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ gia đình ở địa phương.
Còn tại huyện Vân Canh, trong giai đoạn 2019 - 2021, từ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, huyện đã đầu tư hơn 24,3 tỷ đồng nâng cấp 7 tuyến kè dọc sông Hà Thanh với tổng chiều dài khoảng 4 km; kiên cố hóa 8,55 km kênh mương; sửa chữa hồ chứa nước Suối Mây và 4 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng… Đến nay, trên địa bàn huyện đã kiên cố 10,3 km bờ kè, hơn 89 km kênh mương, đáp ứng việc tưới chủ động cho 570 ha đất sản xuất. Xây dựng 19 công trình cấp nước tập trung quy mô nhỏ và vừa, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, phấn khởi cho hay: Cuối năm 2021, hồ chứa nước Suối Mây được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp hoàn thiện đưa vào sử dụng, với dung tích 80.000 m3, đảm bảo nước tưới cho hơn 6 ha ruộng lúa và cấp nước sinh hoạt cho 70 hộ dân trong vùng. Hồ chứa này được nâng cấp đưa vào sử dụng đã phát huy công dụng, đáp ứng được sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân. Vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, nhờ nguồn nước tưới ổn định của hồ Suối Mây, bà con có điều kiện canh tác lúa, hoa màu, đảm bảo cuộc sống ổn định.
Đầu tư cho công tác quản lý, vận hành, khai thác
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, lãnh đạo các địa phương đánh giá cao hiệu quả mang lại của chính sách đầu tư công trình thủy lợi, nước sinh hoạt cho huyện miền núi. Song, bên cạnh đó là những băn khoăn trước thực trạng công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình đạt hiệu quả chưa cao.
Đáng chú ý, tại một số địa phương, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp do ý thức của người dân trong vận hành, khai thác chưa cao. Việc phối hợp trong quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt còn có mặt yếu kém do thiếu kinh phí bảo dưỡng và cán bộ chuyên môn.
Ông Trần Phong Năng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, kiến nghị: Trung ương, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có chính sách đầu tư phù hợp các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, vận hành các công trình cho cán bộ ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ các công trình, đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững.
Ông Sô Y Lũy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị của chính quyền các địa phương để tổng hợp chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Đồng thời, lưu ý từng địa phương phải tính toán thật kỹ để lựa chọn đầu tư các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả cao nhất; thường xuyên kiểm tra, quản lý, bảo vệ các công trình để đảm bảo khai thác, vận hành lâu dài.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây