Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học của ngành GD&ĐT
Thứ năm - 01/08/2024 10:25
BĐ) - Sáng 31.7, Thường trực HĐND tỉnh có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực GD&ĐT. Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
|
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: N.H |
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; cùng lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố.
|
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn báo cáo tình hình đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học của ngành GD&ĐT. Ảnh: N.H |
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, thời gian qua, ngành GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt các Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Đến năm học 2023 - 2024, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã sắp xếp, tổ chức lại, tinh giảm còn 640 cơ sở giáo dục, đảm bảo việc dạy và học cho 335.790 học sinh.
Toàn tỉnh có 442 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 70,10% trong tổng số trường trên địa bàn, trong đó, mầm non có 100 trường (chiếm tỷ lệ 45,87%), tiểu học 176 trường (chiếm 85,85%), THCS 132 trường (chiếm 89,18%), THPT 34 trường (chiếm 60,71%).
Về quy mô cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, toàn tỉnh có 21.891 người đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ đạt chuẩn trình độ của giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019 ở cấp mầm non đạt 82,56% (trên chuẩn 61,71%), cấp Tiểu học 85,36% (trên chuẩn 0,31%), cấp THCS 86,06% (trên chuẩn 3,91%); cấp THPT đạt 100% (trên chuẩn 28,8%). Bình Định đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ năm 1998; đạt chuẩn phổ cập THCS năm 2004; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.
Về đầu tư cơ sở vật chất, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch, mở rộng thêm 502.240 m2 đất để xây dựng mới và xây dựng bổ sung các hạng mục cơ sở vật chất của các trường. Tổng số trường được đầu tư xây dựng mới, xây dựng bổ sung bao gồm mua sắm bàn ghế học sinh theo chuẩn là 351 trường; số phòng học được xây dựng kiên cố hóa, xây dựng bổ sung 1.318 phòng; số phòng học bộ môn, chức năng, hiệu bộ xây dựng bổ sung 1.112 phòng. Tổng kinh phí đã đầu tư hơn 2.352 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương lồng ghép các chương trình, dự án và ngân sách tỉnh hơn 1.122 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương (huyện, thị xã, thành phố) và vốn xã hội hóa 1.230 tỷ đồng.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu sẽ ưu tiên nguồn lực cho đầu tư lĩnh vực GD&ĐT thời gian tới. Ảnh: N.H |
Thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 7.9.2022 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 3.10.2022 của UBND tỉnh, từ năm 2023 đến nay, Sở GD&ĐT và UBND các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 33/60 công trình thuộc danh mục của Đề án đã được phê duyệt. Hiện tại, các công trình đang được triển khai theo đúng kế hoạch…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học của ngành GD&ĐT còn gặp một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể, nguồn lực của tỉnh và các địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học phục vụ cho các trường chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Các chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, chưa tạo điều kiện thuận lợi để huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở vật chất trường học. Việc mua sắm thiết bị dạy học gặp nhiều khó khăn do công tác thẩm định giá, danh mục dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành chưa có thiết bị mẫu, một số thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài nên việc lựa chọn tiêu chuẩn thiết bị để lập thủ tục mua sắm gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương đã phát biểu thảo luận, tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, nhằm thực hiện đảm bảo việc đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học của ngành GD&ĐT.
|
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: N.H |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được qua thực hiện các Nghị quyết của HĐND trên lĩnh vực GD&ĐT. Đồng chí cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện; yêu cầu lãnh đạo Sở GD&ĐT, các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm có các giải pháp để khắc phục.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực GD&ĐT, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Do vậy, tỉnh sẽ ưu tiên tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Đồng thời yêu cầu Sở TN&MT, Sở Xây dựng phối hợp với Sở GD&ĐT quy hoạch, ưu tiên quỹ đất tốt nhất, thuận lợi nhất để xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục. Đề nghị Sở GD&ĐT xây dựng đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học giai đoạn 2026 - 2030 để sớm trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đồng thời, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo để sớm nâng cấp, xây dựng mới các trường học bị xuống cấp, đầu tư mua sắm các trang thiết bị, bàn ghế, đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn