Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng tham dự có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật cùng một số đại biểu là thành viên Hội đồng Dân tộc.
Về phía tỉnh Bình Định có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Quốc Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Đoàn Văn Phi; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, thời gian qua, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát. Luật đã làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự, thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Đối với hoạt động giám sát của HĐND các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”, cùng với nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn khác, nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, lan tỏa sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới Hội đồng nhân dân các cấp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm
Ở địa phương, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua các hoạt động giám sát thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, đã tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên nhiều mặt, lĩnh vực; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trước yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hiện nay, các quy định trong dự thảo Luật về thẩm quyền, trách nhiệm; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện trong hoạt động giám sát của HĐND, cơ quan của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND chủ yếu được luật hóa từ các quy định của Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời cũng bám sát 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật. Tuy nhiên, các quy định về hoạt động giám sát của HĐND còn tương đối “vơi”, cả về lý luận và thực tiễn.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, những đề xuất sửa đổi các điều, khoản cụ thể trong Luật của HĐND các cấp và các cơ quan liên quan ở địa phương để khắc phục, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý đã và đang gặp phải trong hoạt động giám sát của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động giám sát của HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Đoàn Văn Phi
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Định Đoàn Văn Phi cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh Bình Định có nhiều đổi mới; công tác giám sát được tăng cường, chất lượng giám sát được nâng lên. Qua giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, các ngành có liên quan đã thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh đã thể hiện sự đồng hành cùng với UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhờ vậy tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương có bước phát triển khá; quốc phòng - an ninh giữ vững; đời sống nhân dân ổn định, có mặt khá hơn trước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bình Định chia sẻ, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế, có đại biểu chưa phân biệt ý kiến chất vấn với ý kiến thông thường nên khi chất vấn mang tính kiến nghị, đề nghị nhiều. Việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp ban hành và nghị quyết của HĐND cấp dưới để phát hiện dấu hiệu trái pháp luật của Thường trực HĐND, các Ban từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế. Thực tế việc phát hiện văn bản trái pháp luật hoặc chưa đúng, chủ yếu qua kiểm toán, qua kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp. Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh chưa thật sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung giám sát, chủ yếu giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn ít. Việc theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát chưa thường xuyên...
Để phát hy vai trò của HĐND tỉnh trong hoạt động thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế mẫu về hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và Tổ đại biểu HĐND để thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước; có hướng dẫn cụ thể về mời chuyên gia tư vấn tham gia các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh. Đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành khung chi tiêu đảm bảo hoạt động của HĐND.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của HĐND tỉnh Bình Định trong việc triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ hơn các vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của HĐND địa phương, trao đổi cụ thể về các kiến nghị của HĐND tỉnh Bình Định liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến khá toàn diện, cụ thể, rõ ràng, có trách nhiệm, nêu rõ căn cứ đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý tại dự thảo Luật. Báo cáo của HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp sát với thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật chuyên ngành. Đây cũng là dự luật đầu tiên được giao cho một cơ quan của Quốc hội chủ trì soạn thảo kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tập trung xây dựng dự án Luật mẫu mực về chất lượng, phương pháp, cách làm và về tinh thần trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại cuộc làm việc với HĐND tỉnh Bình Định, tập trung nghiên cứu với tinh thần thật sự cầu thị, bám sát 5 chính sách xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, giám sát là để kiến tạo, giám sát là truy đến cùng sự việc, vì vậy phải đảm bảo rõ hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát để đảm bảo yêu cầu "không luật khung, luật ống", không cá biệt hoá các điều luật, tránh dẫn đến khó khăn khi triển khai trên thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những vấn đề, nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, phù hợp và có sự thống nhất cao thì đưa vào Luật; những vấn đề chưa chín, chưa rõ nhất quyết không quy định trong Luật. Nội dung của Luật phải cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về đổi mới hoạt động của Quốc hội và HĐND, trong đó có hoạt động giám sát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có tính ổn định cao. Thông qua hoạt động giám sát để kiểm soát quyền lực Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm yêu cầu theo thể chế chính trị của nước ta - Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành và Nhân dân làm chủ. Cùng với đó, phạm, vi, đối tượng, hình thức, phương thức, hệ quả pháp lý đều phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử; cung cấp cơ sở thực tiễn trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
*Chiều cùng ngày, sau khi kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đến tặng quà các thương binh tại Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh Bình Định.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh buổi làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Đoàn Văn Phi báo cáo về kết quả triển khai và thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến
Phó Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát thuộc Văn phòng Quốc hội Đỗ Khắc Hưởng
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng
Lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định làm rõ hơn các vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của HĐND địa phương, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận buổi làm việc
Sau khi kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đến tặng quà các thương binh tại Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh Bình Định
Tác giả bài viết: quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn