PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG KHẢO SÁT KẾT QUẢ TRIỂN KHAI VÀ THI HÀNH LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND TẠI THỊ XÃ AN NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thứ sáu - 19/07/2024 14:50
Sáng ngày 18/7, tại tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn về việc khảo sát kết quả triển khai và thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cùng tham dự có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật cùng một số đại biểu là thành viên Hội đồng Dân tộc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, thời gian qua, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát. Luật đã làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự, thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Ở địa phương, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua các hoạt động giám sát thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, đã tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện thể chế pháp luật, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của địa phương; kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên nhiều mặt, lĩnh vực; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, trước yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, quá trình lập đề nghị xây dựng Luật được Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện kỹ lưỡng, từ khâu tổng kết thi hành Luật trên phạm vi toàn quốc cũng như quy trình lấy ý kiến, tổ chức các Hội thảo tham vấn đều có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp; tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các cơ quan dân cử các cấp về các vướng mắc, bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giám sát để đề xuất ra 05 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật.

Với mục tiêu lắng nghe thực tiễn tình hình thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh; việc triển khai và thi hành Luật tại địa phương cũng như tìm hiểu vướng mắc của các quy định liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cần phải sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn lắng nghe ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, những đề xuất sửa đổi cụ thể của HĐND các cấp và các cơ quan liên quan ở địa phương để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, góp phần xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.

Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thị xã An Nhơn Lê Thanh Tùng báo cáo sơ lược về thị xã An Nhơn

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân thị xã An Nhơn, đơn vị này được quy hoạch là đô thị loại III và trở thành thành phố vào năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó còn 8 tiêu chí chưa đáp ứng được.

Đối với kết quả triển khai và thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các hoạt động. Trong hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân thị xã đã xem xét, thông qua 04 Nghị quyết về chương trình giám sát, tổ chức 14 kỳ họp và ban hành 212 Nghị quyết. Việc giám sát, xem xét Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Uỷ ban nhân dân được quan tâm thực hiện, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân thị xã đã tổ chức 27 cuộc giám sát chuyên đề.

Bên cạnh đó, công tác lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu cũng được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định.

Cùng với đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục đổi mới, cải tiến theo hướng đối thoại dân chủ, thẳng thắn, chất vấn theo nhóm vấn để, lĩnh vực. Qua 14 kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ, đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã đã tham gia 186 câu hỏi chất vấn tại các phiên thảo luận, chất vấn tại các Kỳ họp Hội đồng nhân dân thị xã, được Uỷ ban nhân dân thị xã, các cơ quan, ngành thị xã giải trình, trả lời.

Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thị xã An Nhơn Đào Xuân Huy báo cáo kết quả triển khai và thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay

Tuy nhiên, qua thực tiễn, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Theo đó, giám sát chuyên đề thường do Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân thị xã thực hiện, các Tổ đại biểu tiến hành còn hạn chế. Chưa giám sát sâu vào một số lĩnh vực, như: quản lý, sử dụng đất đai, quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ và chất lượng công trình, sử dụng vốn, thu chi ngân sách,...

Trong giám sát chưa có biện pháp hiệu quả để phát hiện được hết những vấn đề hạn chế mà đơn vị chịu sự giám sát không báo cáo; công tác kiểm tra sau giám sát chưa thường xuyên. Một số kiến nghị, kết luận sau giám sát chưa được Uỷ ban nhân dân và các ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời. Hai Ban của Hội đồng nhân dân chỉ có 01 phó ban hoạt động chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm nên chất lượng giám sát, thẩm tra có mặt chưa sâu, tính phản biện còn hạn chế.

Trước những khó khăn đặt ra trong thực tiễn hoạt động, Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn kiến nghị, việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần xem xét đưa các nội dung cụ thể hóa hướng dẫn hoạt động giám sát đã được quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện; bổ sung quy định các biện pháp, chế tài cụ thể để xử lý cơ quan, đơn vị và cá nhân không chấp hành nghiêm các kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn các vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân địa phương, trao đổi cụ thể về các kiến nghị của Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương hoan nghênh và chúc mừng những thành tựu về kinh tế - xã hôi mà Thị xã An Nhơn đã đạt được trong thời gian qua và kết quả thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân của Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn. Nhấn mạnh Thị xã An Nhơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, có truyền thống hiếu học và có vị trí chiến lược của tỉnh Bình Định trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thị xã cần phấn đấu hơn nữa để đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng nhân dân thị xã An Nhơn và các đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã luôn nắm rõ, thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, xứng đáng là đại diện cho cử tri và Nhân dân địa phương. Với những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dâng hương, dâng hoa tại Mộ tập thể Liệt sĩ Sư Đoàn 3 Sao Vàng tại thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn

*Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Mộ tập thể Liệt sĩ Sư Đoàn 3 Sao Vàng tại thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn.

Đây là mộ tập thể chiến sĩ tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng - nơi yên nghỉ của 154 chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 tại Tây Phương Danh, phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) từ ngày 19-24/1/1968. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã góp một phần vào chiến công của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Mộ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2000.

Tại thị xã An Nhơn, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác tặng 20 suất quà cho các gia đình chính sách. Ân cần thăm hỏi sức khỏe gia đình các thương binh, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ tấm lòng biết ơn trước những đóng góp, cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh và của thân nhân các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của các hộ gia đình chính sách, các thương, bệnh binh. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm, chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý

Lãnh đạo thị xã An Nhơn phát biểu làm rõ các nội dung Đoàn công tác đưa ra tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận buổi làm việc

Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tại Mộ tập thể Liệt sĩ Sư Đoàn 3 Sao Vàng tại thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao quà cho các gia đình chính sách

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương trao quà tặng thị xã An Nhơn

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân tặng quà Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

Tác giả bài viết: quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây