Nhấn mạnh việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là phù hợp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, cần rà soát kỹ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng, không để ai bị giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với hiện tại.
Sáng 25.9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua gồm: điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung như Tờ trình; nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật; các điều khoản được sửa đổi cơ bản bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật.
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn có một số điều chỉnh như: một số nội dung đã được lược bỏ như chính sách về bảo hiểm y tế bổ sung; một số chính sách được mở rộng thêm như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc; quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các tài liệu hợp phần của hồ sơ dự án Luật, trong đó, lưu ý bổ sung: nội dung đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hơn, nhất là các chính sách thành phần mới; ý kiến của Bộ Tài chính; báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế đối với những chính sách mới; bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện.
Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với việc dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dân quân tự vệ... Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cũng nêu rõ, Thường trực Ủy ban đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện việc mở rộng các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng, nhóm do người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đóng, trong đó có đối tượng “hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”, “làm việc trong tổ chức cơ yếu và thân nhân của họ”, “thân nhân của dân quân thường trực” để có căn cứ xem xét, quyết định. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để quy định đầy đủ thành phần các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Điều trị dịch vụ cũng như điều trị bằng thẻ bảo hiểm y tế
Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, bảo hiểm y tế là một cơ chế tài chính y tế, đồng thời là chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Dự án Luật được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thống nhất quan điểm không "sa lầy" vào những chính sách, những quy định mới chưa được đánh giá tác động và còn nhiều ý kiến khác; chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh và những vấn đề đã được đánh giá tác động cho thấy sửa đổi là khả thi và có lợi cho người dân; những vấn đề chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu.
Thách thức lớn hiện nay là bảo đảm tốt hơn quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hiện đạt 93% dân số, tuy nhiên, tỷ lệ chi tiền của cá nhân người sử dụng dịch vụ y tế vẫn đang ở mức khá cao, gần 45% trong khi mục tiêu hướng tới là dưới 30%.
Nêu thực tế trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế phải bám sát các Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật có liên quan; tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, tháo gỡ bất cập, vướng mắc đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi.
"Chỉ sửa đổi, bổ sung luật nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay, việc sửa đổi là biện pháp tình thế, để thống nhất kịp thời với những quy định về chuyên môn, kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, bảo đảm quyền lợi có thẻ bảo hiểm y tế thì phải mua thuốc vật tư, y tế thuộc danh mục y tế chi trả cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thiếu không thể cung cấp", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, trong quá trình xem xét dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra thấy những vấn đề quy định chi tiết thuộc thông tư, nghị định thì cần tách ra, chỉ sửa những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
"Các đồng chí lãnh đạo cấp cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều thống nhất chúng ta tháo gỡ khó khăn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Muốn thế, thấy gì khó chúng ta tháo gỡ ngay, đừng cầu toàn quá, cái gì cũng đưa hết vào luật. Tinh thần là đổi mới cách làm luật, luật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, khi thực hiện bảo đảm tuổi thọ cao, có chất lượng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đề cập một số vấn đề bức xúc hiện nay về thanh toán, quyết toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc cho người dân khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức khám bệnh, cách thức quản lý cung ứng dịch vụ y tế, cách thức tổ chức giám định và thanh toán chi phí.
“Phải chú trọng y đức trong ngành y tế, khám bệnh giữa dịch vụ và bảo hiểm y tế phải có sự công bằng, không phân biệt đối xử. Đừng để người dân thấy rằng, người có tiền khám dịch vụ, người không có tiền mới đi khám thẻ bảo hiểm y tế. Làm sao để người dân thấy lương y như từ mẫu,thầy thuốc như mẹ hiền, đối xử với người bệnh công bằng, điều trị dịch vụ cũng như là điều trị bằng thẻ bảo hiểm y tế”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, muốn giải quyết căn cơ, tận gốc thì phải căn cứ vào nguyên nhân vấn đề.
Bảo đảm tính khả thi, phổ quát, công bằng
Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định là phù hợp, tuy nhiên cần rà soát kỹ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng, không để ai bị giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với hiện tại. Đây là vấn đề ngành bảo hiểm cần tính toán, cân nhắc thật kỹ, đặc biệt lưu ý đối tượng người có công, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại khu vực khó khăn, người cao tuổi.
Nhắc lại những tổn thất nghiêm trọng do cơn bão Yagi gây ra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, “nhiều người dân đang rất khó khăn, không có nhà cửa, phải ở lán, ở tạm trong các cơ sở công cộng, vì vậy, chăm lo khám bệnh và điều trị bệnh cho người dân là việc làm thường xuyên, đặc biệt là ở những vùng khó khăn".
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là quy định nhân văn, song cần xem xét, cân nhắc để bảo đảm tính khả thi, phổ quát, công bằng, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Việc sắp xếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước đây được phân tuyến nay được phân theo 3 cấp chuyên môn, kỹ thuật theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy dự thảo Luật phải bảo đảm tính kế thừa, phù hợp phân cấp khám bệnh mới, bảo đảm thống nhất, đồng bộ không phân biệt cơ sở công lập và cơ sở tư nhân.
Mong muốn ai cũng có kiến thức về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình và gia đình mình, phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành y tế phối hợp với các ngành liên quan để triển khai tốt việc phổ cập kiến thức về sức khỏe trong cộng đồng.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám theo đúng quy định. Trong đó, cần đánh giá tác động đến khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế khi mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi được hưởng cho người đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tỷ lệ được hưởng của một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để bảo đảm tính khả thi, tính thuyết phục của phương án lựa chọn.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn