Bình Định: Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022
Thứ ba - 03/01/2023 08:15
Năm 2022, các cấp ủy, chính quyền, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai kịp thời, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội,... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm tháng đầu năm tăng 8,57% so với cùng kỳ năm 2021, Kết quả này đã đưa Bình Định xếp thứ 37/63 tỉnh, thành cả nước, xếp thứ 6/14 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và đứng thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Quảng Nam).
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%, dịch vụ tăng 12,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,04% so với cùng kỳ năm 2021…
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 94.908 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Thương nghiệp đạt 77.612 tỷ đồng, tăng 13,6%; khách sạn, nhà hàng ước đạt 12.460 tỷ đồng, tăng 56,1%; dịch vụ ước đạt 4.631 tỷ đồng, tăng 38,3%; du lịch, lữ hành ước đạt 204 tỷ đồng, tăng 9,3 lần so với cùng kỳ.
Các hoạt động an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững, hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 của Bình Định lập kỷ lục mới khi ước đạt 16.551,8 tỉ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hai nguồn thu chính là thu nội địa đạt 7.385,2 tỉ đồng và thu tiền sử dụng đất: 7.000 tỉ đồng. Đặc biệt, trong năm 2022 ngành kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay với 1,55 tỉ USD, vượt 14,8% kế hoạch và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Về nhiệm vụ trong năm 2023, Bình Định tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cùng cả nước thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) khoảng 7,0%-7,5%. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ số; phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, văn hoá, thể thao và bảo vệ môi trường; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, phấn đấu tăng trưởng cả năm của ngành đạt kế hoạch. Theo đó, về sản xuất công nghiệp, xây dựng, các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư; theo dõi đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế để phấn đấu vượt dự toán thu HĐND tỉnh giao; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư...
Tác giả bài viết: Thanh Vân