Lòng dân thuận, cao tốc thông - Kỳ 2: Khơi sức dân giải “bài toán khó”

Thứ sáu - 07/10/2022 08:40
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong” - Bình Định hiểu sâu sắc điều này để giải bài toán khó GPMB dự án cao tốc Bắc -  Nam đoạn đi qua tỉnh đảm bảo tiến độ.
Táo bạo cách làm riêng
Theo kế hoạch, đến tháng 10.2022 TX Hoài Nhơn mới hoàn tất kiểm đếm, sau đó thực hiện chi trả đền bù GPMB đợt 1 cho người dân, nhưng tiến độ đã được đẩy lên sớm hơn - đến ngày 29.9.
Cầm trên tay 166 triệu đồng tiền đền bù cho thửa ruộng 540 m2, ông Mạc Đình Hùng (69 tuổi, thôn Mỹ Bình 1, xã Hoài Phú) vui vẻ nói: “Vợ chồng tôi vẫn còn 5 sào ruộng, nên tính dùng số tiền đền bù này đầu tư chăn nuôi để có thêm thu nhập. Chúng tôi thống nhất với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thu đất ruộng làm cao tốc. Đó là việc làm ích nước lợi nhà, bà con cũng ngóng con đường sớm hoàn thành”.
 Ông Phan Lực (thôn Lương Tài 2, Hoài Phú, Hoài Nhơn) nhận tiền đền bù 144,5 m2 đất lúa.
Còn ông Phan Lực (thôn Lương Tài 2, xã Hoài Phú), với 144,5 m2 đất lúa, ông nhận đền bù hơn 43 triệu đồng. Ông chia sẻ: Mấy năm nay, nghề nông thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. Giờ không còn ruộng nhưng có số tiền này cũng an tâm phòng khi gia đình có việc gì cần!
Đây là những hộ dân đầu tiên tại Hoài Nhơn nhận tiền đền bù trong số 1.333/1.634 hộ dân đã thống nhất (đạt 81,5%), hơn 266,4 tỷ đồng. Đến ngày 4.10, các Hội đồng GPMB TX Hoài Nhơn chi trả hơn 50,6 tỷ đồng cho người dân 5/9 xã, phường: Hoài Sơn, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Đức. Đồng thời khẩn trương quy hoạch chi tiết 12 khu tái định cư, các khu cải táng để tháng 11.2022 thi công.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương khẳng định, thị xã xác định muốn GPMB tốt, cả hệ thống chính trị phải quyết tâm vào cuộc; làm tốt tuyên truyền, vận động người dân; chính sách đền bù thỏa đáng. Cái khó nhất là tư tưởng “so bì”, chúng tôi đã quán triệt trước trong đảng viên, vận động người dân. Với di dời hộ “giải tỏa trắng”, chúng tôi luôn khẳng định “chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ”. Tùy theo hộ dân bị thu hồi đất, có thể xem xét trường hợp xã còn quỹ đất có thể “đổi đất” cho người dân có điều kiện phát triển sản xuất…
Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Hoài Nhơn đã có cách làm khác. Theo đó, thị xã thành lập 3 Hội đồng GPMB do 3 Phó chủ tịch thị xã làm Chủ tịch Hội đồng (mỗi hội đồng phụ trách 3 xã, phường); chia nhỏ 3 nhóm phụ trách tại xã, phường làm việc từ 7 - 21 giờ các ngày trong tuần. Ông La Long Quyết, Phó Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã, cho biết: Tại mỗi thôn, khu phố, tổ giúp việc làm việc với hộ dân để thông báo chủ trương thu hồi đất; kiểm đếm; cung cấp các biểu mẫu, hướng dẫn hộ tự kê khai những thông tin có liên quan phục vụ kiểm kê, áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Người dân đồng ý với kiểm kê, Hội đồng GPMB lập biên bản, phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Xã miền núi Hoài Phú nằm giáp ranh xã đồng bằng Hoài Hảo nên người dân còn “lấn cấn” ý kiến giá đền bù. Hôm chúng tôi về thôn Cự Tài 2 (xã Hoài Phú), có 6 hộ dân dù đã thống nhất phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn xin thay đổi loại hình đất, bổ sung thêm diện tích đất, nhân khẩu… Với mảnh vườn và nhà diện tích hơn 1.000 m2, gia đình bà Lê Thị Hoa (60 tuổi) bị thu hồi gần như hết. “Trong khi chờ dự án bố trí tái định cư, con trai thứ 2 lấy vợ nên tôi mong muốn xem xét hỗ trợ cấp 2 lô đất để được ổn định”, bà Hoa bày tỏ.
“Người dân ủng hộ dự án, nhưng còn “lấn cấn” về chỉ số đền bù chênh lệch ở xã, phường. Chính quyền xã, tổ giúp việc giải thích rõ quy định áp giá theo khung giá chính sách đền bù của tỉnh chênh lệch cho xã, phường, hiện hệ số giá đã nâng từ 1 lên 1,2 lần. Chúng tôi phải vận dụng linh hoạt và đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ, đồng thuận”, Chủ tịch UBND xã Hoài Phú Võ Khôi Phê cho hay.
Dồn sức tháo rào cản
TX An Nhơn đã kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất đai được 1.214/1.216 hộ (99,8%); 2.043/2.045 thửa đất (99,9%); khoảng 106,3/106,4 ha ruộng, vườn (99,9%). “Thị xã hoàn thành xác minh nguồn gốc đất trước 15.10 và lập phương án bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, mồ mả trước 30.10.2022; phấn đấu đến 20.11.2022 bàn giao trên 80% diện tích đất cho chủ đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Bùi Văn Cư khẳng định.
Tại huyện Tây Sơn, đến ngày 3.10 đã kiểm kê hoàn thành 100% đất lúa và 95% đất nông nghiệp khác; kiểm kê đối với 1.654/1.748 hộ (94,6%) với diện tích 51,8/53,4 ha (94,6%); xác nhận nguồn gốc đất cho 1.564/1.748 hộ (89,4%). Hội đồng GPMB phê duyệt giá đất và áp giá đền bù được 1.324/1.748 trường hợp (75,7%). Còn huyện Tuy Phước đã hoàn tất quy hoạch chi tiết 4 khu tái định cư 16,96 ha cho người dân xã Phước Thành, Phước An; hoàn thành 100% kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất và áp giá đền bù 539/771 trường hợp (69,9%).
Huyện Hoài Ân thực hiện kiểm kê nhà dân tại xã Ân Mỹ.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án nên lãnh đạo tỉnh liên tục đi kiểm tra tiến độ công tác GPMB phục vụ dự án, đặc biệt đầu tháng 10.2022 UBND tỉnh đã phê bình 3 địa phương quá chậm là Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ.
Đến nay, huyện Phù Mỹ thực kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất 1.213/1.327 hộ (91,5%), khoảng 88,9/124,2 ha (71,5%); hoàn thành quy hoạch 4/5 khu tái định cư, nhưng đi vào cụ thể 3 xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, tiến độ không đảm bảo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phan Hữu Duy trực tiếp kiểm tra và yêu cầu tổ công tác của huyện phối hợp ngay với 3 xã để hoàn thiện các bước chuẩn bị cần thiết cho vùng ảnh hưởng của cao tốc gần 19,4 km. Làm việc với xã Mỹ Trinh, ông Phan Hữu Duy truy gắt tổ công tác của huyện và xã: “Còn hơn 1 tháng nữa thì liệu các đồng chí có thể bàn giao khoảng 5 km hay không? Tổ công tác của huyện phải tăng cường phối hợp với xã để giải quyết ngay từng khó khăn, vướng mắc!”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy kiểm tra, yêu cầu tổ công tác của huyện phối hợp ngay với 3 xã vùng ảnh hưởng của cao tốc để hoàn thiện các bước chuẩn bị cần thiết.
Ông Võ Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh cho hay, xã sẽ phối hợp với hội, đoàn thể tiếp tục mời những hộ dân bị ảnh hưởng gặp trực tiếp để công khai số liệu. Đối với những hộ chưa đồng thuận, chúng tôi đến nhà vận động, với tinh thần “đảng viên gương mẫu đi trước, làng nước theo sau”.
Còn huyện Phù Cát trong khoảng 9,2 km dự án đi qua địa bàn xã Cát Hanh, Cát Hiệp, đến nay mới kiểm kê 394/458 hộ (86%), khoảng 64,5/71,4 ha (90%); xác nhận nguồn gốc đất 188/458 hộ (41%). Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Quốc Nghị khẳng định cố gắng trong tháng 10 này thực hiện công tác bồi thường GPMB.    
“Hoài Nhơn là địa phương có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất của dự án cao tốc, nhưng thị xã đã đi tiên phong thực hiện chi trả đền bù cho người dân. Đây là dự án trọng điểm của Chính phủ, cách làm cần linh hoạt, cuốn chiếu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt không nên có tâm lý sợ sai. Các địa phương khác cần phải học hỏi Hoài Nhơn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN TỰ CÔNG HOÀNG
“Với địa bàn giáp ranh giữa xã, phường cứ đúng luật mà làm, không kiến nghị tăng chi phí đền bù gây dư luận không tốt. Riêng việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khu tái định cư, các địa phương chủ động thực hiện và linh hoạt lấy ý kiến cộng đồng, người dân thống nhất, niêm yết triển khai ngay. Quy trình thực hiện ĐTM 45 ngày mới xong, các địa phương phải làm gấp rút”.
Giám đốc Sở TN&MT LÊ VĂN TÙNG          

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây