Bừng sáng nông thôn mới - Kỳ 2: Phát triển toàn diện, bền vững

Thứ ba - 18/10/2022 08:01

Quán triệt phương châm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, tỉnh Bình Định tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới theo hướng toàn diện, bền vững.

Phát triển toàn diện

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Bình Định còn đặc biệt quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục... đảm bảo phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực thôn.

Bình Định cũng đã chú trọng xây dựng các tiêu chí vực văn hóa, y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong ảnh: Trẻ mầm non ở huyện miền núi Vân Canh trong một giờ học.

Anh Đinh Trường, Trưởng thôn Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) hồ hởi khoe: Thôn mình thay đổi rất nhiều so với trước, đường làng được mở rộng, bê tông xi măng phẳng lì, ban đêm có điện đường, bà con biết trồng hoa, cây cảnh trước nhà và dọc các tuyến đường nữa. Nhà văn hóa thôn cũng được xây dựng mới khang trang, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi tập trung để tiếp nhận kỹ thuật sản xuất mới. Nhà nước còn quan tâm hỗ trợ cồng chiêng cho thôn, lớp trẻ được truyền dạy kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng để những dịp lễ, tết, dân làng thi, biểu diễn, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Bana.

Là 1 trong 5 xã cuối cùng của TX Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng Hoài Hải là xã đầu tiên trên địa bàn đạt được 13/13 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao.

Ông Huỳnh Có, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Hải, cho biết: Chúng tôi đầu tư phát triển đồng bộ cả kinh tế và văn hóa, y tế, thể dục thể thao. Đặc biệt, tại địa phương có Lăng Ông Nam Hải vạn Kim Giao được tạo lập từ năm 1852, đến nay được 170 năm, là nơi thờ cúng và tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian, các tập tục truyền thống, gắn kết cộng đồng của cư dân làng biển. Trong XDNTM, chúng tôi đặt mục tiêu vừa giữ gìn, bảo vệ lăng cẩn trọng, vừa duy trì và phát triển lễ hội cầu ngư cùng với nghệ thuật bả trạo, giữ gìn những giá trị văn hóa địa phương đặc sắc để hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.

Cùng chung niềm phấn khởi, già làng Đinh Văn Long, đảng viên ở làng M6, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), chia sẻ: “Đồng bào Bana cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Nhờ XDNTM, các tuyến đường từ xã đến thôn, xóm được xây dựng khang trang; trạm y tế xây dựng mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; các cháu có điều kiện học tập trong những ngôi trường mới. Hơn nữa, bà con còn được vay vốn với lãi suất thấp, được chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp nên thu nhập tốt hơn, cuộc sống không còn vất vả như trước”.

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, Bình Định còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Trong ảnh: Đồng bào Bana huyện Tây Sơn tái hiện Lễ hội mừng cơm mới tại Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI - năm 2022.

Câu chuyện về sự đổi thay kỳ diệu ở xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn được nhiều người quan tâm. Nơi đây từng được ví như “đảo của những người già”, bởi cuộc sống quá khó khăn, đa phần người trẻ rời đảo vào đất liền sinh sống, trên đảo chỉ còn lại người già và trẻ em. Vậy mà giờ đây, làng biển này đã trở thành điểm đến du lịch biển hấp dẫn du khách.

Ông Nguyễn Đức Trận, Bí thư Đảng ủy xã đảo Nhơn Châu, cho biết: Toàn xã có hơn 500 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ven bờ. Gần đây, Nhơn Châu được Nhà nước đầu tư kéo điện lưới quốc gia, rồi có thêm hệ thống nước sạch… nên đời sống người dân ngày càng tốt hơn, du khách đến với đảo ngày càng nhiều hơn. Hiện nhiều thanh niên đã ở lại đảo lập nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có 13 homestay được hình thành để phục vụ khách du lịch. Xã cũng đã xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý rác thải, hướng tới một Nhơn Châu không rác thải nhựa. Xã đang đầu tư mở rộng các tuyến đường, xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng và trồng cây xanh dọc đường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để thu hút du khách.

Xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn đã và đang là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.

Du lịch phát triển đã mang lại nhiều hiệu ứng bất ngờ, không chỉ ở Nhơn Châu. Làng hoa Bình Lâm ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) là một ví dụ khác. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng hoa của gia đình, chỉ tay vào những chậu hoa kiểng đang khoe sắc thắm, ông Nguyễn Ngọc Tùng, ở thôn Bình Lâm, tươi cười cho biết: “Không chỉ người dân được quan tâm hỗ trợ chuyển giao ứng dụng KHKT mà huyện còn đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông dài khoảng 1,4 km kết nối trục đường chính của xã vào tháp Bình Lâm, tạo điều kiện thuận lợi để bà con chúng tôi phát triển mô hình trồng hoa gắn với du lịch cộng đồng”.

Không có điểm dừng

Dự lễ công bố huyện Phù Cát đạt chuẩn huyện NTM do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 27.7.2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đánh giá rất cao kết quả thực hiện chương trình này ở tỉnh Bình Định trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: Danh hiệu NTM chỉ là điều kiện cần, nó tương đối; đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi, tốt hơn mới là điều kiện đủ. Sự hài lòng của người dân mới là tuyệt đối! Do đó, Chương trình XDNTM giai đoạn 2021 - 2025 cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, khó thực hiện hơn, nhưng bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân.

“Xác định nông thôn mới phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững”.

Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây