Đầu tư tư nhân vẫn khiêm tốn
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I.2024 theo giá hiện hành ước đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 tăng 3,7%). Trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 162,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 340,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,5%, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 110,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% và tăng 8,9%.
“Mức tăng vốn đầu tư này đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực; tạo đà tiếp tục bứt phá cho các quý tiếp theo, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, mức tăng này vẫn còn thấp, đặc biệt ở khu vực kinh tế tư nhân vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ông phân tích, quý I năm nay, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân dù đã tốt lên, với mức tăng 4,2%, cao hơn mức tăng bình quân các năm là 2,7%, đặc biệt quý I năm ngoái chỉ tăng 1,3%. Song, mức tăng này chỉ bằng một nửa so với trước dịch Covid-19 (bình quân tăng 8 - 8,5%).
Xét về vai trò của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, lâu nay đóng góp khoảng 50% GDP, trong đó riêng kinh tế tư nhân đóng góp 46% GDP, thì việc thúc đẩy vốn đầu tư của khu vực tư nhân là đặc biệt quan trọng. “Vốn đầu tư tư nhân tăng thấp cho thấy đâu đó vẫn bị ách tắc, đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt hơn để kích cầu khu vực kinh tế tư nhân”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cũng tỏ ý lo ngại với sự phục hồi của khu vực kinh tế tư nhân. Ông Tuấn lấy dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, trong khi chỉ có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tốc độ tăng của đầu tư tư nhân cũng còn khiêm tốn. Do đó, “phục hồi khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề hết sức quan trọng với nền kinh tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nên có gói tín dụng cho ngành hàng thế mạnh
Nhìn nhận về dư địa để tăng đầu tư của khu vực tư nhân, Phó Tổng Thư ký VCCI cho rằng vẫn khá lớn. Đó là thị trường quốc tế rộng mở với các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là mới đây Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với một loạt quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia sẽ tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp hợp tác kinh doanh. Hạ tầng được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, liên tục được đầu tư xây dựng, trong đó có đường cao tốc, sân bay; khi đầu tư vào hạ tầng sẽ giúp nền kinh tế có bước phát triển nhanh.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội mới thông qua nhiều luật quan trọng như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Luật Đất đai sửa đổi... với tinh thần là khắc phục khó khăn, bất cập hiện có, theo hướng thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, phân cấp nhiều hơn, nếu có hiệu lực sớm từ 1.7 tới sẽ tạo cú huých lớn cho nền kinh tế.
Song, khó khăn, thách thức vẫn còn. Đó không chỉ là từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mà cả những yếu tố nội tại khi vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản không thể triển khai, hay chính sách hoàn thuế cho một số ngành nghề như gỗ, sắn, điện tử còn khó khăn khiến doanh nghiệp bị đọng vốn hàng trăm, thậm chỉ cả nghìn tỷ đồng. Do đó, giải quyết bài toán về pháp lý, hoàn thuế sẽ gỡ về vốn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, ông Tuấn tin tưởng.
Dẫn thực tế doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành gạo dù đang rất thuận lợi về đơn hàng song hiện gặp khó khăn về vốn, ông Tuấn đề xuất, cần có gói tín dụng dành riêng cho ngành hàng có thế mạnh, có tiềm năng và đang đà tăng tốc, để bảo đảm vốn của nền kinh tế phải thực sự chảy vào lĩnh vực sản xuất. Song, “tạo vốn cho doanh nghiệp không phải chỉ là vấn đề hạ lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, mà còn phải là tạo thuận lợi hơn trong thủ tục, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giải phóng dòng tiền. Bởi suy cho cùng, nếu thủ tục phức tạp sẽ đẩy chi phí vốn cao hơn”.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, thủ tục pháp lý hiện vẫn vướng với các doanh nghiệp bất động sản. Minh chứng là quý I năm nay, tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có một dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Cũng trong thời gian này, số dự án ra hàng trên toàn quốc chỉ khoảng 30, khó để thị trường tăng trưởng mạnh mẽ. Bởi thế, tháo gỡ pháp lý đóng vai trò tiên quyết để thúc đẩy thị trường này.
Mặt khác, năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Tuy nhiên, chỉ một số doanh nghiệp xây dựng lớn được tham gia vào các dự án đầu tư công, trong khi hơn 90% doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam có quy mô nhỏ, dưới 100 tỷ đồng và “hầu hết dự án đầu tư công không đến được với họ”. Vì thế, ông Hiệp đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế giao thầu và chỉ định thầu để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong quý I, ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I.2023, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Do đó, khi tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực xây dựng tham gia vào dự án đầu tư công, ông Hiệp tin tưởng, mức tăng trưởng của ngành sẽ tiếp tục cải thiện, qua đó thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn