Bổ sung quy định về quy hoạch phát triển điện
Theo ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tính đến ngày 20.3.2024, Tổ biên tập đã nhận được 19 văn bản góp ý từ các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội, địa phương, các doanh nghiệp… với tổng số 367 ý kiến. Nội dung các góp ý chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Quy định chung; quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng; giá điện; vận hành và điều độ hệ thống điện quốc gia; an toàn điện và an toàn hồ chứa thủy điện…
Đến nay, Ban soạn thảo đã tiếp thu và hiệu chỉnh nội dung 218 ý kiến; đề nghị giữ nguyên như dự thảo hoặc có phản hồi làm rõ đối với 138 ý kiến; 11 ý kiến đang được nghiên cứu để tiếp tục có hướng tiếp thu, giải trình và làm rõ. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung mới về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực nhằm quy định cụ thể việc lập, trình phê duyệt kế hoạch thực hiện và quy định Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, để làm cơ sở triển khai thực hiện quy hoạch được duyệt.
Mặt khác, bổ sung mới các quy định đầu tư xây dựng dự án điện khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh cung cấp điện (đưa ra tiêu chí dự án điện khẩn cấp; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục và cơ chế đặc thù để thực hiện dự án điện khẩn cấp).
Về lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là nội dung quy định mới nhằm cụ thể hóa các đối tượng, trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu và không qua đấu thầu trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, PPP, đấu thầu và bổ sung một số trường hợp đặc thù (khẩn cấp, an ninh quốc phòng, thay thế chủ đầu tư dự án điện).
Bên cạnh đó, việc xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ cũng là nội dung mới nhằm quy định chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án đầu tư xây dựng công trình điện; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, Trung ương để quản lý tiến độ các dự án điện; đưa ra biện pháp xử lý các dự án điện chậm tiến độ, đề xuất thu hồi dự án theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Đây là những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực.
Tập trung phát triển điện năng lượng mới
Chia sẻ về nội dung phát triển điện năng lượng mới, năng lượng tái tạo, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đây là nội dung được bổ sung mới nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Theo đó, về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo nhu cầu phụ tải và trên cơ sở khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên trong từng vùng, khu vực, trên đất liền, trên biển và hải đảo nhằm khai thác tài nguyên bền vững, hợp lý. Trên cơ sở mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo từng thời kỳ trong quy hoạch phát triển điện lực, Chính phủ quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Đặc biệt, khuyến khích việc đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ điện. Dự án năng lượng tái tạo đầu tư mới, mở rộng, cải tạo được phép kết hợp các loại nguồn điện năng lượng tái tạo để tăng sản lượng phát điện nhưng công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch. Mặt khác, ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các vùng đất khô cằn hoặc khó phát triển nông nghiệp theo đánh giá của UBND cấp tỉnh.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Luật còn bổ sung nội dung giá điện cần bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện với nước ngoài.
Đồng thời, sửa đổi các nội dung về thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá (bán lẻ điện), theo đó, Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành; sửa đổi làm rõ việc Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện bình quân và khung giá bán buôn điện bình quân. Các hướng dẫn của Bộ Công Thương về các loại giá điện/khung giá điện sẽ phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực...
Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn