PHIÊN CHẤT VẤN, TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP LẦN THỨ 17, HÐND TỈNH KHÓA XIII:

Thứ bảy - 13/07/2024 09:41

Truy trách nhiệm đến cùng, làm rõ từng khúc mắc

 

 

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 17, HÐND tỉnh khóa XIII, phiên chất vấn, trả lời chất vấn ngày 12.7 đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào trọng tâm, trọng điểm các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Trong đó, nổi lên các tồn tại, vướng mắc về duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; công tác quản lý khoáng sản…

 

Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: H.P    

Không để công trình thủy lợi xuống cấp nhưng chậm sửa chữa

Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp không được duy tu, sửa chữa kịp thời là vấn đề đại biểu (ĐB) Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) đặc biệt quan tâm. “Hệ thống kênh mương thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định (sau đây gọi là Công ty) quản lý bị xuống cấp nghiêm trọng, cử tri kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Đề nghị phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm quản lý của ngành NN&PTNT”, ĐB Ân nói.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi cho biết, UBND tỉnh từng ban hành chỉ thị, trong đó có nội dung giao kinh phí cho Công ty để sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp và nạo vét kênh mương, đảm bảo hoạt động tưới tiêu. Do đó, yêu cầu Sở NN&PTNT và lãnh đạo Công ty cho biết kinh phí được giao hằng năm là bao nhiêu và đã thực hiện được những nội dung nào.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, Công ty là DN nhà nước trực thuộc UBND tỉnh. Hiện nay, nguồn thu của Công ty gồm: Ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp bù giá sản phẩm thủy lợi công ích hằng năm; nguồn thu từ thủy lợi khác (gồm cấp nước cho phát điện, cấp nước thô cho sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản…) phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo trì các công trình.

Ông Phúc cho hay, năm 2023, tổng nguồn thu của Công ty là 68 tỷ đồng, tính theo giá cấp bù sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi được xác định từ năm 2012. Tuy nhiên, sau 12 năm, đến nay giá sản phẩm dịch vụ này không thay đổi, trong khi các chi phí khác đều tăng. Do vậy, sau khi trừ các chi phí trả lương cho cán bộ, công nhân viên, chi phí vận hành các công trình…, Công ty chỉ còn 4,7 tỷ đồng (chiếm 7% kinh phí được cấp bù) phục vụ cho nạo vét kênh mương và sửa chữa nhỏ.

Giải trình thêm, Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Tánh cho biết: “Định mức cấp bù thủy lợi phí cho Công ty được thực hiện theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10.9.2012. Đến nay, sau 12 năm thực hiện, trong khi tất cả giá các loại dịch vụ đều tăng nhưng giá cấp bù thủy lợi phí không tăng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị”, ông Tánh nói.

Theo ông Tánh, trước năm 2013, hằng năm, Công ty dành khoản kinh phí chiếm khoảng 40% nguồn tiền cấp bù thủy lợi phí để sửa chữa các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, các năm trở lại đây do thiếu hụt kinh phí nên việc sửa chữa các công trình luôn gặp khó. Riêng năm 2024, kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương dự kiến mất khoảng 1,8 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ bố trí được 900 triệu đồng. Ông Tánh cũng khẳng định, Công ty chưa được giao kinh phí từ ngân sách để sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp và nạo vét kênh mương.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Thành Hải cho biết, trước thực trạng khó khăn về kinh phí của Công ty, UBND tỉnh đã có buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo Công ty và các ngành chức năng để tìm hướng giải quyết. Trong năm 2024 này, tỉnh sẽ hỗ trợ 5 tỷ đồng để Công ty tổ chức sửa chữa hệ thống thủy lợi do đơn vị quản lý. Ông Hải cũng đề nghị đối với các công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, Công ty cần lập dự án đầu tư để báo cáo Sở KH&ĐT đưa vào kế hoạch bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.    

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành NN&PTNT, Tài chính phối hợp xem xét lại vấn đề bố trí kinh phí cho hoạt động tu sửa công trình thủy lợi hằng năm của Công ty. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế đặt hàng một cách rõ ràng; làm rõ trách nhiệm của Công ty trong quản lý nhân lực và tài chính, nếu cần sẽ tiến hành thanh tra toàn diện.   

 

Đại biểu Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước), Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Định Nguyễn Văn Tánh và Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh vấn đề duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi. Ảnh:H.P

Chấm dứt tình trạng “đá trách nhiệm” 

Đó là vấn đề đặt ra liên quan đến quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri 3 xã Đak Mang, Bok Tới, Ân Sơn (huyện Hoài Ân) về việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng cho biết, ban đầu cử tri ở 3 xã đề nghị cấp sổ lâm bạ, Sở rà soát lại trước đây ngành kiểm lâm có cấp sổ lâm bạ theo Luật Lâm nghiệp, nhưng sau này theo Luật Đất đai không quy định cấp sổ lâm bạ. Còn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, theo quy định Luật Đất đai năm 1993 đến Luật Đất đai năm 2024, thẩm quyền thuộc UBND huyện Hoài Ân.

“Với ý thức trách nhiệm cao, tại phiên chất vấn đã có 4 lãnh đạo sở, ngành và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia trả lời các ý kiến, kiến nghị mà các đại biểu và cử tri quan tâm. Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh trong việc tiếp thu các ý kiến; giải trình các ý kiến cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của từng ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Từ đó, có các cam kết khắc phục và giải pháp để thực hiện đạt kết quả tốt nhất chức trách, nhiệm vụ của mình”.

Chủ tịch HĐND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG

Không hài lòng với câu trả lời này, ĐB Trần Nhật Quân (đơn vị Hoài Ân) cho rằng Giám đốc Sở TN&MT trả lời chưa rõ về vấn đề cử tri quan tâm. Đất lâm nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, nhất là khi cây trồng trên đất đã quá hạn thu hoạch, không vận chuyển, mua bán được vì không có giấy tờ chứng minh trồng trên đất chính chủ.

ĐB Quân cho biết, từ năm 2022 đến tháng 3.2024, UBND tỉnh có 5 văn bản trả lời về kiến nghị trên, nhưng nội dung các văn bản trả lời không đồng nhất, xác định cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận có lúc là Sở NN&PTNT, sau đó lại là UBND huyện Hoài Ân. “Thời gian tới nếu không có giải pháp căn cơ, Sở TN&MT không có hướng dẫn cụ thể để UBND huyện Hoài Ân thực hiện thì việc này còn kéo dài...”, ĐB Quân ý kiến.

Sau khi giải trình thêm về nội dung các văn bản, ông Lê Văn Tùng cho biết sẽ làm việc với UBND huyện Hoài Ân để hướng dẫn, xây dựng phương án giải quyết theo đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh hứa sẽ sớm giải quyết để trả lời dứt điểm với cử tri, chứ “đẩy qua đẩy lại” như vậy là không được. “Trong tuần tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp để xử lý việc này”, ông Thanh nói.

Phải chịu trách nhiệm nếu không xin cấp phép mỏ khoáng sản

Từ ý kiến của đại biểu và thực tế công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nơi, có lúc còn buông lỏng, dẫn đến sai phạm, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đề nghị Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng giải trình, làm rõ trách nhiệm về cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản. Nhất là đối với tình trạng cấp phép một đằng khai thác một nẻo, cấp phép ít nhưng khai thác nhiều…

Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Văn Tùng, Sở TN&MT và các đơn vị liên quan đã tăng cường giám sát qua nhiều hình thức, đã kiểm tra, xử lý các trường hợp DN vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các chủ mỏ khai thác đất, cát, chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương thực hiện theo đúng quy định và nhiệm vụ được giao, trong đó cần phải tăng cường trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản ở địa phương. 

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đặt ra yêu cầu phải quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản. “Từ nay trở đi, các công trình của huyện, xã sử dụng ngân sách nhà nước phải chủ động xin cấp phép mỏ khoáng sản để phục vụ thi công theo quy định, địa phương nào không xin phép thì chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm. UBND tỉnh phải hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã về việc này”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, đối với các công trình phục vụ thương mại, cần sớm xây dựng tiêu chí đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ cho công trình gắn với việc quy hoạch khai thác khoáng sản cụ thể, đúng quy định. Sở TN&MT, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan phối hợp quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

 

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8% trong 6 tháng cuối năm

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã làm rõ thêm một số định hướng lớn, mục tiêu phát triển KT-XH trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm đạt 8%.

 

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra, trên cơ sở phát huy những thuận lợi và kết quả đã đạt được, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH theo hướng đổi mới về tư duy, nhận thức, cách hiểu, cách làm của cả hệ thống chính quyền theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tăng cường tính chủ động, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành xử lý công việc.

Các cấp, các ngành tăng cường gặp gỡ, đối thoại với DN, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án lớn sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp...

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây