Tạo sự đồng thuận đối với chính sách về đất đai

Thứ sáu - 24/02/2023 08:07

Hiện nay, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tiến hành đồng loạt trên cả nước. Một lần nữa, chúng ta thấy rõ trong quá trình hoàn thiện chính sách về đất đai, tiếng nói của nhân dân luôn được lắng nghe và tôn trọng.

 Ngay trong những ngày đầu thành lập nước (năm 1945), Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt chú trọng đến chính sách đất đai. Giữa muôn vàn khó khăn trước “thù trong, giặc ngoài”, khẩu hiệu “người cày có ruộng” là một trong những động cơ chính yếu của cách mạng, nhằm phục vụ lợi ích nhân dân của một nước độc lập, tự do.

Từ đó trở đi, chúng ta có rất nhiều văn bản chính luật về quản lý và sử dụng đất đai. Nổi bật là Luật Đất đai được ban hành năm 1987, lần đầu tiên thể chế hóa các quy định về đất đai của Hiến pháp năm 1980, đặt nền móng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Ngày 15.2, Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: MINH HIỀN

Ngay sau khi Hiến pháp 1992 ra đời, Luật Đất đai năm 1993 được ban hành tiếp tục thể chế hóa những quan điểm đổi mới về quản lý, sử dụng đất đai. Đến năm 1998, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai; tiếp đó là các văn bản luật ra đời năm 2003 và 2013.

Đến nay, qua 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là hiệu quả sử dụng đất đai trong đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển không gian đô thị.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Luật Đất đai 2013 bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đảng và Nhà nước ta đã thẳng thắn chỉ rõ và thừa nhận những hạn chế, bất cập ấy. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư có lúc có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư. Quá trình thi hành luật vẫn còn những kẽ hở, dẫn đến việc lợi dụng biến đất công thành đất tư, chuyển nhượng trái pháp luật…

Lợi dụng những kẽ hở, bất cập ấy, một số đối tượng thù địch, chống đối không ngừng kích động, chống phá, xuyên tạc chính sách pháp luật về đất đai của Việt Nam. Trong đó, nổi bật là quan điểm phê phán chế độ sở hữu đất đai toàn dân; với tham vọng thu hẹp dần, tiến tới loại bỏ vai trò của Nhà nước Việt Nam trong quản lý đất đai, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động đất đai để làm chệch hướng XHCN ở nước ta.

Trước thực tế ấy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo Nghị quyết số 671/ NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3.1 và kết thúc vào ngày 15.3.

Nghị quyết nêu rõ, mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đồng thời, tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo. Quá trình thực hiện kiên quyết đấu tranh với thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đây là hoạt động quan trọng phát huy tinh thần dân chủ, để nhân dân nói lên tiếng nói với vai trò làm chủ, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đưa đất nước phát triển nhanh trên nền tảng ổn định, bền vững.

Chú trọng chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11.2 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo của các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền.

Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây