Đặt mục tiêu mới, doanh nghiệp bắt tay ngay vào sản xuất

Thứ hai - 30/01/2023 08:21

Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2023, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất, kinh doanh với quyết tâm cao để về đích nhiều mục tiêu lớn.

Đón đầu cơ hội mới

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, đón những cơ hội mới, từ mùng 3 Tết các bộ phận sản xuất tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã bắt tay vào sản xuất. Trong bối cảnh nhiều DN vẫn còn khó khăn do hậu quả của dịch Covid-19 nhưng bức tranh sản xuất kinh doanh của Bidiphar tiếp tục có nhiều điểm sáng. Năm qua, không chỉ nằm trong tốp 10 công ty dược Việt Nam uy tín, dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư được công nhận là Thương hiệu Quốc gia 2022, Bidiphar về đích ngoạn mục với doanh thu 1.617 tỷ đồng, đặc biệt doanh thu hàng sản xuất đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 23%); đạt mốc 20.000 khách hàng, tăng 21% so với năm trước; lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra; đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 1.218 cán bộ, người lao động… Doanh thu hàng sản xuất phát triển theo chiều hướng tốt chính là tín hiệu đáng mừng.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (hàng trước, bên trái) thăm dây chuyền sản xuất bia của Chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung. Ảnh: N. HÂN

Tổng Giám đốc Bidiphar Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ: Với mục tiêu “Tinh nhuệ đội ngũ, số hóa quy trình, chinh phục đỉnh cao”, chúng tôi mời chuyên gia nước ngoài đào tạo cho nhân viên, bình quân mỗi nhân viên được đào tạo 40 giờ/năm. Chúng tôi đã sẵn sàng để năm 2023 thực hiện mục tiêu doanh thu tiếp tục tăng, số lượng khách hàng tăng 25%. Bidiphar chuẩn bị khởi công dự án xây dựng 2 nhà máy mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội theo tiêu chuẩn GMP-EU, hoàn thành nhà máy sản xuất thuốc viên điều trị ung thư; tiếp tục thực hiện hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ với đối tác để sản xuất một số dòng sản phẩm đặc trị công nghệ cao, dạng bào chế tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bidiphar “mở hàng” sớm các dây chuyền sản xuất dược phẩm ngay sau tết Nguyên đán 2023. Ảnh: D.N

Ghi nhận tại nhiều DN đã “mở hàng” sớm sản xuất kinh doanh đầu năm mới, với những mục tiêu tăng trưởng, kế hoạch rõ ràng. Ông Hồ Liên Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho hay với sản lượng thông quan gần 11 triệu tấn và doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra năm 2022, DN đặt mục tiêu năm nay lượng hàng qua cảng Quy Nhơn đạt 12,3 triệu tấn. Cảng Quy Nhơn đã xây dựng các chương trình hành động cho mục tiêu này; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, bám sát diễn biến thị trường để có chính sách hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong khi chờ nền kinh tế hồi phục hoàn toàn sau dịch bệnh. Cảng sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện dự án đến cuối tháng 3.2023 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác bến số 1 với tổng chiều dài 480 m, có thể tiếp nhận cùng lúc hai tàu 5 vạn tấn vào xếp dỡ. Đồng thời tiến hành dự án nạo vét khu nước trước bến tàu và quy hoạch khai thác hiệu quả khu 3,8 ha mà cảng vừa mới tiếp nhận.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (thứ ba từ phải qua) đến thăm, nghe lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Định giới thiệu về trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định đặt tại Công ty. Ảnh: H.THU

Với các “ông lớn” trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mục tiêu mới cũng được đặt ra để đón những cơ hội mới. Tại Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ (Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) - 100% vốn đầu tư nước ngoài, đến nay đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm công nghệ cao trên hơn 116 ha. DN này ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thẻ chân trắng như Biofloc, vi sinh; ứng dụng công nghệ tự động hóa các hệ thống bơm nước, thiết bị sục khí, quạt nước trong trại nuôi tôm thương phẩm... “Năm 2022, tổng sản lượng nuôi tôm của công ty đạt 1.670 tấn, năng suất tôm bình quân đạt gần 50 tấn/ha, doanh thu 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho 220 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu đạt sản lượng 1.800 tấn tôm nuôi thương phẩm, doanh thu 216 tỷ đồng, tạo việc làm cho 250 lao động”, Giám đốc Nguyễn Văn Thảo nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (hàng trước, bên trái) thăm cơ sở nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ. Ảnh: N.HÂN

Trong khi đó, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư khẳng định vị thế số 1 Việt Nam về gà giống khi chiếm đến 30% thị phần cả nước. Các giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ đã trở thành giống gà được nuôi phổ biến nhất ở nước ta. Song song với việc tiếp tục nâng cao chất lượng 3 giống gà này, năm qua gà Minh Dư đã nghiên cứu và đưa ra thị trường một số giống gà đặc sản cho các vùng miền như gà mía cho các tỉnh, thành phía Bắc, gà nòi Bến Tre cho các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Năm 2023, dự kiến tiếp tục đưa ra thị trường 2 giống gà mới là gà ri vàng rơm Minh Dư và giống gà chân chì. Giám đốc Lê Văn Dư khẳng định: Chiến lược phát triển của chúng tôi là phát triển gà giống Minh Dư được công nhận là gà giống quốc gia; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến thịt và xuất khẩu; xuất khẩu gà giống 1 ngày tuổi, khẳng định thương hiệu gà Việt trên bản đồ thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (người đứng) thăm Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: T.HIỀN

Kỳ vọng từ sự hồi phục và những trợ lực

Nhiều DN cho hay, sau khoảng thời gian dài khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2023 được xác định là năm quan trọng cho các kế hoạch nhắm tới mục tiêu cao hơn về sản xuất, kinh doanh, cả về quy mô và chất lượng.

Sản xuất gà giống tại Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư. Ảnh: D.N

Không chỉ kỳ vọng vào sự phát triển và phục hồi của nền kinh tế, các DN rất trông chờ vào sự trợ lực từ các chính sách để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Cùng với đó là nỗ lực của chính DN để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho biết: Doanh thu năm 2022 của công ty đạt 140 triệu USD. Đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng công ty chậm lại do nguyên liệu sụt giảm hơn 20%. Công ty đã kiến nghị lên tỉnh cho kéo dài thời hạn thuê đất tới năm 2025 để tìm thuê đất phù hợp với ngành chế biến thủy hải sản và xây dựng nhà máy mới, hệ thống máy móc hiện đại, kho lạnh dự trữ nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của ngành chế biến thủy hải sản và tốc độ phát triển của công ty.

Ông Lê Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phú Tài, cho hay hoạt động sản xuất của DN trong năm 2022 diễn ra trong môi trường kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Doanh thu năm của công ty đạt 7.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu 159 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 619 tỷ đồng, quy mô lao động 7.200 người. Trong định hướng năm 2023, Phú Tài sẽ về đích với doanh thu 7.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu 177 triệu USD. Trên hành trình “vượt sóng”, DN đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị, môi trường và chiến lược kinh doanh cho hàng chục đơn vị trực thuộc và công ty con.

Dự báo ngành gỗ đến hết quý II/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7% - 9%. Ảnh: M.HOÀNG

2022 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ, không còn giữ được tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số như nhiều năm trước. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng đưa ra dự báo khó khăn sẽ còn “đeo bám” ngành sản xuất và xuất khẩu gỗ đến giữa năm 2023. Ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Viforest, nhận định: Năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn. Chúng tôi dự tính phải hết quý II/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7% - 9%. Để làm được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN bằng việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Để kích cầu, Viforest cũng khuyến cáo DN ngành gỗ trong nước nói chung và DN tại thủ phủ gỗ Bình Định nói riêng cần tìm cách giảm chi phí sản xuất, giúp các nhà nhập khẩu có nhiều “không gian” để khuyến mại sản phẩm. Các DN cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng thông qua việc cải tiến mẫu mã, tập trung vào các nhóm hàng có giá trị cao…

Lắng nghe, đồng hành và “cần” doanh nghiệp

Ngay trong ngày trở lại làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2023, chiều 27.1 (mùng 6 tháng Giêng), các đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất đầu năm tại nhiều DN. Không chỉ chúc mừng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh còn lắng nghe, động viên và chia sẻ những khó khăn của các DN, khẳng định tỉnh luôn đồng hành với các DN đầu tư tại Bình Định.

Đến thăm Công ty Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh vai trò của DN trong phát triển nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Bình Định nói riêng và trong nước nói chung. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, phát triển nuôi tôm công nghệ cao gắn với chế biến xuất khẩu là vấn đề tỉnh hết sức quan tâm. Trong năm 2023, đề nghị DN nhanh chóng triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, gắn với chế biến, xuất khẩu, nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Cùng với đó, sớm triển khai khu ẩm thực tôm nuôi phục vụ khách du lịch khi đến tham quan khu nuôi tôm công nghệ cao.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn bày tỏ mong muốn các DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng không gian mới, tìm kiếm thêm thị trường để phát triển thành thương hiệu quốc gia và vươn ra thế giới. Tỉnh khẳng định luôn lắng nghe, đồng hành và “cần” DN để ra các quyết sách đúng đắn cho phát triển của DN. Và quan điểm của tỉnh là DN có phát triển mạnh thì tỉnh mới phát triển được. “Tỉnh vẫn đi kêu gọi các “đại bàng” từ nước ngoài và trong nước về đầu tư tại Bình Định, nhưng tôi cũng đồng thời mong muốn chính các DN trong tỉnh cũng sẽ nhìn thấy, nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đầu tư phát triển trở thành những “đại bàng” ngay tại tỉnh”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Tranh thủ thời cơ, cơ hội từ các đơn hàng mới, một số DN đã sản xuất, kinh doanh ngay trong kỳ nghỉ Tết; còn lại phần lớn DN đến mùng 8 tháng Giêng đã đi vào sản xuất trở lại.

Ngay từ đầu năm, ngành Công Thương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các DN. Tìm hiểu sâu sát những khó khăn, vướng mắc của DN để tổng hợp trình UBND tỉnh kịp thời giải quyết; triển khai đến tận các hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới.

Giám đốc Sở Công Thương NGÔ VĂN TỔNG

Là một trong những DN kinh doanh lĩnh vực lưu trú, Maia Resort Quy Nhơn tự hào là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú cao cấp theo chuẩn quốc tế hàng đầu của tỉnh Bình Định và khu vực. Trong năm 2022, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraina, Maia Resort Quy Nhơn vẫn về đích doanh thu hơn 63,6 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 1,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 172 lao động bình quân 12,6 triệu đồng/tháng/người. Dự kiến năm 2023, doanh thu tăng 12,2% so với năm 2022.

Ông Marc Bittner, Tổng Quản lý Công ty CP Khu Du Lịch Biển Maia Quy Nhơn

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây